
Phần bún măng vịt có giá 1 triệu đồng được khách hàng đăng tải trên mạng - Ảnh: Facebook
Ngoài đình chỉ bán, Ban quản lý chợ Bến Thành (TP.HCM) cho biết còn áp dụng nhiều chế tài kèm theo. Hiện nay chợ mở rộng các kênh để tiếp nhận phản ánh từ du khách và người dân xung quanh hoạt động kinh doanh tại chợ.
Chế tài được áp dụng dựa theo nội quy chợ
Ngày 16-7, trả lời báo Tuổi Trẻ Online về việc có quan điểm cho rằng "tạm dừng kinh doanh 3 ngày đối với chủ sạp kinh doanh bún măng vịt" là còn nhẹ, đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành cho biết các chế tài đưa ra như trên dựa vào nội quy chợ được áp dụng từ năm 2017 đến nay.
Cụ thể theo nội quy, việc tạm dừng kinh doanh có thời hạn từ 1 đến 7 ngày tùy theo tính chất, mức độ vụ việc vi phạm. Trước đây, nhiều lần chợ đã áp dụng tạm dừng kinh doanh đối với tiểu thương vi phạm, trong đó không ít trường hợp tạm dừng mức tối đa là 7 ngày. Còn trường hợp cấm kinh doanh dài hạn thì rất ít.
Ngoài tạm dừng kinh doanh, chợ có thể đưa ra các chế tài bổ sung khác tùy theo vụ việc như bị nhắc nhở, viết cam kết, xin lỗi khách hàng, hoàn tiền... Trường hợp vi phạm lớn hơn, vượt thẩm quyền của chợ, cơ quan chức năng khác sẽ xử lý, có thể phạt hành chính, khởi tố hình sự... tùy theo vụ việc.
Cũng theo đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành, nội quy tại chợ đang áp dụng được xây dựng dựa trên quy định, nội dung ban hành của ngành công thương thành phố, căn cứ theo luật. Ngoài ra trước khi áp dụng, nội quy tại chợ phải được chính quyền (trước đây là UBND cấp quận) xem xét, phê duyệt.
Do đó muốn thay đổi nội quy chợ theo hướng tăng mức chế tài đối với trường hợp vi phạm cần dựa theo quy định ngành công thương, trình báo đến cấp có thẩm quyền.
Dùng thêm mã QR để tiếp nhận phản ánh
Để việc quản lý và tiếp nhận các phản ánh từ khách hàng tốt hơn, đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành cho biết chợ đang mở rộng các phương pháp tiếp nhận phản ánh từ người tiêu dùng đối với các dịch vụ tại chợ, thái độ tiểu thương, an toàn thực phẩm...
Đối với trực tiếp, chợ với 16 cửa luôn có đông đảo lực lượng bảo vệ sẵn sàng tiếp nhận các phản ánh của khách hàng. Ngoài ra, tại 4 cửa chính luôn được đặt sổ ghi chép để khách phản ánh mọi vấn đề. Các phản ánh sẽ được tổng hợp mỗi ngày để xác minh, xử lý và phản hồi đến khách hàng.
Bên cạnh đó, các kênh như Zalo, Facebook, Email, hay hotline cũng được sử dụng để tiếp nhận các phản ánh. Đặc biệt, sắp tới có thể chợ triển khai thêm việc tiếp nhận phản ánh bằng mã QR.

Ban quản lý chợ Bến Thành khẳng định sẽ xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh để giữ chân khách hàng, du khách - Ảnh: N.TRÍ
Theo đó, khách chỉ cần chụp lại mã QR được dán ở chợ, sau đó quét và phản ánh theo hướng dẫn, nhanh gọn và thuận lợi. Chợ sẽ tổng hợp phản ánh để xác minh, xử lý và phản hồi thỏa đáng cho người phản ánh.
Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với Sở Công Thương TP.HCM để tìm hiểu thêm các quy định liên quan đến nội quy kinh doanh ở chợ truyền thống và các mức chế tài khi vi phạm, đặc biệt là các lỗi không niêm yết giá bán, bán cao hơn giá niêm yết...
Căn cứ tại Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP do Chính phủ Việt Nam ban hành quy định về mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng một trong các hình thức theo quy định của pháp luật
+ Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng
+ Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá không thuộc khoản 3 Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá.
Trước đó, sau khi nhận thông tin qua mạng xã hội, ngày 15-7, Ban quản lý chợ Bến Thành đã khẩn trương làm việc với chủ sạp bị khách tố bán 4 tô bún măng (không thịt, nhiều măng), 1 phần thịt vịt (lóc bỏ xương, lấy thịt), 1 phần gỏi với giá 1 triệu đồng.
Trong bản tường trình sau đó, chủ sạp cho biết giá cao vì khách đòi "nhiều thịt" và do người phụ bán tự ý bán nhưng vẫn nhận lỗi vì bán giá cao hơn niêm yết, không giải thích rõ cho khách. Ban quản lý chợ đã cho tạm dừng kinh doanh 3 ngày với người bán, đồng thời yêu cầu viết bản cam kết, xin lỗi khách, hoàn trả tiền chênh lệch...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận