02/01/2016 15:14 GMT+7

Thương điếm phương Tây

QUỐC VIỆT (nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)
QUỐC VIỆT (nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)

TT - Dòng thời gian rất dài đã trôi qua như nước sông Hồng xuôi chảy về phía đông, nhưng nhiều bậc cao tuổi Hưng Yên ngày nay vẫn còn truyền lưu một thời vàng son ở Phố Hiến.

Sông Hồng qua Phố Hiến bị bồi lấp là một trong những nguyên nhân làm thương cảng này dần vắng bóng thương thuyền - Ảnh: Quốc Việt
Sông Hồng qua Phố Hiến bị bồi lấp là một trong những nguyên nhân làm thương cảng này dần vắng bóng thương thuyền - Ảnh: Quốc Việt

“Tổ tiên chúng tôi truyền đời kể rằng người nước ngoài sống ở Phố Hiến bên bờ sông Hồng này ngày xưa nhiều khi còn đông hơn cả dân Việt. Từ người Hoa, người Nhật đến tận những quốc gia phương Tây xa xôi như Hà Lan, Anh, Pháp đã giong buồm đến đây buôn bán... Họ dựng cả phố riêng của dân tộc mình, cất nhà thương điếm, lấy cả vợ Việt rồi sinh con lai”.

Thương cảng vàng son

Rót tách trà ấm trong chiều đông Hà Nội se sắt lạnh, giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học, tâm sự với tôi: “Ở Hội An, người Nhật đã lưu tâm nghiên cứu, khảo cổ tìm lại dấu tổ tiên của họ là thương nhân thời kỳ Châu Ấn thuyền ngày xưa. Nghiên cứu của họ có giá trị góp phần tường minh lịch sử VN. Nhưng ở Phố Hiến vẫn còn nhiều bí ẩn chìm sâu dưới lòng đất chưa được làm rõ...”.

Giương buồm cả vòng Trái đất để đến Đàng Ngoài vào năm 1688, nhà hàng hải người Anh William Dampier là chứng nhân sinh động nhất về hoạt động ngoại thương từng rất tấp nập ở Phố Hiến.

Trong hồi ký, ông kể: “Thương điếm Anh không có nhiều người, tọa lạc một cách yên bình ở phía bắc của thành phố và quay mặt ra ngoài sông. Đây là một ngôi nhà thấp, trông đẹp mắt và là ngôi nhà đẹp nhất mà tôi đã trông thấy trong thành phố. Ở chính giữa có một phòng ăn xinh xắn và ở các phía là những căn phòng tiện nghi dành cho thương nhân, nhân viên thương điếm và người hầu của công ty.

Ngôi nhà này được xây song song với con sông, tại mỗi đầu hồi lại có những ngôi nhà nhỏ hơn mang các công dụng khác nhau như nhà bếp, nhà kho... đứng thành một hàng dài từ căn nhà chính ra tận sông”.

Dampier đã sắc sảo phát hiện thương điếm người Anh, Hà Lan đều nằm bên bờ sông để dễ vận chuyển hàng hóa lên xuống các con tàu, dù rằng đó là ở Hội An gần biển hay Phố Hiến trong sông Hồng.

Trước khi được vào Kẻ Chợ, người Anh đã đặt thương điếm ở Phố Hiến, Hưng Yên với giám đốc là William Gyfford cùng ban cán sự năm người. Thật ra, Anh có mặt tại nước Việt rất sớm, nhưng nhà buôn Peacock đã không thành công trong chuyến đi từ Hirado (Nhật Bản) đến Hội An năm 1613 vì xung đột với người dân địa phương.

Năm 1616, họ lại đến nước Việt và vẫn không gặt hái được gì. Mãi đến giữa năm 1672, thương thuyền Zant do thuyền trưởng Andrew Patrrik chở theo thương nhân William Gyfford mới thành công ở Đàng Ngoài.

Tuy phải neo tàu chờ vua Lê Gia Tông và chúa Trịnh đằng đẵng đến tận tháng 3-1673 vì họ bận giao chiến với Đàng Trong, cuối cùng Gyfford được vào chầu, mở thương điếm ở Phố Hiến và sau đó là Kẻ Chợ (Hà Nội) vào năm 1683. Chính thương nhân này cũng làm trưởng thương điếm bốn năm đầu trong 25 năm duy trì ở Đàng Ngoài đến năm 1697.

Chậm chân hơn và mang nặng sứ mệnh truyền giáo hơn giao thương, năm 1860 chiếc tàu Tonquin tải trọng 250 tấn của thuyền trưởng Boitou chở nhà buôn Chappelain đến Đàng Ngoài. Con tàu mang theo nhiều hàng hóa cùng tặng vật đèn chùm pha lê, gương, gấm vàng bạc.

Thương nhân Pháp được chính quyền bản xứ tiếp đón và cho phép mở thương điếm ở Phố Hiến. Tháng 6-1681, họ trở về Pháp trên chiếc Soliei d’Orient cùng nhiều hàng hóa mua được tại chỗ và các tặng vật, công văn ngoại giao triều đình Đàng Ngoài gửi nhà vua Pháp.

Tuy nhiên, ngoại thương Pháp - Việt từ đầu đã có điềm báo không êm đềm khi con tàu này bị đắm gần Madagascar.

Tranh vẽ một góc Phố Hiến (Hưng Yên) xưa - Ảnh tư liệu
Tranh vẽ một góc Phố Hiến (Hưng Yên) xưa - Ảnh tư liệu

Hà Lan, nhà buôn lâu đời

Đến trước người Pháp nhiều năm, thương điếm Hà Lan ban đầu cũng ở Phố Hiến. Đây là công trình xây dựng kiểu châu Âu nổi bật nhất và luôn tấp nập thương thuyền Hà Lan.

Muốn thay vai trò giao thương của Nhật khi họ trở lại thời tỏa quốc cấm buôn bán viễn dương, ngày 31-1-1637, người Hà Lan trên tàu Grol chở theo nhiều mặt hàng châu Âu, Nhật Bản và các kim loại mà nước Việt lúc ấy rất cần như đồng, bạc, sắt...

Đặc biệt, khi “quá cảnh” Đài Bắc, thương thuyền này còn chất thêm hai khẩu đại bác phương Tây làm quà ra mắt triều đình Đàng Ngoài đang nội chiến triền miên với chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Tàng thư Công ty Đông Ấn Hà Lan ghi lại ngay từ năm 1637, thuyền trưởng Karel Hartsinck đã làm giám đốc đầu tiên của 13 đời giám đốc thương điếm Hà Lan ở Đàng Ngoài đến năm 1700. Sau đó, thương điếm được xây mới ở Kẻ Chợ, nhưng vẫn giữ tòa nhà ở Phố Hiến làm chi nhánh.

Đây là sự ưu ái đặc biệt của chúa Trịnh cho người Hà Lan. Trong hồi ký, Dampier cũng ghi lại thương điếm Hà Lan được xây dựng liền phía nam tòa nhà người Anh.

Trong thời cực thịnh của mình, những nhà hàng hải kiêm thương nhân Hà Lan thành công khắp thế giới và cũng gặt hái tương tự ở Đàng Ngoài nước Việt. Không chỉ thu mua tơ lụa, xạ hương, đồ gốm sứ, gia vị... của Đàng Ngoài để xuất khẩu, Hà Lan còn giành được cả quyền nhập khẩu kim loại tiền tệ cho chúa Trịnh mà đặc biệt là bạc và tiền Zeni Nhật Bản.

Nếu như năm 1637 đầu tiên mở thương điếm, thương thuyền Hà Lan nhập vào lượng bạc mới ở mức 60.000 nén, thì ngay năm sau đã nhập đến 130.000 nén và 230.000 nén bạc vào năm 1652. Sự khác biệt của đẳng cấp thương nhân Hà Lan.

Các đối thủ phương Tây khác, kể cả những nhà buôn lọc lõi người Hoa, vẫn chỉ chăm chăm giao thương hàng hóa với nước Việt, trong khi thương nhân Hà Lan đã đạt đến mức độ kinh doanh nguyên liệu đúc tiền và cả tiền đúc sẵn từ nước ngoài.

Sự thành công vượt trội của Hà Lan nhờ vào họ “biết uốn mình theo hoàn cảnh”, khéo léo giao dịch với giới chức cầm quyền lẫn cả người dân sản xuất sản phẩm cho họ.

Tuy nhiên, đằng sau lợi ích từ kết giao với chúa Trịnh, Hà Lan cũng phải trả giá khi mở rộng kinh doanh với Đàng Trong vốn đã sớm giao thương từ năm 1636 và lập thành thương điếm ở đây.

Trong nội chiến Đàng Ngoài với Đàng Trong, dù cố giữ vẻ trung lập nhưng nhiều lần thương thuyền Hà Lan đã đứng về đội quân chúa Trịnh. Thậm chí, hạm đội của họ đã giao chiến trực tiếp với hải quân Đàng Trong như trận Cửa Eo, Thuận Hóa năm 1643.

Do đó, tuy có thương điếm ở Hội An do Duijcker làm giám đốc, nhưng về sau họ thường gặp trắc trở trong kinh doanh tại đây. Đó là kết quả từ “cuộc chơi hai mặt” của những nhà buôn đến từ Hà Lan. Họ thèm khát tài nguyên giàu có Đàng Trong, nhưng lợi dụng cả nhu cầu sức mạnh phương Tây của chúa Trịnh phía Bắc.

Chúa Nguyễn hiểu rõ sự hai mặt này và rất thận trọng với Hà Lan...

Tuy nhiên, sau đó người Việt vẫn tiếp tục thể hiện sự cởi mở và tầm nhìn viễn dương của mình. Sau nhiều phen xung đột, chúa Nguyễn vẫn rộng lượng, chấp nhận thương thuyết xí xóa chuyện “ân oán” cũ.

Thương điếm Hà Lan lại được tái hoạt động ở Hội An, tàu Hà Lan sẽ được giúp đỡ khi gặp nạn, và trao trả tù binh hai nước trong cuộc xung đột trước đó...

__________

Giao thương với nước Việt trên trục hải lộ Á - Âu, thương khách đến từ các quốc gia khác nhau cũng sát phạt khốc liệt. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh kinh tế này cũng đem lại lợi ích cho người bản xứ...

Kỳ tới: Cuộc chơi ngầm của thương khách

QUỐC VIỆT (nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên