23/12/2014 10:12 GMT+7

​Thủy điện - thêm một hồi chuông cảnh báo

TÔ VĂN TRƯỜNG
TÔ VĂN TRƯỜNG

TT - Bất cứ tác động nào của con người vào tự nhiên đều có hai mặt được và mất. Vấn đề đặt ra là làm sao cho cái được lớn nhất và hạn chế cái mất sao cho ít nhất.

Khu vực đường hầm thủy điện Đạ Dâng xảy ra sự cố sập hầm khiến 12 công nhân bị kẹt trong hầm tối nhiều ngày liền

Trong quá trình phát triển kinh tế của nước ta, thủy điện đóng vai trò rất quan trọng.

Với hơn 3.450 hệ thống sông, suối lớn nhỏ có dòng chảy liên tục hơn 10km, tiềm năng thủy điện Việt Nam về lý thuyết khá lớn với tổng công suất khoảng 35.000 MW.

Thủy điện chung (lớn + vừa + nhỏ) theo quy hoạch năm 2015 chiếm tỉ trọng 45% trong tổng sơ đồ điện năng cả nước, năm 2020 còn 37%. Tuy nhiên, trong đó tỉ trọng thủy điện nhỏ chỉ là 5,44%.

Tuy nhiên, mặt trái của thủy điện là mất đất, mất rừng đầu nguồn, dẫn đến xói mòn đất, hạ thấp nước ngầm, giảm độ phì nhiêu hạ lưu do mất phù sa và có các nguy cơ khác nếu xảy ra như vỡ đập. Gần đây, hàng loạt sự cố vỡ đập thủy điện như Đăk Krong 3, Đăk Mek 3, Iakrel 2...

“Loạn” thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ, đã được các nhà khoa học cảnh báo từ lâu.

Đặc biệt, sau sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng làm cả nước từ những vị lãnh đạo cao nhất đến người dân đều bàng hoàng, lo âu theo dõi tiến trình giải cứu 12 công nhân, may mắn thay kết thúc đã có hậu nhưng để lại nhiều di chứng đáng báo động.

Quy hoạch thủy điện quy mô toàn quốc đã được thực hiện và làm đi làm lại nhiều lần nhưng quy mô lưu vực hoặc tỉnh thường chưa hoàn chỉnh và đầy đủ, còn tùy tiện thay đổi, có trường hợp duyệt lại quy hoạch theo yêu cầu của công trình.

Đặc biệt, ở những công trình thủy điện nhỏ, chủ đầu tư thường vì lợi ích riêng mà không bảo đảm chất lượng từ các khâu khảo sát đến thiết kế thi công, tiết kiệm vốn, đầu tư tối thiểu để đạt lợi nhuận tối đa.

Có nhiều trường hợp bên thiết kế và chủ đầu tư bớt khối lượng khảo sát theo quy định của Nhà nước.

Chủ đầu tư mượn đơn vị thiết kế thiếu kinh nghiệm. Đơn vị thi công thiếu chuyên nghiệp nên chất lượng thi công cũng không bảo đảm, thiếu phương tiện, thiếu máy móc chuyên ngành, không bảo đảm an toàn lao động.

Cơ quan giám sát thi công không nghiêm, trách nhiệm của các cơ quan quản lý kém, thiếu giám sát chặt chẽ.

Việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu tư vấn, hiện tại các nhà thầu tư vấn nhỏ lẻ không đủ năng lực, kinh nghiệm để lập dự án, đặc biệt là liên danh giữa các nhà thầu tư vấn nhỏ lẻ càng không đủ năng lực, kinh nghiệm nhất định để thực hiện thành công gói thầu.

Hiện tại, văn bản pháp luật chưa có quy định rõ đơn vị đứng đầu liên danh có năng lực và kinh nghiệm như thế nào để đáp ứng gói thầu.

Hiện chỉ quy định tổng năng lực và kinh nghiệm của các nhà thầu liên danh, nhà thầu cung cấp thiết bị (phần lớn các nhà đầu tư tư nhân thường chọn thiết bị từ Trung Quốc vì rẻ tiền), nhà thầu xây lắp cũng là những khâu quan trọng quyết định thành bại của dự án.

Hơn lúc nào hết, thủy điện cần có “nhạc trưởng” như tổng công trình sư chỉ huy chung bài toán sử dụng tài nguyên nước và quản lý lưu vực sông, vì thiếu nó nên mới liên tiếp có cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, mỗi thứ mỗi phách!

Đất nước đã nghèo thì phải căn cơ, so đo kỹ lưỡng. Đừng xăm xăm bước tới một bước ở chỗ này, để rồi hậu quả phải lùi nhiều bước ở những chỗ khác.

TÔ VĂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên