Tỉ giá được dự báo sẽ tăng trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ và sức ép từ nhập siêu.
Nhận định trên được Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đưa ra trong báo cáo thị trường tài chính quý 3.
Theo phân tích của Ngân hàng này, FDI đăng ký của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục trong 9 tháng đầu năm, FDI giải ngân cũng cải thiện và tăng mạnh trong tháng 9.
Trong 3 tháng còn lại của năm 2017, dự báo dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam trước viễn cảnh tích cực từ tình hình kinh tế xã hội, sự ổn định các yếu tố vĩ mô, cũng như nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách các thủ tục hành chính nhằm đưa nhanh dòng vốn vào thị trường để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Dù được hỗ trợ từ yếu tố trên, tuy nhiên VND vẫn chịu áp lực mất giá, đặc biệt vào tháng 11 và tháng 12, khi các ảnh hưởng tích cực giảm dần cùng với đó là sự gia tăng nhập khẩu theo yếu tố mùa vụ kéo theo nhập siêu quay trở lại. Qua đó tạo áp lực lên tỉ giá trong 2 tháng cuối năm.
Mặt khác đồng NDT dự báo sẽ biến động lớn trong quý 4 và khả năng các Ngân hàng Trung Ương lớn khác trên thế giới sẽ thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED).
Trong cuộc họp chính sách tháng 9 vừa qua, FED vẫn giữ nguyên triển vọng nâng lãi suất trong tháng 12 và bắt đầu thực hiện kế hoạch thu hẹp bảng cân đối tài sản từ tháng 10. Hiện khả năng nâng lãi suất của FED vào cuối năm, theo khảo sát của CME Group, đã lên tới gần 80%.
Không chỉ riêng FED, một số Ngân hàng Trung Ương lớn khác trên thế giới cũng bắt đầu thể hiện quan điểm về một chính sách tiền tệ bớt nới lỏng hơn như Anh do lạm phát tăng nhanh hay Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) do lạm phát và tình hình kinh tế dần cải thiện.
Ngoài ra, nhu cầu ngoại tệ thường gia tăng tại thời điểm cuối năm do yếu tố mùa vụ.
"Tổng hợp các yếu tố trên, tỉ giá được nhận định tiếp tục ổn định trong tháng 10 và biến động mạnh hơn ở tháng 11 và tháng 12. Tỉ giá cuối năm dự báo tăng khoảng 1%-1,5% so với thời điểm cuối tháng 9. Biên độ dao động trong khoảng 22.725-23.000 đồng/USD", Ngân hàng Vietinbank nhận định.
Trước đó, trong suốt quý 3 thị trường ngoại tệ khá im ắng. Nguyên nhân là do nhu cầu ngoại tệ về cơ bản không có biến động lớn và được trung hòa bởi nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào. Ngoài ra còn do cán cân thương mại quay lại trạng thái thặng dư trong quý 3 và FDI giải ngân tích cực.
Trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng ở mức cao trong quý 3 khiến khả năng mua vào ngoại tệ nhằm đầu cơ bị hạn chế phần nào. Bên cạnh đó, sự ổn định của tỉ giá trong nước còn được hỗ trợ bởi đồng USD giảm giá so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ.
Thời điểm cuối tháng 9, tỉ giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại phổ biến quanh mức 22.690-22.760 đồng/USD. Tại thị trường tự do, giá USD bán ra dao động quanh mức 22.750 đồng/USD, mua vào 22.730 đồng/USD.
Diễn biến tỉ giá trên cũng đã tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua vào được một lượng ngoại tệ nhất định trong quý 3 nhằm gia tăng dự trữ ngoại hối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận