Tàu cá QNg 909.99 có giá trị gần 14 tỉ đồng nhưng thông báo đấu giá với giá khởi điểm 2 tỉ đồng đã không có hồ sơ nào đăng ký đấu giá - Ảnh: TRẦN MAI
Không chỉ ở Quảng Ngãi, tàu cá đóng mới theo hỗ trợ của nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, khai thác hải sản ở nhiều địa phương khác cũng ở tình trạng tương tự.
Hiếm có chương trình nào có sự tham gia nhiệt tình từ các bộ ngành, ngân hàng đến các địa phương và cả truyền thông đến như vậy.
Đã có lúc chương trình cho vay đóng tàu mới, to hơn được kỳ vọng tạo ra cuộc cách mạng trong ngành đánh bắt xa bờ của VN. Vậy mà...
Chúng ta cứ nghĩ đổ tiền đóng tàu to hơn, hiện đại hơn thì ngư dân sẽ đánh được nhiều cá. Thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Có nhiều nguyên nhân: khách quan là nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, giá nhiên liệu tăng cao, giá thủy sản giảm; chủ quan là chủ tàu không có trách nhiệm trong đánh bắt, thiếu bạn tàu đi biển...
Nhưng tóm lại, bài học rút ra là tiền không phải là tất cả. Đúng vậy. Bởi việc đóng tàu lớn khai thác xa bờ nhưng không có nghiên cứu về tiềm năng hải sản của ngư trường tương ứng, giao một tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng cho ngư dân nhưng họ chưa được đào tạo để điều hành như một doanh nghiệp là việc làm đầy rủi ro.
Cách làm này không khác gì cho vay vốn đầu tư sản xuất mà không biết có khách hàng hay không. Về phía ngư dân, chuyển từ một tàu nhỏ gắn bó nhiều năm sang một con tàu to hơn, hiện đại hơn chưa hẳn đã hiệu quả.
Trước đây ngư dân thường bỏ tiền của gia đình vay mượn người thân để đóng tàu nên áp lực trả nợ không quá căng, khất được mà. Nếu chuyến đi biển này lỗ, vẫn vay mượn thêm đi chuyến khác gỡ gạc. Còn vay ngân hàng, vốn vay lớn, hằng tháng phải trả gốc và lãi dù chuyến biển lời lỗ ra sao. Vì thế sau vài chuyến đi biển thất bát, ngư dân đã hết vốn lưu động trong khi khoản nợ định kỳ trở thành gánh nặng, họ đành chấp nhận để tàu nằm bờ.
Nhưng nhiều tàu cá bị rao bán không có nghĩa ngành đánh bắt xa bờ của VN không thể phát triển. Khuyến khích và hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, bám biển là việc phải làm cho cả mục tiêu kinh tế và khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước. Quan trọng là phải làm mọi cách để không đi vào vết xe đổ của bài học 67 hay chương trình đánh bắt xa bờ trước đó.
Muốn vậy, phải từ bỏ suy nghĩ có tiền, tàu to là có tất cả, không thể giải ngân hết vốn là xong. Ngoài tiền, ngư dân cần những thông tin về nghiên cứu ngư trường, đánh giá trữ lượng, mùa vụ khai thác hiệu quả. Chủ tàu và ngư dân cần hỗ trợ và đào tạo. Ông chủ tàu phải nâng mình lên thành chủ doanh nghiệp. Những người đánh cá thuê (bạn tàu) phải được đào tạo là những công nhân trên tàu cá.
Chủ doanh nghiệp tàu cá không thể lấy cách làm ăn như ứng dầu, đá của thương lái như đã làm với tàu gỗ để điều hành tàu sắt đóng từ tiền vay ngân hàng. Công nhân làm việc trên tàu cá phải thành thạo với máy móc, những chuyến đi biển xa dài ngày... Đến lúc nào đó cũng cần có doanh nghiệp "chim đầu đàn" trong đánh bắt xa bờ để dần thay đổi thói quen làm ăn của các chủ tàu, ngư dân.
Mong muốn là thế, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn nợ một chương trình đánh bắt xa bờ hiệu quả và thành công!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận