29/04/2014 05:40 GMT+7

Thuế làm khổ dân, Thủ tướng xin lỗi

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - “Doanh nghiệp và người dân nộp thuế mà khó khăn quá. Tôi là người đứng đầu Chính phủ xin lỗi nhân dân về việc đó” - phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 28-4.

ueJ4vDKN.jpgPhóng to
Doanh nghiệp và người dân vất vả khi đi làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Chủ trì hội nghị với cộng đồng DN (DN) hôm qua 28-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết Chính phủ sẽ làm hết sức mình để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từng là phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế, bà Nguyễn Thị Cúc nay trong vai trò chủ tịch Hội Tư vấn thuế đã thẳng thắn đề cập đến những vướng mắc, bất cập liên quan đến ngành thuế tại hội nghị. Bà Cúc nói việc triển khai cho DN khó khăn được hưởng ưu đãi về thuế và tạo thuận lợi cho người nộp thuế ở cấp cao thì rất quyết liệt, từ Thủ tướng Chính phủ đến các phó thủ tướng, rồi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan... nhưng các DN có cảm giác là quyết tâm đó càng xuống dưới càng giảm, có thể ở cấp cục quyết tâm mạnh nhưng đến chi cục, đặc biệt đến tổ, đội và người triển khai thực hiện thì nhiệt huyết tháo gỡ vướng mắc cho DN mất dần đi và có khi lại thành khó khăn.

Các văn bản về thuế được hiểu khác nhau

Bà Cúc cũng cho rằng DN đang đứng trước một thực trạng là các văn bản chính sách liên quan đến thuế được hiểu rất khác nhau, không chỉ là giữa các DN hiểu khác nhau mà chính cục thuế này hiểu khác cục thuế kia. Bên cạnh đó là việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, ví dụ như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập DN có hiệu lực từ đầu năm, nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa ký thông tư hướng dẫn. Bà Cúc gửi gắm tâm sự: “Trong khó khăn, DN đã gồng mình để duy trì sản xuất, kinh doanh, nộp thuế nuôi bộ máy nhà nước trong đó có chính các cán bộ, công chức thuế. Do vậy người công chức cần có văn hóa ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của mình”.

"Tôi rất sốt ruột. Doanh nghiệp và người dân nộp thuế mà khó khăn quá. Tôi là người đứng đầu Chính phủ xin lỗi nhân dân về việc đó"

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định thời gian qua Chính phủ đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, đạt được bước tiến dài, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra thuộc trách nhiệm của Chính phủ và chính quyền địa phương. Theo Thủ tướng, trong thực thi thủ tục hành chính thì nhà đầu tư thường gặp khó với các thủ tục lập DN và đăng ký kinh doanh. Chính vì vậy, vừa qua khi Thủ tướng VN gặp Tổng thống Hàn Quốc thì hai nhà lãnh đạo đã đề cập khả năng VN vay Hàn Quốc 100 triệu USD để làm chính phủ điện tử, trong đó có nội dung về xử lý thủ tục kinh doanh qua mạng Internet sao cho nhanh chóng, thuận lợi và Chính phủ đã giao việc này cho Viettel tiến hành.

Cụ thể đối với việc cải cách thủ tục thuế và hải quan, Thủ tướng cũng cho rằng so với trước đây đã đạt được nhiều tiến bộ, tuy nhiên qua phát biểu của bà Nguyễn Thị Cúc, Thủ tướng nói: “Nghe đồng chí nói tôi rất sốt ruột. DN và người dân nộp thuế mà khó khăn quá. Tôi là người đứng đầu Chính phủ xin lỗi nhân dân về việc đó. Như đồng chí nói là quyết tâm ở trên này hăng hái như thế, nhưng càng đi xuống càng giảm, tới nhân viên như không có chuyện gì xảy ra”.

Hơn 400 đại biểu đại diện cho cộng đồng DN và các hiệp hội ngành nghề có mặt trong hội trường đồng loạt vỗ tay, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu như trên.

XGw9WVzf.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu bên lề hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp - Ảnh: TTXVN

Lãi suất cho vay tiếp tục giảm khi có điều kiện

Theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, hiện nước ta có trên 500.000 DN đang hoạt động, tuy nhiên sau ba mươi năm cải cách chúng ta vẫn chưa tạo ra được một thế hệ các nhà công nghiệp gắn liền tên tuổi và sự nghiệp với sự hình thành và phát triển của các thương hiệu lớn. Trong số hơn 500.000 DN đang hoạt động, các DN cỡ lớn chỉ chiếm khoảng 2% và cũng ngần ấy phần trăm các DN cỡ vừa. Còn lại 95-96% là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Riêng DN siêu nhỏ (với tiêu chí dưới 10 lao động) đã chiếm tới 66-67%. Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỉ lệ DN siêu nhỏ có thể chiếm tới trên 99,9%.

Trong số các kiến nghị của cộng đồng DN được ông Lộc nêu lên, có đề nghị tiếp tục cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho DN. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết trong tổng dư nợ của nền kinh tế thì dư nợ của các DN vừa và nhỏ chiếm xấp xỉ 60%, do vậy có bất kỳ khó khăn gì trong hoạt động của DN vừa và nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thống đốc Bình nói việc các ngân hàng thận trọng khi cho vay là một thực tế, vì nếu không đảm bảo chất lượng tín dụng thì nợ xấu sẽ tăng lên.

Trả lời kiến nghị về tiếp tục giảm lãi suất, Thống đốc Bình cho biết trong năm nay mặt bằng lãi suất sẽ cơ bản ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục giảm khi có điều kiện. Cụ thể từ đầu năm đến nay tùy các lĩnh vực khác nhau đã giảm lãi suất, có lĩnh vực được 0,5%, có lĩnh vực đã được 1-2%, tới đây tiếp tục giảm thêm nữa để cả năm nay giảm từ 1-2% mặt bằng lãi suất cho vay của các loại kỳ hạn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng công bố hiện nay dự trữ ngoại hối của VN đã đạt mức kỷ lục với trên 35 tỉ USD, về tỉ giá sẽ được giữ ổn định từ nay đến cuối năm, nếu có điều chỉnh chỉ khoảng 1%.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư căn cứ các ý kiến tại hội nghị dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN phát triển.

Đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng DN trong bối cảnh kinh tế khó khăn thời gian qua, Thủ tướng nói năm 2013 ngân sách hết sức khó khăn nhưng vẫn đảm bảo được cân đối thu chi, mà ngân sách nước ta thì 97% là từ thuế, phí đóng góp của cộng đồng DN. Theo Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn phải thấy những khó khăn, hạn chế của cộng đồng DN VN. “Ta có 90 triệu dân, mà số lượng DN đang hoạt động theo như tôi được báo cáo là có hơn 400.000, ít quá so với thế giới và quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh của DN có nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu” - Thủ tướng nói.

Trong số các công việc thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến vấn đề tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó có việc bảo đảm ổn định chính trị xã hội, trật tự an toàn xã hội, để có môi trường hòa bình, thuận lợi cho làm ăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, DN được làm những gì mà pháp luật không cấm, đúng như Hiến pháp mới đây đã quy định…

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã báo cáo với trung ương về kiến nghị Chính phủ tiếp tục làm các công việc cần thiết để đảm bảo tinh thần không hình sự hóa quan hệ kinh tế, rà soát lại các quy định để đảm bảo theo đúng pháp luật và Hiến pháp.

Xin cấp phép nhà hàng mất 14 tháng

Ông Alain Cany (nguyên chủ tịch EuroCham), hiện là chủ tịch một tập đoàn quốc tế sở hữu công ty Pizza VN - nhượng quyền thương hiệu của Pizza Hut. Công ty này được cấp giấy phép hoạt động vào năm 2005 và đã mở 30 nhà hàng. Tuy nhiên theo phản ánh của ông Alain Cany tại hội nghị thì nếu như trước đây khi xin mở 30 nhà hàng chỉ mất hai tuần làm thủ tục, gần đây khi công ty xin mở thêm hai nhà hàng nữa lại phải mất tới... 14 tháng làm thủ tục.

Vấn đề chỉ được giải quyết sau khi có ý kiến từ cấp bộ. Khó khăn vẫn chưa hết khi vào tháng 2-2014, công ty xin mở thêm ba nhà hàng tại Hà Nội thì các sở có liên quan đã đề nghị công ty cung cấp rất nhiều loại giấy tờ, có cả những loại giấy tờ mà công ty đã cung cấp trong quá trình làm thủ tục 14 tháng trước.

Tránh phân biệt đối với bệnh viện tư

Ông Nguyễn Văn Đệ (chủ tịch Tổng công ty cổ phần Hợp Lực, Thanh Hóa) kiến nghị cần tránh tư tưởng phân biệt, đối xử thiếu công bằng và tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư (một bên được Nhà nước bao cấp, còn một bên phải tự bỏ vốn đầu tư). Cơ quan quản lý về bảo hiểm xã hội địa phương không nên phân thẻ bảo hiểm y tế hằng năm, hãy để nhân dân tự lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh. Có như vậy mới tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Bộ Y tế cần sớm triển khai việc xếp hạng cho khối bệnh viện tư nhân, để làm cơ sở thanh quyết toán và một số chính sách khác.

V.V.THÀNH ghi

Ý kiến

* Phó tổng giám đốc một công ty tư vấn thuế tại Q.1, TP.HCM:

Nhũng nhiễu còn phổ biến

Chính sách thuế trong những năm qua cũng có nhiều cải tiến theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, tuy nhiên thay đổi còn mang tính manh mún, chưa toàn diện. Chưa kể nhiều chính sách ban hành chậm, thể hiện sự lúng túng của cơ quan quản lý. Có chính sách ban hành quá đột ngột không cho DN thời gian quá độ để chuẩn bị khiến nhiều DN bị sốc. Nhiều chính sách xa rời thực tế, ban hành ra không áp dụng được. Tình trạng văn bản hướng dẫn không rõ ràng, đưa đến nhiều cách hiểu, dẫn đến cơ quan thuế địa phương có thể tận dụng kẽ hở này để nhũng nhiễu, khó dễ DN còn phổ biến.

* Giám đốc một công ty tại Q.10, TP.HCM:

Đẩy khó cho doanh nghiệp

Là một DN, vừa qua tôi gặp phải hàng loạt khó khăn do chính sách thuế. Thứ nhất theo quy định từ năm 2014 nếu DN mở tài khoản ngân hàng mới thì trong vòng 10 ngày phải báo cáo cơ quan thuế. Theo quy định, tôi chỉ cần gửi thông báo theo mẫu nhưng thực tế cơ quan thuế địa phương không chịu, yêu cầu tôi phải có giấy tờ thể hiện ngày mở tài khoản làm cơ sở xác định ngày DN mở tài khoản. Tương tự với trường hợp đóng tài khoản, tôi phải dẫn thông tư ra để đấu tranh và mất mấy lần lên xuống mới được chấp nhận. Tôi hiểu rằng yêu cầu DN làm vậy sẽ an toàn cho cơ quan thuế nhưng như vậy là đẩy khó cho DN. Từ trường hợp cụ thể trên, tôi cũng muốn nói đến tình trạng phổ biến hiện nay là chính sách ban hành một đường, cơ quan thuế địa phương lại thực hiện một nẻo, mỗi nơi hướng dẫn mỗi khác, DN không biết đường nào mà lần.

* Ông Thái Bình Hòa (người nộp thuế tại Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh):

Như giội nước vào đầu người nộp thuế

Ngày 28-4, tôi đến làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh. Suốt từ sáng đến cuối giờ chiều tôi phải chạy đi chạy lại, gặp hết người này đến người kia mà vẫn chưa được giải quyết trong khi giấy tờ để chứng minh hồ sơ của tôi hợp lệ, không trễ hạn vì không ghi rõ thời hạn nộp thuế. Khi nộp hồ sơ cho nhân viên thuế, nhân viên này nhận hồ sơ mà chỉ xem sơ sài nên đã khẳng định tôi nộp thuế trễ hạn và phải nộp phạt. Phải đến khi tôi mất công vô ích làm theo yêu cầu của nhân viên thuế, chạy đi chạy lại, hồ sơ cũng không có gì thay đổi thì nhân viên mới xem kỹ lại và nói: “Sao ngay từ đầu bác không nói rõ?”. Nhưng thực ra, lần tiếp nhận hồ sơ đầu tiên, dù tôi nói gì nhân viên thuế này cũng không nghe, chỉ một mực khẳng định tôi sai và nạt, giống như giội gáo nước lạnh lên đầu người nộp thuế.

Sau đó tôi được một lãnh đạo Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh hướng dẫn các thủ tục khá cặn kẽ, nhiệt tình để giải quyết vướng mắc. Nhưng nếu như ngay từ đầu nhân viên thuế xem xét kỹ hồ sơ với một thái độ làm việc khác thì đã không khiến tôi mất nhiều thời gian vô ích như vậy.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên