27/05/2024 09:58 GMT+7

'Thương hiệu' Bệnh viện dã chiến Việt Nam

10 năm, sau thành công của các cá nhân đầu tiên 'xuất ngoại' thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên Việt Nam triển khai một lực lượng lớn theo hình thức đơn vị sang hoạt động tại Nam Sudan.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 với 63 thành viên (10 nữ) là đơn vị xuất quân đầu tiên ở Nam Sudan, đặt nền móng gầy dựng “thương hiệu” Bệnh viện dã chiến Việt Nam, ghi dấu trong lòng bạn bè quốc tế - Ảnh: BVDC 2.1

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 với 63 thành viên (10 nữ) là đơn vị xuất quân đầu tiên ở Nam Sudan, đặt nền móng gầy dựng “thương hiệu” Bệnh viện dã chiến Việt Nam, ghi dấu trong lòng bạn bè quốc tế - Ảnh: BVDC 2.1

Ở nơi xa xôi, đội quân "mũ nồi xanh" đã ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế với "thương hiệu" Bệnh viện dã chiến Việt Nam.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, thượng tá BÙI ĐỨC THÀNH - phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 từng đảm nhận vị trí giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 - chia sẻ về dấu ấn trong lần xuất quân đầu tiên ở Nam Sudan (châu Phi).

Như một gia đình

* Thời điểm đó, công tác chuẩn bị của bệnh viện được tiến hành như thế nào để triển khai một lực lượng lớn sang Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, thưa ông?

Thượng tá BÙI ĐỨC THÀNH

Thượng tá BÙI ĐỨC THÀNH

- Để chuẩn bị triển khai một đơn vị thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, địa điểm dự kiến là Cộng hòa Nam Sudan, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) với nhiệm vụ đặt ra là triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 (lúc đó chưa có phiên hiệu số 1).

Bệnh viện Quân y 175 được giao nhiệm vụ quản lý về mặt quân số và triển khai bộ khung của Bệnh viện dã chiến, tổ chức biên chế theo Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đề xuất.

Cuối năm 2014, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 được thành lập. Bắt đầu từ năm 2015, bệnh viện tổ chức hai lớp tiếng Anh với những nhân sự đầu tiên được chọn lọc từ Bệnh viện Quân y 175 và quân số tại các đơn vị khác ở khu vực phía Nam, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Cục Quân y.

Suốt hơn 3 năm, bệnh viện đã tập trung huấn luyện, thực hiện các công tác chuẩn bị gồm huấn luyện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ gìn giữ hòa bình, công tác hậu cần bảo đảm và huấn luyện tiền triển khai. 

Song song với quá trình chuẩn bị là quá trình sàng lọc để lựa chọn ra người có đủ tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu của Liên Hiệp Quốc về trình độ ngoại ngữ, năng lực chuyên môn và cả về phẩm chất đạo đức.

Cuối cùng, bệnh viện thành lập được bộ khung gồm 70 người (63 chính thức, 7 dự bị). Đây là một trong những đơn vị đầu tiên có sự chuẩn bị chu đáo, công phu nhất từ trước đến nay. Vì thế, quan điểm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khi triển khai đơn vị đầu tiên đi là phải thắng, phải hoàn thành được nhiệm vụ Liên Hiệp Quốc giao.

* Hơn 3 năm làm công tác chuẩn bị, xin ông cho biết về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai công tác này?

- Áp lực đầu tiên phải nhắc đến là việc thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Vương quốc Anh ở Nam Sudan. Trước chúng ta, họ đã làm rất tốt và rất chuyên nghiệp. Trong khi đây là lực lượng đầu tiên mà Việt Nam triển khai theo hình thức đơn vị, vì thế chúng ta phải cố gắng phấn đấu để đạt được kết quả như đơn vị bạn.

Một khó khăn nữa vấp phải là tư tưởng của các cán bộ, nhân viên. Thời điểm đó chỉ có tôi và một vài cán bộ được đi tiền trạm, còn lại mọi người chỉ biết về Nam Sudan qua thông tin báo đài. Ai cũng bày tỏ lo lắng trước tình hình xung đột, vấn đề an ninh, kể cả điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở mảnh đất cách rất xa Việt Nam.

Tuy nhiên nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đặc biệt là cố thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Bệnh viện Quân y 175 thường xuyên động viên tư tưởng cho cán bộ, nhân viên, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải.

Cùng với đó, chế độ chính sách cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện luôn được quan tâm kịp thời.

Phía Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bệnh viện Quân y 175 đã cử các cán bộ có kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ để chỉ đạo, hướng dẫn cho bệnh viện dã chiến.

Sau hơn 3 năm gắn bó, cùng ăn, cùng ở tập trung, cán bộ nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã tạo ra khối đoàn kết như một gia đình.

Với năng lực, chuyên môn cao, tinh thần phục vụ rất tốt, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh, vật lý trị liệu. Ngoài bệnh nhân ở Liên Hiệp Quốc, chúng ta còn đón tiếp bệnh nhân địa phương với tinh thần nhân đạo tạo được tiếng vang rất lớn.
Đại tá Mạc Đức Trọng (phó cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam)

Sức mạnh của đoàn kết, sẻ chia

* Với cương vị chỉ huy trưởng của bệnh viện, xin ông cho biết về những kinh nghiệm trong lãnh đạo để cán bộ, nhân viên luôn đoàn kết, hiệp đồng với nhau thực thi nhiệm vụ?

- Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ quốc tế, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 luôn nêu cao tinh thần chăm sóc và phục vụ người bệnh tận tình, chu đáo, tạo được uy tín đối với Liên Hiệp Quốc, được chỉ huy phái bộ đánh giá cao về năng lực chuyên môn và tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Để đạt được thành tích đó là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của 63 cán bộ nhân viên và sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Quốc phòng, của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Đầu tiên phải kể đến sự đoàn kết giữa các cán bộ, nhân viên bệnh viện. Ở Nam Sudan, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trời nắng nóng gay gắt, mùa mưa lụt lội bùn lầy, khoảng 3 tháng đầu tiên chúng tôi phải sống và làm việc trong các lều bạt. Càng trong khó khăn, tinh thần đoàn kết sẻ chia càng được nhân lên.

Ở Nam Sudan, nước rất quý hiếm. Tiêu chuẩn của mỗi người chỉ được hai bịch nước uống mỗi ngày, còn lại là nước tắm, sinh hoạt. Vì vậy nước được ưu tiên nhường cho các chị em nhiều hơn và "tái sử dụng" nguồn nước tắm để tưới rau xanh. Từ những việc nhỏ lại tạo ra sức mạnh đoàn kết trong bệnh viện.

Nhưng thành công nhất là công tác dân vận của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 với "phong cách riêng".

Ở cạnh bệnh viện có các khu bảo vệ thường dân, cứ cuối tuần chúng tôi sang dạy chữ, tặng sách vở, tập tô màu có hình ảnh cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những hình ảnh đó đã tạo ấn tượng trong lòng các em nhỏ ở Nam Sudan, hễ nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng trên ngực áo của các cán bộ chiến sĩ là các em reo lên "Việt Nam".

Nền tảng cho các thế hệ tiếp theo

* Từ những dấu ấn đầu tiên, theo ông, chúng ta cần làm gì để triển khai tốt các thê đội Bệnh viện dã chiến tiếp theo, đáp ứng yêu cầu của Liên Hiệp Quốc trong thời gian tới?

- Thời gian tới, điều chúng ta cần quan tâm nhất vẫn là công tác chuẩn bị, đồng thời tăng cường trao đổi thường xuyên giữa bệnh viện đang ở phái bộ và bệnh viện sắp được triển khai. Nòng cốt nhất vẫn là sự đoàn kết giữa các cán bộ, nhân viên bệnh viện với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Tiếp tục có sự quan tâm về chế độ chính sách với cán bộ, nhân viên đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Về công tác chuyên môn, Bệnh viện dã chiến cấp 2 phải đặt sự an toàn của người bệnh lên hàng đầu, chính xác trong việc khám chữa bệnh và tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống của quân y Việt Nam trong vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.

Chăm sóc và điều trị cho người dân Nam Sudan

Ngày 1-10-2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 gồm 63 thành viên xuất quân lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan, tiếp quản Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Vương quốc Anh.

Trong một năm thực hiện nhiệm vụ, bệnh viện đã thu dung, điều trị cho hơn 2.000 lượt bệnh nhân. Trong đó, nhiều trường hợp nghiêm trọng được phẫu thuật, điều trị thành công, vận chuyển về tuyến sau nhiều trường hợp bệnh nhân nặng bảo đảm kịp thời, an toàn.

Tại Nam Sudan từ tháng 6 đến tháng 9, bệnh sốt rét khiến nhiều người dân địa phương lo lắng. Cùng với đó là các bệnh lý về tiêu hóa, hô hấp, chấn thương. Nhưng nặng nhất phải kể đến các ca mổ.

Ca mổ vào tháng 11-2018, ngay khi vừa nhận bàn giao buổi sáng thì tối đến bệnh viện đã tiếp nhận một quân nhân bị viêm ruột thừa, bệnh biến chứng nặng phải mổ ngay. Đó là lần đầu tiên các cán bộ, nhân viên của bệnh viện thực hiện mổ trong lều bạt, ở môi trường dã chiến với máy móc và trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn. Do đó trong mỗi thao tác cán bộ, nhân viên của bệnh viện đều rất cẩn trọng để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Đầu tháng 8-2019, bệnh viện đã cấp cứu, vận chuyển lên tuyến trên thành công một bệnh nhân viêm túi mật cấp hoại tử, biến chứng nhiễm khuẩn huyết có tổn thương đa cơ quan.

Kết quả hoạt động của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 được Liên Hiệp Quốc đánh giá cao và gửi thư khen đến Chính phủ Việt Nam.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 được trao tặng huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Bác sĩ Bác sĩ 'mũ nồi xanh' khám sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái Nam Sudan

Các bác sĩ 'mũ nồi xanh' của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 (BVDC 2.5) vừa tham gia công tác thiện nguyện chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái ở Bentiu (Nam Sudan) và dành tặng cho người dân những món quà đặc biệt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên