14/01/2014 01:23 GMT+7

Thực phẩm tết: tràn lan hàng ngoại

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Từ các loại trái cây làm quà tặng, các loại hạt ăn chơi những ngày tết đến thịt bò Úc... đang được nhập ào ạt vào VN, gây lo ngại cho người chăn nuôi và nhà vườn VN.

Bánh kẹo tết: chỉ chọn hàng nộiKhông lo thiếu thực phẩm tết Bia tết: tặng hàng ngoại, uống hàng nội

Vzx3J3Sj.jpgPhóng to
Khách hàng chọn mua trái cây ngoại tại một cửa hàng trên đường Trần Phú, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Tr.Mạnh

Tính đến giữa tháng 12-2013, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng các loại rau quả VN đã nhập khẩu trên 385,5 triệu USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo các doanh nghiệp, kim ngạch nhập khẩu các loại thực phẩm như trái cây cao cấp, bò Úc, thịt gà đông lạnh... đang tăng mạnh trong dịp cận tết.

Thịt nhập dồn dập, người chăn nuôi khóc ròng

Thông tin từ các công ty kinh doanh thực phẩm cho hay tết này thịt bò Úc sẽ được nhập về nhiều, thậm chí còn nhiều hơn cả bò nội địa. Sau khi chiếm chỗ của bò nội địa trong siêu thị, bò Úc ngày càng mở rộng sự có mặt của mình trong các kênh bán lẻ khi có mặt ở hệ thống cửa hàng thực phẩm cao cấp, các nhà hàng và cả chợ lẻ. Với kế hoạch nhập khẩu dồn dập của các công ty kinh doanh trong thời điểm cuối năm, dự kiến năm nay người Việt “bội thực” thịt bò Úc.

Theo bà Nam Chi, Công ty bò Trung Đồng (Đồng Nai), từ nay đến tết công ty sẽ nhập khẩu thêm hai chuyến bò nữa (1.300-1.500 con/tàu) để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. “Tết là thời điểm người dân tiêu thụ thịt bò nhiều nên công ty phải tăng lượng hàng ra thị trường”, bà Nam Chi nói. Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM), cũng cho biết trong tháng 12 vừa qua, Vissan và đối tác đã đưa về VN hai chuyến bò Úc tổng cộng 10.000 con. Dự kiến đến ngày 20-1 sẽ có thêm một chuyến 5.000 con bò Úc nữa về đến VN để kịp thời đưa ra trong dịp tết.

Không chỉ có thịt bò Úc tươi, các loại thịt đông lạnh khác như heo, gà, dê, cừu... cũng được các nhà buôn tập trung đưa ra thị trường trong những thời điểm cuối năm khiến người chăn nuôi trong nước “khóc ròng”. Theo Chi cục Thú y TP.HCM, hiện mỗi tuần có gần 2.500 tấn thịt đông lạnh các loại được cấp giấy phép lưu thông trên địa bàn thành phố, trong đó nhiều nhất là thịt gà, trâu bò, heo, dê cừu... tăng 50-60% so với thời điểm bình thường.

Thịt nhập khẩu về nhiều cùng với tâm lý chăn nuôi dồn vào dịp tết nên nguồn cung ra thị trường quá lớn khiến giá sản phẩm chăn nuôi càng gần tết càng giảm. Ngày 11-1, giá gà công nghiệp bán tại trại chỉ còn 17.000-19.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ 11.000-13.000 đồng/kg. Giá trứng cũng vừa giảm thêm 100 đồng/quả xuống còn trung bình 1.650 đồng/quả. Giá heo sau thời gian dài tăng, có lúc lên đến 50.000 đồng/kg heo hơi, cũng đã giảm trở lại trong thời gian gần đây.

Đua nhập trái cây cao cấp

Trước tâm lý e ngại trái cây Trung Quốc, nhiều công ty và cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây đã tăng cường nhập khẩu từ các nước có nền nông nghiệp phát triển. Theo giám đốc kinh doanh một công ty nhập khẩu trái cây tại Bình Thuận, chỉ riêng tháng áp tết công ty này đã nhập khẩu trên 2 triệu USD các loại trái cây để phân phối cho thị trường nội địa, tăng gần 50% so với các tháng trước đó. “Ngoài hệ thống siêu thị, cửa hàng chuyên doanh trái cây ngoại nhập tại những thành phố lớn ngày một nhiều nên chúng tôi phải tăng cường nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu dịp tết”, vị này nói.

Khảo sát một số cửa hàng chuyên bán trái cây ngoại tại quận 1, quận 4 và quận 5 cho thấy ngoài các loại trái cây phổ biến như cam, táo, nho, cherry..., tết năm nay thêm một số loại trái cây mới như đào, lê... Nguồn gốc xuất xứ của trái cây ngoại nhập cũng khá đa dạng từ Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đến Nam Phi... Các cửa hàng đều có hệ thống bảo quản hiện đại, có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của từng loại trái cây cho khách hàng yên tâm. Khách hàng có thể mua riêng lẻ từng loại hoặc mua theo gói quà tặng cửa hàng đã lựa chọn sẵn. Không chỉ bán tại chỗ, các cửa hàng kinh doanh đều mở rộng hình thức bán hàng qua điện thoại, bán hàng trực tuyến qua website hoặc Facebook và giao hàng tận nơi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới kinh doanh, do phải nhập khẩu từ các nước ở xa và điều kiện bảo quản tốn kém nên giá bán các loại trái cây nhập khẩu cao cấp khá cao, chỉ phù hợp với người có tiền. Các chủ cửa hàng ở đây cũng cho biết loại hàng này chủ yếu dành cho khách hàng trung lưu trở nên hoặc làm quà tặng. Chẳng hạn, tại một cửa hàng trái cây ngoại nhập trên đường Trần Phú (quận 5), giá bán lẻ cam Mỹ không hạt 100.000 đồng/kg, cherry Chile 500.000-550.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc 80.000-100.000 đồng/kg, đào trắng của Úc giá 300.000 đồng/kg, táo envy (Mỹ) giá 250.000 đồng/kg, trái blueberry giá 150.000 đồng/hộp 125gam...

Cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi

Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng việc nhập khẩu, nhất là những mặt hàng VN không có, là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nếu Nhà nước cứ để cho các công ty vô tư nhập khẩu các mặt hàng mà người dân VN sản xuất được như thịt bò, thịt heo, thịt gà... thì sẽ làm khó người chăn nuôi. Mấy năm gần đây, người chăn nuôi năm nào cũng chịu thua lỗ, nhiều người đã phải bỏ nghề một phần do thịt nhập khẩu giá rẻ, một phần do thiếu những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên