12/04/2019 15:27 GMT+7

Thụy Sĩ ngưng giải cứu cà phê vì 'không ích gì cho dinh dưỡng'

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Chính quyền Thụy Sĩ vừa công bố kế hoạch bỏ các kho dự trữ cà phê khẩn cấp - một chính sách đã được thực hiện kể từ Thế chiến II với lý do 'hạt cà phê không quan trọng với cuộc sống của con người'.

Thụy Sĩ ngưng giải cứu cà phê vì không ích gì cho dinh dưỡng - Ảnh 1.

Một công nhân kiểm tra các hạt cà phê mới rang tại nhà máy tại Zurich, Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, với mỗi 100kg cà phê nhập khẩu, chính phủ Thụy Sĩ hiện phải chi ra 3,75 franc Thụy Sĩ cho các doanh nghiệp với danh nghĩa "hỗ trợ chi phí dự trữ". Tổng số tiền tiêu tốn hàng năm lên tới hàng triệu franc.

Kế hoạch ngưng giải cứu cà phê được công bố ngày 10-4 sẽ gây ảnh hưởng tới các nhà sản xuất, nhập khẩu, chế biến và bán lẻ cà phê tại Thụy Sĩ, bao gồm cả Nestlé, nhà sản xuất cà phê hòa tan Nescafé.

Theo quy định, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê của Thụy Sĩ bắt buộc phải có kho dự trữ hạt cà phê thô. Hệ thống dự trữ khẩn cấp này được áp dụng trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến I và II đến nay.

Ngoài cà phê, Thụy Sĩ còn dự trữ thêm đường, gạo, dầu ăn và thức ăn chăn nuôi trong các kho khẩn cấp đề phòng trường hợp xảy ra chiến tranh, dịch bệnh hay thiên tai vẫn không bị thiếu hụt.

"Cà phê không cần thiết cho cuộc sống này", chính phủ Thụy Sĩ khẳng định. "Cà phê hầu như không có chút calo nào và do đó, từ góc độ sinh lý, nó chẳng đóng góp gì cho chế độ dinh dưỡng".

Luật dự trữ cà phê bắt buộc của Thụy Sĩ được áp dụng với 15 công ty, bao gồm cả Nestlé với tổng số lượng lên tới 13.500 tấn - đủ đáp ứng nhu cầu nội địa trong 3 tháng.

Thụy Sĩ chỉ có 8,5 triệu người song lượng tiêu thụ cà phê đứng hàng đầu thế giới. Trung bình mỗi năm mỗi người dân tại xứ sở đồng hồ uống tới 9kg cà phê, cao hơn nhiều mức 4,5kg của Mỹ và 3,3kg của Anh.

Kế hoạch bỏ dự trữ khẩn cấp cà phê hiện đang được đưa ra lấy ý kiến người dân. Kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 11 tới.

Réservesuisse - tổ chức có trụ sở tại Bern giám sát các kho dự trữ thực phẩm của Thụy Sĩ, hồi năm ngoái đã yêu cầu chính quyền xem xét lại khuyến nghị của mình.

Tổ chức này cho biết trong số 15 công ty có kho dự trữ cà phê bắt buộc, có tới 12 công ty muốn tiếp tục "giải cứu cà phê", một phần vì hệ thống này đã giúp củng cố chuỗi cung ứng của họ.

Một số người cũng cho rằng thức uống này có lợi cho sức khỏe, như chất chống oxy hóa và vitamin, do đó kết luận của chính phủ là "một chiều", "chưa phản ánh đầy đủ sự việc".

Bayer và các bên liên quan ra mắt giải pháp trồng lại cà phê Bayer và các bên liên quan ra mắt giải pháp trồng lại cà phê

TTO - Bayer vừa phối hợp với Viện khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) tổ chức hội thảo 'Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật qua hệ thống tưới'.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên