Gửi tiết kiệm vào tiệm vàng vì lãi cao
Bức xúc vì chủ tiệm vàng không trả tiền gửi tiết kiệm, những ngày qua nhiều người dân mang theo băng rôn tới trước gia đình chủ tiệm vàng đóng ở quốc lộ 7, xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An để đòi tiền.
Nhiều người kêu cứu vì gửi tiền tỉ vào tiệm vàng, giờ không đòi được
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và báo Tuổi Trẻ, người dân ở các xã Công Thành, Mỹ Thành, Đại Thành, Khánh Thành… trình bày: từ năm 2017 trở về trước, do tin tưởng cửa hàng kinh doanh vàng bạc Tám Nhâm huy động vốn với lãi suất cao nên họ gửi tiền và được chủ tiệm vàng trao lại "sổ tiết kiệm".
Tuy nhiên, đến hạn người dân rút tiền ghi trong "sổ tiết kiệm" thì chủ tiệm vàng này tuyên bố vỡ nợ. Thời điểm đó, một số người được chủ tiệm vàng trả lại tiền.
Riêng từ năm 2017 đến nay nhiều người dân không đòi được tiền gốc và lãi đã gửi vào tiệm vàng, với tổng số tiền gần 10 tỉ đồng.
Cầm trên tay cuốn "sổ tiết kiệm" đã úa màu, bà Hồ Thị Tần - 74 tuổi, ngụ xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành - rớm nước mắt kể vào tháng 7-2016 hai vợ chồng ông bà có gửi vào tiệm vàng Tám Nhâm 140 triệu đồng, kỳ hạn ba tháng với lãi suất 9,6%/năm.
Người đứng tên "sổ tiết kiệm" là chồng bà Tần. Đây là số tiền được vợ chồng ông bà gom góp từ nhiều năm qua.
"Lúc đó vợ chồng tôi thấy nhiều người dân trong làng, trong xã đều gửi vào tiệm vàng vì họ in sổ tiết kiệm giống như ngân hàng, lãi suất chênh lệch cao hơn ngân hàng nên rất tin tưởng", bà Tần kể.
Thời điểm tiệm vàng tuyên bố vỡ nợ, vợ chồng ông bà may mắn được trả lại 70 triệu đồng tiền gốc. Ba năm trước, chồng bà qua đời. Dù đã tuổi cao nhưng bà Tần cũng phải lặn lội cầm theo giấy chứng tử của chồng để đòi 70 triệu đồng còn lại nhưng đều không được.
Là gia đình có quan hệ họ hàng với chủ tiệm vàng nhưng ông Võ Duy Long - 72 tuổi, ngụ xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành - vẫn còn hơn 700 triệu đồng gửi "sổ tiết kiệm" chưa đòi được.
"Hai con tôi đi làm ăn ở nước ngoài, gửi tiền về để vợ chồng tôi giữ hộ sau này về nước xây nhà. Năm 2016, vợ chồng chú Tám nói gửi vào vì lãi suất cao, thủ tục đơn giản, rút lúc nào cũng được nên tôi gửi hai sổ gần 1 tỉ đồng", ông Long cho biết.
Điểm chung của các "sổ tiết kiệm" mà tiệm vàng Tám Nhâm đưa cho người dân đều không có số sổ, nội dung bên trong là quỹ tiết kiệm đóng dấu đỏ của doanh nghiệp kèm thông tin của khách hàng gửi, lãi suất, kỳ hạn…
Chủ tiệm vàng: Nhiều người vay nợ của tôi rồi bỏ trốn
Chiều 5-1, trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Vĩnh Tám - 54 tuổi, chủ doanh nghiệp tư nhân Tám Nhâm - nói: "Tôi cũng là bị hại trong vụ việc này".
Theo ông Tám, doanh nghiệp của ông kinh doanh nhiều ngành nghề, tích cóp được số tiền gần 20 tỉ đồng trước khi mở tiệm vàng vào năm 2016.
Thấy doanh nghiệp vợ chồng ông làm ăn uy tín nên một số người dân đưa tiền đến gửi lấy lãi do lãi suất của vợ chồng ông trả cao hơn lãi suất từ ngân hàng (chênh lệch khoảng 3%/năm).
Do một số cá nhân khác vay từ vợ chồng ông vỡ nợ, bỏ trốn dẫn đến việc doanh nghiệp của ông mất khả năng thanh khoản, với số tiền huy động vốn từ người dân hơn 33 tỉ đồng.
"Thời gian qua gia đình tôi rất tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, không bỏ khỏi nơi cư trú mà bán tài sản, đất đai khắc phục trả lại cho 196 người với số tiền hơn 22 tỉ đồng. Đến nay, chúng tôi vẫn còn nợ hơn 9 tỉ đồng", ông Tám nói.
Vì sao tiệm vàng lại mở sổ tiết kiệm giống như ngân hàng? Ông Tám giải thích thời điểm đó một số tiệm vàng khác trong vùng cũng mở sổ tiết kiệm như vậy nên doanh nghiệp ông in sổ tiết kiệm đưa cho người dân để giữ uy tín.
Theo tin của Tuổi Trẻ Online, Công an huyện Yên Thành đã tiếp nhận đơn tố cáo của người dân và đang xác minh, phân loại xử lý theo thẩm quyền.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Giang - chánh án Tòa án nhân dân huyện Yên Thành - xác nhận thời gian qua tòa án huyện này đã thụ lý xử lý đơn khởi kiện dân sự của 7 công dân liên quan đến việc đòi tiền gửi tiết kiệm từ tiệm vàng Tám Nhâm.
Các vụ kiện này đã được hai bên thỏa thuận dân sự và chuyển qua thi hành án.
"Quan điểm của chúng tôi là đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Qua sự việc này, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ các kênh gửi tiết kiệm hợp pháp được Nhà nước cho phép để đảm bảo quyền lợi", ông Giang nói.
Tiệm vàng không được mở sổ tiết kiệm
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, tại khoản 2, điều 8, Luật Các tổ chức tín dụng: "Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán".
Đối chiếu với giấy phép hoạt động của doanh nghiệp Tám Nhâm vào năm 2005 cho thấy doanh nghiệp này không được cấp phép trong hoạt động ngân hàng. Do vậy, doanh nghiệp này phát hành sổ tiết kiệm, huy động tiền gửi trong dân là trái phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận