10/08/2017 15:54 GMT+7

Giá USD ngân hàng ngược chiều với tỉ giá trung tâm

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Trong 7 tháng đầu năm nay tỉ giá trung tâm đã được điều chỉnh tăng 1,24 % nhưng giá bán USD tại các ngân hàng thương mại lại có xu hướng đi xuống.

Số liệu này được nêu ra trong Báo cáo tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Tính đến ngày 20-7, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại xoay quanh mức 22.730 đồng/USD, giảm 0,13% so với đầu năm.

Còn đến ngày hôm nay (10-8), giá bán USD tại các ngân hàng nhích nhẹ, lên mức 22.760 đồng/USD.

Giá USD tại thị trường tự do cũng giảm 1,14% so với đầu năm và hiện bám khá sát với tỉ giá của các ngân hàng thương mại.

“Động thái tăng tỉ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ xuất khẩu và tránh những cú sốc trong tương lai. Còn áp lực lên tỉ giá VND/USD đã giảm đi rất nhiều nhờ chỉ số Dollar Index nhiều phiên giảm liên tiếp”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định.

Cơ quan này cũng dự báo trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, yếu tố mùa vụ đến từ cầu ngoại tệ tăng cao trong các tháng cuối năm do sức ép nhập siêu có thể có thể gây nên những tác động đến thị trường.

Tuy nhiên, do dự trữ ngoại hối gia tăng và chênh lệch lãi suất giữa VND - ngoại tệ vẫn đang nghiêng về việc nắm giữ VND nên dự báo đồng VND sẽ chỉ mất giá mức độ như 6 tháng đầu năm.

Về tín dụng, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ước tính đến hết tháng 7-2017, tín dụng tăng 9,3% so với cuối năm 2016.

Tỉ trọng tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm, ước chiếm 53,9% tổng tín dụng, trong khi cuối năm 2016 là 55,1%.

Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, giao dịch qua kênh thị trường mở (OMO) duy trì ở mức thấp, đặc biệt nửa đầu tháng 7 gần như không có giao dịch.

Trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước hút ròng khoảng 37.000 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 48.632 tỉ đồng qua kênh OMO.

Nguyên nhân thanh khoản khá dồi dào trong thời gian qua chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước mua thêm một lượng ngoại tệ đáng kể để tăng dự trữ ngoại hối, từ đó tăng cung VND ra thị trường.

“Việc giảm lãi suất đang có nhiều yếu tố hỗ trợ từ phía trong nước và quốc tế như áp lực từ tỉ giá không quá lớn, đồng USD đã giảm hơn 7% so với đầu năm, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong năm nay giảm xuống mức thấp, lạm phát nhiều khả năng đạt dưới mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%", Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.

Ngoài ra, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong 5 tháng còn lại của năm 2017 chỉ còn khoảng 25% kế hoạch, lợi suất trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn cũng đồng loạt giảm 0,2-0,3% so với thời điểm cuối tháng 6 và thấp hơn khoảng 1% so với cùng kỳ 2016 ở các kỳ hạn cũng tạo điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi suất đối với khu vực ngân hàng.

Cũng theo cơ quan này ngoài các yếu tố trên, động thái hạ lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên cũng như việc tháo nút thắt xử lý nợ xấu cũng là những yếu tố hỗ trợ lớn cho việc giảm lãi suất.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên