08/03/2020 12:00 GMT+7

Thương trẻ Ca Dong, cô chấp mọi khó khăn mở trường bán trú

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Dưới chân núi Ra Nhua (xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) có một ngôi trường xanh sạch đẹp chẳng kém gì dưới xuôi. Cô Nguyễn Thị Hồng Nguyên mong ước giúp bọn trẻ đồng bào Ca Dong có được con chữ, thẳng bước vào đời.

Thương trẻ Ca Dong, cô chấp mọi khó khăn mở trường bán trú - Ảnh 1.

Cô Nguyên chơi đùa cùng bọn trẻ, trường học dù ở huyện xa xôi nhất Quảng Ngãi nhưng khuôn viên chẳng thua kém trường chuẩn dưới thành phố - Ảnh: TRẦN MAI

Năm 2019, Trường mầm non Sơn Tân do cô Hồng (39 tuổi, làm hiệu trưởng) được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và là trường duy nhất ở huyện Sơn Tây nhận danh hiệu này.

Với riêng cô Nguyên, những đóng góp rất lớn với giáo dục miền núi đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ngãi". Cuối năm 2019, cô Nguyên cũng đại diện cho giáo viên tỉnh Quảng Ngãi dự hội nghị của Bộ GD-ĐT tại Hà Nội và được bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen.

Không dựng trường, bọn trẻ sẽ về đâu?

Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi đến huyện Sơn Tây. Vùng đất có cái tên thơ mộng "xứ ngàn cau" nhưng ở đó nghèo khó, thất học vẫn là nỗi ám ảnh. Ông Bùi Thế Giới - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây - nói rằng phổ cập giáo dục vẫn là mục tiêu trong những năm tới của huyện. Việc xây trường che nắng mưa, vận động đưa con ra lớp là bài toán khó khi phụ huynh xem việc học của con là trách nhiệm của thầy cô.

"Nói như vậy để thấy cô Nguyên gom lớp, xây dựng Trường mầm non Sơn Tân thành trường chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện là nỗ lực rất lớn" - ông Giới tâm tình. Những chia sẻ của ông Giới khiến chúng tôi nghĩ về việc có thêm một người tâm huyết, giáo dục miền núi sẽ tươi sáng hơn. Cái chữ ít nhiều cũng giúp thế hệ tiếp theo của người Ca Dong có nhận thức tốt hơn.

Năm 2014, sau khi kết thúc sứ mệnh mở trường ở xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây), cô Nguyên được điều về lại Sơn Tân với vai trò hiệu trưởng trường mầm non. Bảy điểm trường lẻ học trò vừa ê a vừa ngắm bò gặm cỏ trước sân, một điểm trường chính với hai phòng học mà bên này nhìn thủng bên kia. 

"Lúc đó, buổi sáng các con đến lớp, trưa cha mẹ dẫn về rồi trốn biệt. Tôi nghĩ chỉ có mở trường bán trú, các con sinh hoạt buổi trưa ở trường thì mới giải quyết được việc rớt rụng học trò mỗi ngày" - cô Nguyên chia sẻ.

Suy nghĩ ấy khiến cô mất ngủ liên tục, thường trực trong đầu là câu hỏi "phụ huynh có đồng tình không, tiền đâu xây trường...?". Nhưng không làm thì bọn trẻ sẽ về đâu?

Thương trẻ Ca Dong, cô chấp mọi khó khăn mở trường bán trú - Ảnh 2.

Phụ huynh từ chỗ từ chối trường bán trú, giờ tích cực hỗ trợ trường chăm con mình - Ảnh: TRẦN MAI

Hành trình khai mở... phụ huynh

Đêm đầu tiên vào làng, hỏi ý kiến phụ huynh cho trường giữ lại 139.000 đồng Nhà nước hỗ trợ học sinh hằng tháng để mua thức ăn nuôi trò, đại đa số phụ huynh từ chối. 

Nghe có vẻ bất hợp lý, nhưng nhìn vào con số 95% dân số là người đồng bào Ca Dong với tập tục uống rượu mỗi ngày, đến mùa giáp hạt Nhà nước phải hỗ trợ gạo, cái chữ lâu nay là trách nhiệm của giáo viên thì có thể hiểu được vì sao họ từ chối.

Những cuộc vận động như năn nỉ không xoay chuyển ý nghĩ của phần đông phụ huynh, thậm chí có người đứng lên nói cô Nguyên nói gạt để lấy tiền. Chỉ một vài phụ huynh gật đầu, bấy nhiêu đó đủ để cô Nguyên đánh liều "mở trường bán trú". Những ngày ấy cả trường góp tiền nuôi luôn số học sinh còn lại.

Mỗi ngày cán bộ, giáo viên thay nhau vượt núi, băng suối vận chuyển thức ăn từ điểm chính sang bảy điểm lẻ. Suất ăn ấy đẫm mồ hôi khuân vác. UBND xã Sơn Tân thấy giáo viên quá quyết tâm đã hỗ trợ 1,5 tạ gạo tiếp sức. "Nói thật ở núi chúng tôi không sợ học trò cá biệt mà sợ nhất là... phụ huynh cá biệt" - cô Nguyên nửa đùa nửa thật.

Đám học trò ăn như lính chiến, gạo hỗ trợ sạch trơn, còn những cuộc vận động không có lấy cái gật đầu nào. Đặc thù "phụ huynh cá biệt" chắc cũng chỉ có xứ này. Vậy nên tìm nát nước cũng chẳng thấy mô hình nào để áp dụng vào thực tiễn éo le. Có đêm sau cuộc vận động, cô Nguyên "sợ ma" phải gửi xe, điện thoại nhờ chồng vào làng đưa về nhà.

Trên đường đi, cô Nguyên nói với chồng "chắc không làm được". Rồi chồng lại động viên: "Vì bọn trẻ, em cố lên". Cô Nguyên bảo mình may mắn khi có một tập thể giáo viên đoàn kết và một người chồng thấu cảm.

Trong khó khăn, ý tưởng mỗi ngày mời khoảng 5 "phụ huynh cá biệt" đến điểm trường rửa chén - cốt là để phụ huynh thấy con mình ăn uống, ngủ nghỉ "như vua". Rồi giáo viên rỉ rả tâm sự. "Đơn giản vậy mà thuyết phục được 100% số phụ huynh còn lại" - cô Nguyên cười hiền.

Bây giờ cách làm ấy thành tham luận giáo dục nổi tiếng, được các huyện miền núi Quảng Ngãi áp dụng thành công. Riêng huyện Sơn Tây áp dụng mở bán trú toàn huyện.

Vận động gom lớp, xây trường chuẩn

Buổi trưa miền núi, gió ngập đại ngàn. Trong điểm trường chính với lớp học, nhà ăn, sân chơi bề thế, cô Nguyên nói 18 năm ở núi, đây là điều mình làm được nhất cho bọn trẻ Ca Dong. 

Cái công đi khảo sát địa điểm gom điểm lẻ cũng lắm gian nan. Tìm vị trí thuận lợi gần các bản làng để gom lớp cũng phải vận động vì đất toàn có chủ. Ngày đi dạy, tối vào làng rỉ rả xin, riết rồi có. 

Xong lại dân vận phụ huynh góp sức dựng trường. Từ bảy điểm trường lẻ nay chỉ còn hai. Mà hai điểm ấy "xịn xò" tường rào cổng ngõ ngon lành, bọn trẻ thoát cảnh vừa học vừa ngắm bò.

Khó gì nói nấy sẽ có nơi giúp đỡ

Cô Nguyên nói vui rằng khi còn đứng lớp đi xin quần áo, sách vở cho trò nên có kinh nghiệm. Khó gì thì nói nấy, các cơ quan và nhà hảo tâm xuống nhìn thực tế và hỗ trợ ngay. Mới đây nhất, thấy học trò thiếu nước sạch, cô Nguyên rỉ rả, thế là Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh cho nguyên một hệ thống lọc nước. "Tôi xin cho trò chứ chẳng phải cho cá nhân mình. Chắc vậy nên mọi người quý mà giúp đỡ" - cô Nguyên tâm sự.

Cô Trần Thị Trang, giáo viên ở điểm lẻ thôn Tà Dô, kể ngày xưa chưa gom điểm lẻ, một lớp có bảy em mà đến ba độ tuổi, dạy đứa này thì đứa kia ngơ ngác. 

"Bây giờ thì quá khỏe rồi, lớp nào tuổi nấy. Cơ sở vật chất tốt, các con ăn ngủ không bị trâu bò vào phá giấc" - cô Trang vui kể.

Ngồi ở trường, chúng tôi bất ngờ bắt gặp niềm hạnh phúc của "bà hiệu trưởng tiên phong" khi có một nhóm phụ huynh vác cuốc đến trường dọn cỏ, trồng mới vườn rau đã già úa sau kỳ nghỉ tết và nghỉ học vì COVID-19. 

Cô Nguyên hài hước chỉ tay về một phụ huynh đang lúi húi gom cỏ nói "phụ huynh cá biệt trước đây đó". Nay nhờ phụ huynh mà rau xanh ăn không hết, trường phải mang đi cho.

Chị Đinh Thị Trinh, một phụ huynh tham gia dọn vườn, nói rằng bây giờ người làng tin cô Nguyên hết cỡ. "Lúc cô Nguyên xin tiền xây trường này, cả làng ra phụ giúp" - chị Trinh nói. 

Nghe vậy cô Nguyên tiện "khoe" luôn kinh phí xây trường khoảng 10 tỉ đồng mà đến mấy đơn vị hỗ trợ: "Bốn lớp học đầu tiên của ban quản lý các dự án đầu tư công trình dân dụng tỉnh; cái sân là của phòng GD-ĐT; cổng, bờ rào của UBND xã; các phòng học còn lại và cả hai điểm trường lẻ mới xây của quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh; rồi nhà banh, dụng cụ vui chơi... Nhờ đó mà từ hai lớp học, giờ thành trường chuẩn quốc gia".

Xứ ngàn cau vẫn còn lắm gian nan, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục vẫn là mục tiêu những năm tới để thoát khỏi "danh hiệu" huyện nghèo nhất nước. Nhưng giữa trùng trùng núi lớn ấy, những đốm sáng như cô Nguyên sẽ bừng lên thành ngọn lửa nhiệt huyết trong cuộc trở mình ở vùng đất này.

Vẫn sẵn sàng lên đường

Chuyện về cô Nguyên dài như núi Ra Nhua, cái ngày cô gái miền xuôi vừa tròn 21 xuân thì vượt trăm cây số lên xã Sơn Tân, nhận nhiệm vụ vào làng mở lớp dạy trẻ ngay trong nhà dân đã trôi qua 18 năm. Thời khó khăn cam kết đủ điều mới đưa trò ra lớp đã lùi vào dĩ vãng. Điều tồn tại đến tận hôm nay là nhiệt huyết và tình yêu thương học trò miền núi của cô Nguyên. Ở tuổi 39, cô Nguyên thấy mình còn trẻ, còn nhiều dự tính ấp ủ và sẵn sàng lên đường nếu được phân công.

sontaydsc_1100 2(read-only)

Một góc Trường mầm non Sơn Tân - Ảnh: TRẦN MAI

Người Ca Dong bây giờ kể về cô Nguyên còn hơn cả một người nhà giáo. Đó là người con của núi rừng, người đã vận động phụ huynh "mê rượu" chăm chỉ làm ăn, chăm sóc con; từ vườn rau của trường, cô Nguyên hướng dẫn phụ huynh làm vườn rau ở nhà; những học trò có hoàn cảnh khó khăn, trường đứng ra nuôi dưỡng... Trường đang nuôi cậu bé không cha, mẹ bị tâm thần Đinh Văn Thay là một dẫn chứng hơn ngàn lời kể.

Ông Bùi Thế Giới nói rằng: "Từ năm 2018 đến nay, huyện đã tinh gọn hơn 100 giáo viên nhờ việc xóa bỏ 28 điểm trường lẻ với hơn 60 lớp học. Tôi cảm kích và tự hào về cô Nguyên cùng đồng nghiệp ở mầm non Sơn Tân. Họ là những ngọn cờ đầu trong giáo dục miền núi".

Chung tay xây dựng “TP đáng sống”: Khát vọng từ một xóm nghèo Chung tay xây dựng “TP đáng sống”: Khát vọng từ một xóm nghèo

TT - Diễn đàn về khát vọng một thành phố đáng sống đã nhận được bài viết của bạn Nguyễn Thị Thu Hương với một khảo sát nho nhỏ ngay xóm nghèo nhà mình ở ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên