Hiện nay tỏi Lý Sơn rất khó phân biệt bằng mắt thường với những loại tỏi khác - Ảnh: Trần Mai |
“Việc lấy uy tín của tỏi Lý Sơn bày bán ngoài thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín tỏi Lý Sơn. Người dân trồng tỏi cũng bị ảnh hưởng nặng nề” - bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nói.
Tỏi Lý Sơn 30.000 đồng/kg
Thực tế đến nay, dù đã qua mùa nhưng nhiều gia đình ở Lý Sơn trữ hành tỏi chở lên giá. Tuy nhiên, theo người dân đất đảo, trong những năm gần đây giá cao nhất cũng chỉ 60.000 đồng/kg tỏi thường.
Bởi không như sáu năm về trước chỉ có tỏi Lý Sơn độc tôn trên thị trường và dễ dàng phân biệt với tỏi Trung Quốc có hình dáng to được bày bán khắp nơi. Hiện nay nhiều nơi cũng trồng được tỏi và có hình dáng giống với tỏi người dân đảo Lý Sơn trồng nên rất khó bán.
Điều này đã khiến tỏi Lý Sơn mất giá, đầu vụ tỏi mà giá chỉ 30.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hiệp (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) than thở: “Mấy năm gần đây tỏi Lý Sơn mất giá bởi thương lái đều cho rằng nguồn cung ứng tỏi Lý Sơn ở đất liền dồi dào nên nhu cầu không lớn”.
Theo chị Hiệp, dù giá tỏi Lý Sơn đang sụt giảm so với trước nhưng việc bán cũng rất khó khăn, thương lái liên tục ép giá.
Bán 100kg tỏi Lý Sơn sẽ bị trừ bì 10kg bởi thương lái cho rằng trong quá trình vận chuyển bị hao hụt, cũng như vào đất liền giá cao không thể cạnh tranh được với tỏi đang được trồng đại trà nhiều nơi trong đất liền.
Khó phân biệt tỏi Lý Sơn
Rất nhiều người tiêu dùng có thể mua tỏi không đúng hàng có xuất xứ tại Lý Sơn. Dù tỏi Lý Sơn được đánh giá là thơm ngon, lâu hỏng, không xốp như tỏi ở nhiều nơi khác.
Người dân đảo Lý Sơn đang rất cần cách phân biệt để thương hiệu không bị đánh cắp - Ảnh: Trần Mai |
Ông Nguyễn Văn Định, phó chủ tịch Hội kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn, thừa nhận cách phân biệt tỏi Lý Sơn bằng mắt thường là không thể bởi tỏi Lý Sơn nhìn bề ngoài hoàn toàn giống với tỏi ở đất liền sản xuất.
“Trước khi có điện, việc tưới nước còn hạn chế nên tỏi trong đất liền chỉ giống 80%, còn hiện giờ thì tôi khẳng định 100% là giống nhau”, ông Định nói.
Theo ông Trần Chấn Diệp, giám đốc Sở KH-CN tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay để phân biệt tỏi Lý Sơn với các loại tỏi được trồng ở nơi khác, chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm dân gian với hai cách chính. Cách thứ nhất là tỏi Lý Sơn không bị xốp theo thời gian bởi được trồng trên nền đất do núi lửa phun trào và chỉ được phủ một lớp cát mỏng nên có độ cứng tốt hơn.
Để trong điều kiện không khí thường một năm vẫn không lên mộng và tóp lại, còn tỏi ở các nơi khác vào khoảng tháng 8-9 thời tiết ẩm là lên mộng, hạn sử dụng ngắn hơn tỏi Lý Sơn 3 tháng.
Cách thứ hai là khi nhai tỏi Lý Sơn sẽ có hương vị thanh nhẹ, không nồng và hôi, tuy nhiên chỉ “nhìn hình dáng là không thể phân biệt được”.
“Ở Khánh Hòa trồng tỏi cũng mang cách thức trồng của người dân đất đảo, cách canh tác cũng tạo được những sản phẩm tỏi giống như người dân Lý Sơn đang trồng ở đảo Lý Sơn. Cách tốt nhất là khách hàng nên mua sản phẩm ở những chuỗi cửa hàng được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận thương hiệu để không bị nhầm lẫn”, ông Diệp nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận