Ngày 20-4, Tuổi Trẻ Online ghi nhận câu chuyện tác động của tỉ giá đến các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Phần lớn là khó khăn, lo ngại hơn thuận lợi.
Vật vã với USD
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cho hay tỉ giá tăng nóng đang là "nỗi ám ảnh lớn" vì phải dùng đồng USD để nhập nguyên liệu, đặc biệt doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng, thiết yếu.
Là một nhà hàng lớn chuyên món ăn ngoại ở trung tâm quận 1 (TP.HCM) với các món chế biến từ thịt bò Mỹ, anh L.T.Nam (một cổ đông) cho biết đang xoay xở với giá nhập khẩu thịt bò Mỹ hiện nay.
"Nhà hàng không thể để đứt nguyên liệu. Các món thịt bò nhập từ Mỹ hiện nay giá quá cao. Ra chợ đen hay vào ngân hàng đổi USD đều cao, lô hàng sắp về, tuần trước chúng tôi phải 'chạy' cho ra USD để thanh toán đơn hàng. Vay anh em trong nhà, bạn bè, chúng tôi tạm thời cầm cố tài sản… để lấy USD", anh Nam nói.
Nằm trong danh sách "đau đầu" với tỉ giá, doanh nghiệp sữa cũng là một ví dụ. Sữa là mặt hàng thiết yếu, ngoài sữa nội địa thì sữa nhập, nhất là sữa công thức rất cần thiết ở thị trường Việt Nam.
Bà Lê Vân Mây, chủ tịch Tập đoàn Lotus Group (nhà nhập khẩu và phân phối thương hiệu sữa Morinaga tại Việt Nam), cho biết giá của một lon sữa Morinaga xuất xứ Nhật Bản, tùy theo lứa tuổi và trọng lượng, dao động mức từ 360.000 đồng đến gần 520.000 đồng/lon.
"Không riêng phía công ty chúng tôi, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa khác cũng 'méo mặt'. USD bật tăng, chênh lệch mỗi đơn hàng đã hơn 10% so với trước, chưa kể nhiều chi phí khác cũng tăng", bà Mây giải thích.
Ngay cả các ngành tưởng như thế mạnh, như xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cũng phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu từ nước ngoài. Theo một lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Nuôi trồng thủy sản Việt Nam (VASEP), bình quân mỗi năm, ngành thủy sản phải chi hơn 300 triệu USD để nhập nguyên liệu.
Nhiều ngành hưởng lợi
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Công ty Kinh doanh gạch ốp lát Viglacera cho rằng khi tỉ giá tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu đương nhiên hưởng lợi, nhưng với doanh nghiệp xuất khẩu mà phải nhập khẩu nguyên liệu thì chuyện lợi, chuyện lãi chỉ dừng lại ở mức… cân bằng.
"Viglacera xuất khẩu các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh, sen vòi... sang thị trường Úc, Mỹ, UAE nhưng lại nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài như bột màu, đá mài… Nên bán sản phẩm ra để mua lại nguyên liệu, chênh lệch tỉ giá chỉ ở mức cân bằng", vị lãnh đạo trên nói.
Còn ông Đỗ Minh Tuấn - tổng giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) - thông tin quý 1-2024, 50% sản lượng cao su xuất khẩu mang về lợi nhuận khá cao so với cùng kỳ năm 2023.
"Doanh thu xuất khẩu cao su tăng và rất đáng mừng. Năm nay ngành cao su có hai điều đáng chú ý, giá bán cao su tăng so với thời điểm cùng kỳ năm trước, từ 33 triệu đồng/tấn lên 41 triệu đồng/tấn. Và thứ hai là tỉ giá, năm ngoái tỉ giá chỉ hơn 23.500 đồng/USD, năm nay chúng tôi xuất bán giá bình quân 24.500 đồng/USD. Cao su hưởng lợi đôi đường", ông Tuấn cho biết.
Doanh nghiệp có bán USD lại cho Ngân hàng Nhà nước?
Với lợi nhuận thu về khá thuận lợi từ tỉ giá tăng cao, chia sẻ việc có bán lại USD cho Ngân hàng Nhà nước hay không, ông Đỗ Minh Tuấn tiết lộ: "Đồng USD thu về chúng tôi cũng giữ lại, chứ không bán ra dù chênh lệch tỉ giá với giá trị tiền đồng Việt Nam đang rất cao. Chỉ bán khi nào có những khoản thanh toán cần thiết và đến hạn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận