23/05/2021 11:28 GMT+7

Thương con ai kể tháng ngày - Kỳ 2: 'Gà trống' nuôi 3 người con bị chất độc da cam

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Trên nền gạch, ba người con bệnh tật tay chân cứng đơ, nằm bất động với gương mặt ngờ nghệch. Người cha già âu yếm, chăm chút đút từng muỗng cơm cho con, thỉnh thoảng ông lại đưa tay cạy miệng vì sợ con mình cắn lưỡi.

Thương con ai kể tháng ngày - Kỳ 2: Gà trống nuôi 3 người con bị chất độc da cam - Ảnh 1.

Người hàng xóm thương cảm ghé thăm, tặng ông Thạnh trái xoài - Ảnh: T.NHƠN

“Dù cực khổ nhưng tui chưa bao giờ nghĩ gửi các con vào trung tâm bảo trợ. Còn sống ngày nào là tui còn chăm sóc, lo lắng cho tụi nó ngày đó. Con khỏe mạnh, cha mẹ đã thương. Con ốm đau, bất hạnh thua người, cha mẹ lại càng thương đứt ruột.

Ông Lê Văn Thạnh

Tre già vẫn phủ bóng đời con

"Nhiều người nói tui sao không gửi vào trung tâm xã hội, bảo trợ gì đấy cho người ta chăm sóc, tui chỉ cười thôi chứ không nói gì. Bởi lẽ mình là cha tụi nó mà còn thấy nhiều việc lo cho con quá, người ta có chăm sóc tụi nó đàng hoàng, tử tế không. Với lại xa máu mủ ruột rà sao không khỏi chua xót!", ông Lê Văn Thạnh (71 tuổi, ngụ TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) vừa chia sẻ vừa đau đáu nhìn đàn con bệnh tật.

Lần theo con hẻm nhỏ gần chợ Châu Thạnh (TP Châu Đốc) là khu nhà "cao cẳng" của dân lao động. Đường vào ngoằn nghèo, nhà cửa xập xệ khác hẳn với vẻ sầm uất, náo nhiệt bên ngoài thị tứ. Lúc tôi tìm đến, ông Lê Văn Thạnh đang đút cơm cho 3 người con bị chất độc da cam. Nhìn hình ảnh người cha già cẩn thận đút từng muỗng cơm, canh để con không bị sặc và cắn lưỡi khiến ai cũng xót xa. Ba người con nằm ngay ngắn, mắt mở thao láo, miệng mở to không cảm xúc khi nhìn thấy người lạ ghé thăm nhà.

"Đây là con thứ 3, nằm kế là thằng thứ 6 rồi đến con nhỏ út của tui. Tụi nó bị chất độc da cam từ nhỏ, đứa nhỏ nhất năm nay đã 33 tuổi trong khi đứa lớn nhất cũng gần 50 tuổi rồi. Tụi nó không nói được, hiểu cũng chỉ bập bẹ mấy câu. Nói gì cũng chỉ gật, lắc mà thôi", ông Thạnh bùi ngùi trải lòng.

Ba người con ông nhắc tới là chị Lê Thị Thủy (49 tuổi), anh Lê Văn Bình (40 tuổi) và chị Lê Thị Kiều Tiên (33 tuổi). Ông Thạnh kể mình có 8 đứa con thì có đến 3 người bị di chứng của chất độc da cam. Khi sinh ra nhìn con tay chân lành lặn, ông chẳng nghĩ ngợi gì. Đến lúc gần thôi nôi, con mới xuất hiện những dấu hiệu bệnh như ngờ nghệch, tay chân co quắp, chậm đi, chậm giao tiếp so với những đứa trẻ thông thường khác. 

"Đứa thứ 3 bị bệnh nhưng đứa thứ 4, thứ 5 bình thường nên tui nghĩ chắc xui mới vậy. Có ai ngờ đâu sau này đứa thứ 6, đứa út cũng bị y chang. Ngày đó cũng chẳng biết kế hoạch là gì nên mới ra cớ sự như vầy", ông Thạnh chùng giọng.

Ông Thạnh từng có thời gian làm dân công hỏa tuyến chủ yếu tải đạn cho bộ đội ở khu vực Núi Dài, Ba Chúc (An Giang) giai đoạn 1967-1968. "Chắc do ảnh hưởng từ chất độc hóa học hồi chiến tranh mà 3 đứa nó đều bệnh tật y chang nhau", ông Thạnh tâm sự.

Thương đàn con bệnh tật, bất hạnh, ông dù nghèo vẫn cố gắng đưa đi chạy chữa khắp nơi. Khi thì đi châm cứu, khi thì đưa đến các phòng khám tư tại địa phương để lấy thuốc. Tuy nhiên, bệnh tình cũng chẳng khá hơn khi đứa con nào cũng chỉ nằm một chỗ suốt ngần ấy nỗ lực. Ba người con khuyết tật như vắt kiệt sức người cha già, nỗi cực nhọc hiện rõ trên nếp nhăn vầng trán cùng đôi mắt khắc khổ, nặng trĩu buồn lo.

Thương con ai kể tháng ngày - Kỳ 2: Gà trống nuôi 3 người con bị chất độc da cam - Ảnh 3.

Ông Thạnh bị tai nạn, già yếu nhưng ngày ngày vẫn chăm sóc các con bệnh tật - Ảnh: THÀNH NHƠN

Chăm chút muỗng cơm, giấc ngủ cho con

Một ngày bắt đầu với người cha già bằng việc đi mua đồ ăn sáng cho con. Thay vì mua đại cơm tấm, bún cho con ăn sáng thì ông lại có cách làm khiến nhiều người xúc động. Biết con không thể nói được, ông vẫn cố nhắc tên từng món đến khi con gật đầu mới thôi. "Tụi nó cũng như mình, ăn một món hoài cũng ngán nên sáng nào tui cũng phải hỏi tụi nó muốn ăn gì để đi mua. Mấy việc nhỏ nhỏ vậy thôi chứ quan trọng lắm, tụi nhỏ ăn ngon sẽ vui và bớt phá hơn", ông Thạnh chia sẻ.

Sau khi ăn sáng xong, ông tắm rửa và vệ sinh cho các con. Tiếp theo ông trở người con xem đứa nào bị hâm, bị ghẻ do nằm quá lâu thì băng bó, sát trùng để vết thương không trở nặng. Do nằm quá lâu nên các con của ông Thạnh xuất hiện nhiều vết loét, vết này chưa lành thì vết khác đã xuất hiện. Từ những vụng về ban đầu, ông đã thuần thục băng bó, thoa kem phấn cho đàn con bệnh tật. Tôi lặng nhìn người cha già chăm sóc những người con lớn tuổi bị chất độc da cam với muôn vàn cực nhọc chẳng khác gì chăm sóc em bé.

Ông Thạnh gốc An Giang, lớn lên bên những cánh đồng lúa chín vàng vùng biên giới. Từ nhỏ ông đã quen với công việc đồng áng bên con trâu, thửa ruộng quê mình. Lớn lên cũng lấy vợ, sinh con nhưng thay cho niềm vui là những bất hạnh đổ ập xuống thân phận ông. Ngày vui ngắn chẳng tày gang, còn đau đớn nào hơn khi thấy những người con lần lượt mắc bệnh. Hoàn cảnh éo la, hễ ai thuê mướn gì từ việc lớn việc nhỏ, ông đều xông xáo mần cỏ, cắt lúa, be bờ... Cuộc sống khắc khổ, vợ chồng dè sẻn để lo cho 3 người con bị chất độc da cam.

Nhưng rồi cách đây 7 năm, người vợ ốm yếu cũng qua đời, để lại mình ông bên các con bệnh tật. Bi kịch cuộc đời ông vẫn không chịu dừng lại. Cách đây vài năm, trong một lần đi khiêng vác nước đá mướn, không may ông bị bửng xe đập vào người khiến cột sống cụp xuống. Giờ ông di chuyển rất khó khăn, không thể đứng thẳng như người bình thường. Những lần trái gió trở trời, người ông cũng đau nhức không chịu được. 

"Sau lần tai nạn đó, tui không thể làm công việc nặng nhọc nữa, suốt ngày chỉ quẩn quanh chăm sóc con cái. Hoàn cảnh vốn đã nghèo, tui bị vầy, kinh tế càng khó khăn hơn", ông Thạnh chia sẻ.

Chi phí hỗ trợ cho mỗi người con khoảng 540.000 đồng/tháng, ông Thạnh sử dụng vào việc mua thuốc men, ăn uống. Những người con may mắn không bệnh tật của ông dù chẳng khá khẩm gì nhưng hằng tháng vẫn dành dụm san sẻ bớt gánh nặng với cha già. Hằng ngày, anh Lê Văn Hùng đều sát cánh bên cạnh cha để lo tắm rửa, săn sóc các em. Những công việc cần sức mạnh đôi tay như khiêng, đỡ anh đều thực hiện thay cha mình. 

"Tui về đây ở chung nhà để tiện chăm sóc các em chứ một mình cha sao xoay xở nổi. Với lại giờ cha yếu rồi, nhiều khi tay run mắt yếu không thay băng gạt, rửa vết thương cẩn thận được như mình", anh Hùng kể.

Bà Nguyễn Thị Thảo, hàng xóm cạnh nhà ông Thạnh, cho biết hoàn cảnh ông Hùng rất đáng thương. Thấy hoàn cảnh cực khổ, nhiều khi có bó rau, con cá ngon đều đem qua chia bớt cho gia đình ông. "Xóm này ai cũng thương ổng hết, già rồi mà còn phải cặm cụi chăm sóc 3 người con tật nguyền. Cực khổ vậy mà ít khi nào thấy ổng than thở", bà Thảo chia sẻ.

Ông Đỗ Trúc Hy, nguyên chủ tịch Hội Bảo trợ nạn chất độc da cam An Giang, cho biết nhiều lần ghé nhà ông Thạnh đều vô cùng xót xa trước hoàn cảnh của người cha già cả, ốm yếu phải lọm khọm chăm sóc cho 3 người con bệnh tật. Năm 2014, hội vận động xây dựng nhà tình thương cho gia đình ông Thạnh để thay thế căn nhà xập xệ, dột nát trước đó. "Hiện hằng tháng các cháu đều nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước để san sẻ bớt một phần khó khăn cho người cha già", ông Hy chia sẻ.

*******************

"Lòng mẹ thương con đứt ruột, tui chỉ cầu ông trời đổ bệnh của con sang tui. Khổ đau thế nào tui cũng xin gánh hết cho con".

>> Kỳ tới: Xin trời cho mẹ bệnh thay con

Thương con ai kể tháng ngày - Kỳ 1: Bao ve chai của mẹ già Thương con ai kể tháng ngày - Kỳ 1: Bao ve chai của mẹ già

TTO - Cụ bà tuổi xế chiều vẫn ngày ngày đi nhặt rác nuôi con tâm thần. Người mẹ trẻ thì tặng gan cứu máu thịt của mình. Và người cha chịu cả đời "gà trống nuôi con" vì sợ đàn con bị chất độc da cam phải khổ...

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên