10/10/2022 15:50 GMT+7

Tiền đổ vào 'vợt' cổ phiếu rớt giá, chứng khoán đảo chiều tăng điểm

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Mặc dù chỉ số VN-Index có lúc giảm hơn 20 điểm trong phiên sáng đầu tuần 10-10, nhưng sau đó lượng tiền đổ vào mua cổ phiếu rớt giá đã giúp thị trường đảo chiều từ đỏ sang xanh. Chứng khoán tăng, song tổng thanh khoản trong ngày vẫn yếu.

Tiền đổ vào vợt cổ phiếu rớt giá, chứng khoán đảo chiều tăng điểm - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán đảo chiều, chốt phiên 10-10 tăng điểm - Ảnh: B.MAI

Vào đầu phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng khoán lập tức bị chìm trong sắc đỏ, cung áp đảo cầu, song sau đó mức giảm được rút ngắn hạn. Đến đầu phiên chiều, toàn bộ ba sàn chính gồm HoSE, HNX và UpCOM đều ghi nhận cú lội ngược dòng và tăng điểm.

GAS (PetroVietnam Gas), MWG (Thế giới di động), VNM (Vinmilk), PLX (Petrolimex), MSN (Masan), VRE (Vincom Retail), BVH (Tập đoàn Bảo Việt)... là các "công thần" dẫn đầu xu hướng đẩy thị trường chứng khoán đi lên. 

Đáng chú ý, sau khoảng thời gian liên tục giảm điểm, hôm nay cổ phiếu ngành thép đồng loạt tăng, điển hình như HPG (Hòa Phát), POM (Thép Pomina), TLH (Thép Tiến Lên)... Riêng các mã NKG (Thép Nam Kim), HSG (Hoa Sen) tăng trần. 

Tiền đổ vào vợt cổ phiếu rớt giá, chứng khoán đảo chiều tăng điểm - Ảnh 2.

Cổ phiếu ngành thép tăng, tăng trần trong phiên 10-10 - Ảnh: B.MAI

Trong khi đó, các cổ phiếu nhóm ngân hàng có diễn biến phân hóa rõ rệt, trong khi CTG (VietinBank), MBB (MBBank), BID (BIDV)... tăng khá tốt, các mã TCB (Techcombank), TPB (TPBank), EIB (Eximbank)... lại rớt giá. 

Ở chiều đối lập, nhà đầu tư tập trung bán ra cổ phiếu VHM (Vinhomes), NVL (Novaland), VIC (Vingroup), VJC (Vietjet Air), SAB (Sabeco)...

Nếu như phiên kế trước toàn bộ các ngành đều bị rơi vào sắc đỏ, sang phiên hôm nay tình hình đã khả quan hơn. Trong đó chỉ số ngành bất động sản và ngành chăm sóc sức khỏe bị rớt xuống mức âm, các ngành còn lại đều tăng trưởng dương. Mức tăng từ 3-5% thuộc về ngành dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu và năng lượng. 

Từ mức giảm hơn 20 điểm, sau khi nhận được dòng tiền lớn mua vào, chỉ số VN-Index đã được đảo chiều, có lúc tăng tới 15 điểm, nhưng sau đó chính thức chốt phiên với mức tăng 6,57 điểm (+0,63%) lên 1.042,48 điểm. Lần cuối cùng VN-Index nằm dưới mức điểm này là vào ngày 1-2-2021.

Mặc dù chỉ số chung của toàn sàn chứng khoán TP.HCM đều tăng, nhưng đáng chú ý là vào thời khắc gần kết thúc phiên giao dịch thì rổ VN30 (30 cổ phiếu có vốn hóa lớn hàng đầu) tiếp tục bị nhấn chìm xuống sắc đỏ (-0,06%, lùi về 1.038,93 điểm).

Cả sàn HNX và sàn UpCOM cũng cầm cự được sắc xanh khi ghi nhận mức tăng lần lượt là 3,76 điểm (+1,6%) lên 229,85 điểm và 0,16 điểm (+0,2%) lên 80,14 điểm.

Dù xuất hiện dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu rớt giá vào cuối phiên, song tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường vẫn ở mức thấp xấp xỉ 16.470 tỉ đồng, giảm 11% so với phiên trước. 

Về chiến lược đầu tư trong tháng 10, chuyên gia của Chứng khoán SSI cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn, có thời gian nắm giữ cổ phiếu dưới một tháng, việc mua cổ phiếu hoặc tăng tỉ trọng nên chờ đợi đáy ngắn hạn được hoàn tất trên đồ thị kỹ thuật hoặc khi các cổ phiếu cân bằng trở lại từ các vùng nền cứng trong quá khứ. 

Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn sẽ có một giai đoạn vàng để giải ngân từng phần, ưu tiên doanh nghiệp đầu ngành, có sức khỏe tài chính tốt, thời hạn nắm giữ từ 2-3 năm.

Từ góc nhìn kỹ thuật, SSI nhận định, vận động của VN-Index trong tháng này sẽ được quyết định bởi vùng quan sát quan trọng 1.100 điểm. Nếu duy trì ổn định được trên vùng này, nhiều khả năng sẽ hình thành một nhịp hồi phục với vùng mục tiêu 1.142 - 1.150 điểm. Ngược lại, khi mốc 1.100 điểm bị xuyên thủng, chỉ số có thể sẽ tìm điểm cân bằng và hồi phục từ nền hỗ trợ cứng 1.025 - 1.000 điểm.

Đội ngũ phân tích chiến lược của Yuanta Việt Nam cho rằng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, nhưng thị trường giảm sâu vào vùng quá bán rất mạnh cho nên dễ xuất hiện các nhịp hồi, nếu nhà đầu tư không có áp lực về margin (vay ký quỹ) thì cần hạn chế bán tháo tại các nhịp giảm mạnh của thị trường. 

Dù điểm sáng là nhà đầu tư chưa hoàn toàn có dấu hiệu rời bỏ thị trường, cho thấy thị trường vẫn có thể xuất hiện các cơ hội ngắn hạn, song xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó nhà đầu tư ngắn - trung hạn có thể tiếp tục đứng ngoài và nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp 25-30%. 

Chứng khoán chao đảo với tin đồn, có giải pháp không? Chứng khoán chao đảo với tin đồn, có giải pháp không?

TTO - Tin đồn tiêu cực có nhiều trường hợp đúng và cũng có bịa đặt, nhưng điểm chung là khi vừa xuất hiện đều khiến tâm lý không ít nhà đầu tư hoang mang, dẫn đến cảnh báo bán tháo cổ phiếu, thị trường chứng khoán lao dốc mạnh.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên