Anh Tiến, nhân viên Auth Spa, đang xử lý đường viền bị hỏng cho chiếc túi Louis Vuitton - Ảnh: LÊ PHAN
Những chiếc túi xách, giày dép, balô hàng hiệu đắt đỏ, sang trọng để "thượng đế" thỏa sức thể hiện đẳng cấp. Nhưng khi những món đồ có giá vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu hoặc tiền tỉ bị vấy bẩn, trầy xước, hư hỏng thì làm sao để "cứu"?
"Tôi có niềm đam mê sâu thẳm với từng chiếc túi xách, ngay cả khi chúng bị hư hỏng" - anh Phạm Ngọc Hiếu, người sáng lập Auth Spa (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - mở đầu câu chuyện khi nói về ý tưởng mở spa đồ hiệu của mình.
"Phù thủy" sửa chữa đồ hiệu
10 năm trước, anh Hiếu bắt đầu kinh doanh túi xách cao cấp sau khi rời ghế văn phòng. Anh nhận ra nhiều món đồ hiệu sau khi dùng một thời gian sẽ xuống cấp, hư hỏng mà không có nơi sửa. Khi đó, chuyện làm mới đồ cao cấp ở Việt Nam khá mới mẻ, nhiều người vẫn còn xa lạ với dịch vụ này.
Sau thời gian đi nước ngoài học hỏi, "đứa con tinh thần" của anh ra đời và tiên phong ngành spa hàng hiệu tại Việt Nam. Những món đồ xa xỉ thuộc các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Hermes, Gucci, Chanel, Dior, Louis Vuitton, Burberry... bị dính bụi bẩn, trầy trụa, rách da, hư viền, mất form và phụ kiện cũ được các "phù thủy" giúp lấy lại vẻ đẹp vốn có.
Nếu như anh Hiếu chuyên vệ sinh, sửa những chiếc túi, giày dép, balô bị dơ và hư hỏng thì chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, vợ anh, lại rất mát tay với phục hồi, đổi màu túi.
"Có những túi bị bẩn ăn sâu vào lớp da bên trong hoặc bạc màu thì phải phục hồi màu, phun sơn điện từ, bọc bóng lại. Những khách muốn đổi màu túi, nếu màu basic (cơ bản) thì có thể làm giống 90%, còn phiên bản limited (giới hạn) thì khoảng 80% thôi", chị Trúc cho biết.
Nhớ lại sản phẩm đầu tay vào năm 2012, chị nói đó là một túi xách có giá 70 triệu đồng được khách yêu cầu phục hồi đúng màu gốc.
"Ban đầu khi khách đem đến, mình cầm lên hơi sợ vì nó quá đắt, huống gì sửa trực tiếp lên. Trong lúc xử lý bề mặt túi, do chưa nắm đặc thù từng loại da nên tôi đã pha khác màu gốc. Tôi hoang mang không biết làm sao, dành cả tuần nghĩ cách "cứu" nó và nhận ra đối với da thấm nước thì phải pha màu sáng hơn để tô cho phù hợp", chị kể.
Viền chiếc túi Hermes đắt đỏ này, phải cẩn trọng tuyệt đối, tay nghề phải chắc để đảm bảo phần viền không bị lem, ảnh hưởng các vùng da khác
Dịch vụ cho khách hàng cao cấp
Nhiều năm gắn bó với hàng hiệu, chị Trúc chia sẻ một trong những sản phẩm đắt tiền nhất mà chị từng làm là Hermes (thương hiệu Pháp). Đây là dòng túi chỉ dành cho giới thượng lưu và có giá lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí vài tỉ đồng đối với bản da cá sấu bạch tạng.
"Dòng Hermes khoảng 500 triệu đồng trở xuống, chúng tôi đã làm ít nhất vài chục cái. Nó quá đắt nên khách xài kỹ lắm, chỉ yêu cầu dán keo viền quai, phục hồi cho khớp phần bị trầy bay màu. Các công đoạn này rất khó làm, không khéo là đền con số không nhỏ đâu" - chị Trúc nói và cho biết qua nhiều năm càng làm càng học hỏi được nhiều thứ, có thể sáng tạo nhiều cách xử lý.
"Tôi nghĩ chỉ cần yêu nó và xem như đang làm đồ của mình thì sẽ tự tin và làm hết sức" - chị Trúc nói. Năm 2015, sau khoảng thời gian làm tại nhà, vợ chồng chị mở cửa hàng riêng khi đơn hàng đã tăng đáng kể. Nhờ tính chu đáo, tỉ mỉ và đầy kinh nghiệm nên sau gần 10 năm, cửa hàng đã có lượng khách trung thành ở TP.HCM và tỉnh thành lân cận.
Cũng như vợ chồng chị Trúc, khách hàng cao cấp là phân khúc mà spa đồ hiệu ICUS của anh Trần Huy Hoàng nhắm đến, bởi việc phục hồi đồ hiệu cần kỹ thuật và tay nghề cao nên chi phí rất lớn.
"Khách bỏ ra trên 20 triệu đồng mua cái túi thì đương nhiên có thể chấp nhận phí vệ sinh, phục hồi 3-4 triệu đồng. Chứ nếu giá trị món đồ tầm 500.000 đồng mà phí sửa chữa tiền triệu thì ai mà làm" - anh Hoàng cho biết giá sửa hàng hiệu tùy vào mức độ hư hỏng và yêu cầu của khách.
Anh ví dụ chiếc túi giá 40 triệu đồng, phục hồi lại như mới khoảng 90% thì số tiền làm có thể lên đến 7 triệu đồng. Càng khó làm thì càng mắc, nguyên vật liệu thì nhập khẩu, nếu đổi màu thì phải xem màu đó đặc biệt thế nào, mất thời gian ra sao, kích thước lớn hay nhỏ...
"Tôi nghĩ những món đồ giá trị hàng chục triệu, trăm triệu đồng thì giá phục hồi vài triệu không xem là quá cao. Chúng tôi từng "hồi sinh" một chiếc túi Gucci giá thị trường 140 triệu đồng nhưng tiền phục hồi chỉ vài triệu. Sau khi làm xong muốn thanh lý cũng được ít nhất 50 triệu đồng, chứ nếu để hiện trạng như ban đầu thì chỉ bán tầm 15 triệu đồng hoặc rất kén người chịu mua lại vì nó quá cũ và hư nhiều thứ", anh Hoàng nói.
Trong số khách hàng "ruột" của ông chủ ICUS, có 10% là người nổi tiếng trong giới showbiz và đa số đều hài lòng dù là người khó tính. "Khách kỹ tính lắm, không được có vết bụi hay một nếp nhăn nhỏ, phải đảm bảo đúng tiến độ. Đôi khi có nhiều phụ kiện chính hãng khó tìm, phải đợi nhập qua thì trễ hẹn là chuyện khó tránh", chàng trai 29 tuổi nói.
Sau khi pha chế màu gần màu nguyên bản, thợ dùng cọ chấm lên từng vết hư tổn để phục hồi vết da bị bong tróc - Ảnh: NVCC
Tiềm ẩn rủi ro
Với anh Hoàng, chuyện làm đẹp cho đồ hiệu nhìn qua tưởng dễ nhưng hoàn toàn không phải vậy, "mất ngủ đó chứ chẳng đùa". Mỗi ngày bước vô cửa hàng toàn đồ hiệu, trị giá tiền tỉ, những người làm nghề phải hết sức cẩn trọng.
Anh kể từng bồi thường 20 triệu đồng cho chiếc túi Burberry có giá 26 triệu đồng do làm lem màu trong lúc vệ sinh. "Các thành phần túi đa dạng, dùng hóa chất chuyên dụng vẫn khó tránh khỏi lem màu, khó phục hồi. Nhưng chúng tôi khống chế được, 3.000 đơn thì rủi ro chừng 2-3 đơn", anh Hoàng nói.
Một kho hàng có cả ngàn món, cho nên việc nhầm lẫn đồ lâu lâu vẫn xảy ra trong quá trình đóng đơn, vận chuyển. Anh Hoàng nói mấy hôm trước có một bạn nhân viên vệ sinh túi bỏ nhầm ví Chanel vào đơn khác rồi giao.
Mất chiếc ví gần 30 triệu đồng, anh Hoàng định báo công an để răn đe nếu ai có ý xấu. Nhưng may mắn là vị khách nữ tốt tính đã gọi điện "bên này giao dư cái ví, em qua lấy về đi". Và nguy hiểm nhất là làm mất đồ, vì không chỉ bồi thường giá trị lớn mà còn phải làm sao trấn an tâm lý để khách vẫn tin tưởng tiếp tục giao "con cưng" cho mình xử lý.
Lường trước những vấn đề đó, anh Hoàng luôn có một khoản dự trù ngân sách giải quyết sự cố. "Nhưng trộm vía rất ít khi dùng đến khoản này", anh cười nói. Để tránh sai sót, những người thợ phải tỉ mỉ, chịu được áp lực, bù lại lương bổng khá cao.
"Tất cả đầu vào đều qua đào tạo, kiểm duyệt kỹ càng. Thợ phải giỏi kỹ thuật, vừa vệ sinh túi vừa biết sửa chữa. Ở khâu pha màu, làm mới thì chỉ tuyển sinh viên mỹ thuật, kỹ thuật, thiết kế, kiến trúc để họ cảm thụ được sản phẩm tốt.
Chúng tôi cũng có đội ngũ shipper riêng qua tuyển lựa. Thường cửa hàng sẽ cho shipper đến thu, làm xong giao tận nhà. Sản phẩm trước khi tới tay khách đều qua kiểm duyệt kỹ, nếu không đạt sẽ phải làm lại", anh Hoàng chia sẻ.
Dù mới ra mắt cách đây hơn nửa năm, hai chi nhánh của ICUS vẫn có lượng khách ổn định và "chốt đơn" đều đều trong ngành dịch vụ khó tìm khách này.
"Tôi sẽ cho ra mắt dịch vụ giặt, hấp cho túi xách, giày dép, balô... vì nhu cầu giờ cũng đang hot", anh Hoàng nói dự định sắp tới. Ngoài hai chi nhánh tại phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) và quận 10, anh cho biết sẽ mở thêm cửa hàng tại quận 3 và Phú Nhuận.
Giúp phân biệt đồ hiệu thật - giả
Đặc biệt, không chỉ làm mới, sửa chữa, cả Auth Spa và ICUS còn giúp khách phân biệt đồ hiệu thật - giả bằng nhiều cách: công nghệ Entrupy, kinh nghiệm, hóa đơn. Bởi thời nay nhiều người có tiền nhưng không phải ai cũng đủ kinh nghiệm để chọn mua đồ thật giữa "ma trận" đồ hiệu thật - giả tràn lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận