Ai tiếp tay cho thủy điện “giết” sông?
Phóng to |
Khu vực đường ống dẫn nước của thủy điện Đa Kai (xã Lộc Lâm, huyện Bắc Lâm, tỉnh Lâm Đồng) dài hơn 1km trên đường đồi núi với những cánh rừng bị “cạo trọc” Ảnh: ĐỨC TUYÊN |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính từ năm 2006-2012 có gần 20.000ha rừng tại 29 tỉnh, thành bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng 160 dự án thủy điện. Theo quy định của Chính phủ, các chủ đầu tư công trình thủy điện phải trồng bù lại diện tích rừng đã bị lấy mất. Thế nhưng cho đến nay việc trồng bù lại rừng mới chỉ đạt khoảng 735ha.
Trồng cho có lệ
Tại khu vực rừng trồng bù của thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên), những loài cây được trồng chủ yếu tại các khu bãi bồi gần nhà máy thủy điện, đất rất khô cằn, cây phát triển chậm. Ông Cao Hữu Lộc, phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên, cho rằng trong số 12,9ha rừng vừa trồng bù của thủy điện Sông Ba Hạ, qua kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm, có hai khoảnh không đạt mật độ sống cần thiết. Lượng cây rừng ở đây chỉ sống 60%, trong khi quy định tối thiểu phải là 80%.
“Hiện chúng tôi yêu cầu thủy điện Sông Ba Hạ trồng giặm và chăm sóc đảm bảo diện tích rừng trồng trả phải có tỉ lệ cây sống đạt như quy định” - ông Lộc nói.
Còn tại Quảng Nam, tính đến cuối năm 2012 mới chỉ có thủy điện A Vương và Sông Bung 4 thực hiện trồng một phần rừng thay thế. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều chọn phương án trồng rừng kiểu “khoanh nuôi, xúc tiến, có trồng bổ sung” ở các cánh rừng có sẵn cây xanh. Trong hơn 1.000ha rừng trồng theo kế hoạch năm 2011 của tỉnh Quảng Nam thay cho rừng mất vì thủy điện, phương án khoanh nuôi các cánh rừng chiếm gần 50% diện tích. Chính vì vậy không ít chuyên gia trong ngành môi trường cho rằng thủy điện “ăn” rừng là ăn thật nhưng trồng lại rừng như là việc làm... chơi!
Chánh văn phòng UBND huyện Nam Giang Tơ Ngôl Với bức xúc: “Đất để trồng rừng vẫn không thiếu nhưng không hiểu vì sao doanh nghiệp lại chọn cách khoanh nuôi, xúc tiến, có trồng bổ sung. Đây có phải vì lợi ích kinh tế mà nhà đầu tư chọn giải pháp này?”. Có hàng ngàn hecta rừng mất đi vì thủy điện tại Quảng Nam nhưng theo báo cáo mới nhất của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, tính đến cuối năm 2012 chỉ có hơn 66ha rừng trồng thay thế. Chủ đầu tư của 43 thủy điện chỉ mới chuyển hơn 8 tỉ đồng tiền trồng rừng, trong khi đó theo tính toán cần đến 62 tỉ đồng để trồng rừng bù lại diện tích rừng mất đi.
Không thể bù đắp những gì đã mất
Tại một số tỉnh khác như Lâm Đồng, Kon Tum, Phú Yên, Đắk Lắk... đang xây dựng giá để yêu cầu các đơn vị xây dựng thủy điện đóng góp cho việc trồng lại rừng. Mức giá nhiều nơi đưa ra dự định là khoảng 15 triệu đồng/ha rừng trồng. Theo PGS.TS Bảo Huy (trưởng khoa nông lâm nghiệp ĐH Tây nguyên), đây là mức giá rẻ nhất, “bèo” nhất đề trồng 1ha rừng bình thường. Nếu phải trả mức phí này thì không ít đơn vị làm thủy điện sẵn sàng vung tiền để “đổi” lấy rừng. Theo ông Trần Lý - phó tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ, ước tính mỗi hecta rừng mà doanh nghiệp này trồng để trả lại rừng là khoảng 30 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thái Học, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho biết cũng như những tỉnh khác, Phú Yên đang thiếu kinh phí để trồng lại rừng bị mất vì thủy điện. Hiện chưa có quy định doanh nghiệp trích lợi nhuận từ thủy điện để tham gia cùng địa phương trồng lại rừng bị mất. Ông Học đề xuất: “Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên đề nghị Chính phủ chỉ đạo chủ đầu tư thủy điện khi cổ phần hóa phải tính đầy đủ giá trị diện tích rừng bị mất, giá trị đất và xác định tổng giá trị này là cổ phần của tỉnh trong các công ty cổ phần thủy điện. Công ty phải trả cổ tức cho ngân sách tỉnh để đầu tư trồng lại rừng, xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ đời sống, sản xuất của dân vùng dự án”.
Đứng trên phương diện đánh giá của các nhà môi trường, PGS.TS Bảo Huy nói không thể lấy 1ha rừng trồng để so sánh, quy đổi với cùng một diện tích mà rừng tự nhiên đã mất đi. Rừng tự nhiên với tính chất đa dạng sinh học, môi sinh, môi trường... là vô giá. Có thể nói làm thủy điện mất đi bao nhiêu hecta rừng là mất hẳn. Việc trồng lại rừng chỉ có ý nghĩa về mặt trồng cây lấy gỗ cũng như tạo mảng xanh... chứ không có ý nghĩa về mặt đa dạng sinh học.
Cũng chung quan điểm, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Nam Dương Chí Công nhận định: “Xét một cách tổng thể thì 1ha rừng trồng không thể bằng 1ha rừng nguyên sinh mất đi. Vì rừng nguyên sinh rất nhiều loài và đa dạng sinh học. Rừng trồng chỉ là giải pháp tình thế nhưng có còn hơn không. Biết được điều đó để doanh nghiệp phải có trách nhiệm và chia sẻ lợi ích với cộng đồng”.
“Cho xin thôi xây dựng thủy điện” Đó là bức xúc của bà Phạm Thị Như - phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang, Quảng Nam - nói với chủ tịch UBND tỉnh trong một lần gặp mặt. Bà Như nói: “Xin cho thôi xây dựng thủy điện ở Nam Giang. Rừng mất nhiều rồi. Dây điện đã chằng chịt trên đầu người dân”. Nam Giang là huyện có diện tích rừng phải “hi sinh” cho thủy điện nhiều nhất trong tỉnh. Hơn 2/3 diện tích trên địa bàn là rừng tự nhiên, sở hữu một khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh rộng hơn 40.000ha. Tuy nhiên, từ ngày các công trình thủy điện như Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 5, Sông Bung 6... liên tục được xây dựng thì hàng ngàn hecta rừng bị chìm trong lòng hồ. Theo Sở Công thương Quảng Nam, diện tích đất rừng và rừng thu hồi để làm thủy điện tính từ năm 2000 đến nay là 11.384ha. Chưa kể mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã chuyển hơn 1.300ha rừng để người dân từ các vùng thủy điện bị giải tỏa đến định cư. 14 chủ đầu tư các dự án thủy điện đang tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt cấp hơn 2.156ha đất rừng để sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình thủy điện. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Chi cục Lâm nghiệp Quảng Nam, tính đến cuối năm 2012 chỉ có 66,67ha rừng được trồng thay thế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận