11/05/2022 11:41 GMT+7

Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 2: Người đàn bà nửa thế kỷ lái đò dọc

HÙNG ANH
HÙNG ANH

TTO - Từ năm 1966, bà Bảy Châu (Võ Thị Châu, sinh năm 1949), con gái út chủ đò Vĩnh Thuận Võ Văn Nhờ, đã là cô gái lái đò máy duy nhất trên lưu vực sông Tiền. Có lẽ, bà cũng là người phụ nữ duy nhất ở Cái Bè có bằng lái tàu sông của hai chế độ.

Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 2: Người đàn bà nửa thế kỷ lái đò dọc - Ảnh 1.

Bằng “Tài năng lái ghe máy” do Nha Thủy vận chính quyền cũ cấp cho bà Bảy Châu năm 1973 - Ảnh: HÙNG ANH

Thương cha, bỏ học theo đò

Ở tuổi 73, bà Bảy Châu vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, từ bên nhà ở ấp An Ninh (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang) hay xuống phà qua sông để đi chợ thị trấn Cái Bè.

Người trẻ hiện nay ít ai biết bà lão gương mặt phúc hậu, hay cười, mấy chục năm trước đã là cô lái đò chở khách nổi tiếng khắp lưu vực sông Tiền. Giờ ở tuổi thất thập, bà vẫn hay cầm lái đò du lịch chở khách tham quan sông nước mỗi khi con cháu... kẹt tài.

Nhắc chuyện xưa, bà Bảy Châu vui ra mặt, kể: "Tui mê lái đò lắm. Tui lái đò chở khách gần 50 năm chớ đâu có ít". Bà Bảy kể hồi nhỏ những lúc không phải đi học, bà hay theo đò khách Vĩnh Thuận của cha. Đi riết đâm ghiền, nên trong thâm tâm bà Bảy Châu quyết định sẽ... theo nghiệp lái đò.

Nhắc chuyện này, bà Bảy cười xòa, nói: "Hồi đó con gái đi học chữ để sau này ra làm cô giáo hay cô này, cô nọ. Còn tui đi học nửa chừng thì nghỉ, ra làm nghề lái đò khách. Thiệt ra tui quyết theo nghề của cha vì lúc đó anh Hai tui bị đi quân dịch, tui thương cha cực khổ nên muốn phụ giúp.

Hơn nữa, hồi đó những người cha tui thuê xuống đò phụ việc làm chuyện nào cũng không được vừa ý, biểu một đường làm một nẻo, nên tui học đến nửa năm lớp 10 thì nhất định nghỉ, xuống đò phụ cha".

Chỉ trong một thời gian ngắn, bà Bảy Châu rành rẽ mọi việc của nghề đò khách và được cha hướng dẫn tất cả kỹ thuật lái đò. Năm 1966, lúc mới 17 tuổi, cô thiếu nữ Bảy Châu được người chú là ông Võ Văn Chót dẫn lên Sài Gòn dự thi bằng lái đò máy.

Bà Bảy Châu bồi hồi nhớ: "Lúc lên đến bến Bạch Đằng ở bờ sông Sài Gòn để làm hồ sơ dự thi, tui mới biết chỉ mình tui là phụ nữ đi thi lấy bằng lái ghe máy. Nhiều người nhìn tui với ánh mắt rất ngạc nhiên, nhưng tui vẫn bình tĩnh. Đến lúc vô thi, phần lý thuyết thì hơi chậm chút xíu vì mới học, còn phần thực hành thì tui quá rành, nên điều khiển ghe thi xong thiên hạ vỗ tay khen quá trời. Tui biết chắc là mình đậu".

Năm đó, bà Bảy Châu được giám đốc Nha Thủy vận cấp bằng "Tài năng lái ghe máy". Rất tiếc do thời gian, tấm bằng này của bà bị thất lạc. Đến tháng 6-1973, lúc 24 tuổi bà Bảy Châu lại khăn gói lên Sài Gòn thi và tiếp tục được cấp bằng "Tài năng lái ghe máy".

"Sau ngày 30-4-1975, tui vẫn được sử dụng tấm bằng này để chạy đò Vĩnh Thuận. Vài năm sau, do bằng lái của chế độ cũ không còn sử dụng, tui đi lên khu vực Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để thi lấy bằng lái đò mới.

Thi xong, tui được Chi cục Đường sông phía Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải cấp bằng Thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa hạng ba, điều khiển đò chở khách từ 49 chỗ ngồi trở xuống", bà Bảy Châu kể thêm đến thời đó cũng rất hiếm phụ nữ làm thuyền trưởng.

Từ hồi chạy đò Vĩnh Thuận chở khách tuyến chợ Cái Bè - chợ Vĩnh Long đến lúc lái đò chạy tuyến Mỹ Tho, Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre), Chợ Vàm (Phú Tân, An Giang), Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp)..., tới bến nào bà Bảy Châu cũng bị cánh lái đò nam giới nhìn với ánh mắt kinh ngạc, thậm chí có người nghi ngờ khả năng.

Nhưng khi tận mắt nhìn bà Bảy Châu điệu nghệ điều khiển con đò Vĩnh Thuận to lớn dềnh dàng nhẹ nhàng ra vào bến, lướt phăng phăng trên sông rạch, thì cánh nam tài công đều nể phục.

Bà Bảy Châu kể hồi đó cánh lái đò nam giới thấy bà chạy đò khách thì nói này nói kia vì bận đó trên các sông rạch lưu vực sông Tiền chỉ có mỗi mình bà là nữ lái đò khách. Họ cho rằng chạy đò khách là nghề độc quyền của nam giới, nhưng khi chứng kiến tài nghệ của bà Bảy lúc điều khiển con đò Vĩnh Thuận thì họ... hết ý kiến.

Nhắc đến "Tài năng lái ghe máy" của bà Bảy Châu, bà Tám Luông (sinh năm 1949, ngụ thị trấn Cái Bè) nói: "Hồi xưa lúc tui còn mua bán tạp hóa, tui hay đi đò Vĩnh Thuận do cô Bảy Châu điều khiển, từ Cái Bè xuống Mỹ Tho để bỏ hàng. Cổ chạy đò kỹ lưỡng lắm, lại vui tính, nên nhiều bạn hàng ở chợ Cái Bè thường chọn đi đò Vĩnh Thuận do cô lái".

Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 2: Người đàn bà nửa thế kỷ lái đò dọc - Ảnh 2.

Bà Bảy Châu vẫn điệu nghệ cầm lái đò chở du khách trên sông nước mỗi khi con cháu… kẹt tài - Ảnh: NVCC

Tuổi thất thập vẫn đam mê lái đò

Giống như những người chạy đò dọc chở khách kiếm cơm, sau năm 2005 bà Bảy Châu cũng rơi vào cảnh thất nghiệp khi đò Vĩnh Thuận được cho về hưu vì... không còn khách.

Bà nhớ trong thời gian không bước chân xuống đò, làm những việc quen thuộc như nổ máy, cầm lái đưa con đò lướt đi trên sông, bà luôn có tâm trạng buồn bực, chán nản. Nhưng chỉ vài năm, phong trào "du lịch sông nước miệt vườn" phát triển rầm rộ khắp miền Tây Nam Bộ.

Phần lớn dân chạy đò khách ngày trước đều chuyển sang chạy đò du lịch, trong đó có con cháu Hãng đò Vĩnh Thuận. Nhờ vậy, bà Bảy Châu lại có điều kiện thỏa mãn đam mê lái đò chở khách tưởng đã "nghỉ hưu" theo con đò Vĩnh Thuận.

Theo bà Bảy, chạy đò chở khách du lịch khỏe hơn chạy đò khách ngày xưa, vì chỉ chạy ban ngày, đường đi không xa. Đò chỉ chạy loanh quanh từ bến tàu du lịch tại thị trấn Cái Bè đến các điểm du lịch sông nước ở những cù lao trên sông Tiền, sông Cái Bè.

Điều khác với đò chở khách ngày xưa là hiện nay chạy đò du lịch thì gần như mọi việc trên đò đều do thuyền trưởng đảm nhận. Bà Bảy nói chạy đò du lịch vui, nhưng than phiền là mấy năm gần đây sông rạch đầy rác, đặc biệt là các loại bao nilông dùng một lần.

Loại rác độc hại này thường vướng vào chân vịt, làm tàu chết máy liền liền. Mỗi lần vướng bao nilông, bà Bảy phải đích thân nhảy xuống sông lần mò gỡ rác, rồi bám vào vỏ bánh xe hơi chống va đập bên thành đò để leo lên tiếp tục hành trình, trong ánh nhìn ái ngại của du khách.

Nghe tôi hỏi bà Bảy nay đã lớn tuổi, cầm lái đò du lịch có bị du khách e ngại không, bà cười giòn: "Du khách, từ Tây đến ta, lúc đầu họ có vẻ ngần ngại. Nhưng khi nhìn thấy tui điều khiển đò chạy an toàn trên sông, ra vào bến nhẹ nhàng thì họ rất ưng ý, xúm nhau khen rối rít, thi nhau quay phim, chụp hình".

Nhắc chuyện vui buồn nghề "buýt đường sông" ngày trước, bà Bảy Châu cười xòa, nói: "Nghề đò khách hồi xưa đơn giản lắm, khách đi đò đông thì chủ đò vui, khách ít thì buồn. Nói thiệt, suốt mấy chục năm trời cả gia đình tui đều sống bằng nghề đò khách chứ không có thu nhập từ nghề nào khác.

Hồi xưa đóng một chiếc đò Vĩnh Thuận tốn 20 cây vàng, nhưng chạy trong 5 năm là lấy vốn, sau khi đã trừ hết chi phí xăng dầu, tiền chợ búa cơm gạo nuôi sống cả gia đình".

Trong ký ức của bà Bảy Châu, sau năm 2000 do khách đi đò ngày càng vắng, nên đò Vĩnh Thuận tăng cường nhận chở hàng hóa chạy khắp nơi.

"Hồi xưa người ta hay nói nhà nào có đò chở khách là nhà giàu, là chủ cả. Điều đó có phần đúng, nhưng ôm chiếc đò chạy đón khách dài theo sông rạch là cái nghề cực nhọc trăm bề, cực nhất là chạy đò đêm", bà Bảy trải lòng chuyện xưa.

Mãi sau này, nhiều đò khách chạy đêm mới có đèn pha sáng. Bao năm trước, họ phải có một người cầm đèn soi đường sông...

Kỳ tới: Rì rầm những chuyến đò đêm

Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 1: Hơn nửa thế kỷ lừng danh đò Vĩnh Thuận Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 1: Hơn nửa thế kỷ lừng danh đò Vĩnh Thuận

TTO - Miền Tây Nam Bộ có hàng chục ngàn kilômet sông rạch. Bao đời con đò dọc chở khách gắn liền cùng người dân châu thổ. Ngày nay, đường bộ phát triển, đò khách lùi vào dĩ vãng...

HÙNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên