20/07/2021 08:03 GMT+7

Thực phẩm cho dân đô thị: 5 việc cần làm

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Khơi thông các kênh phân phối hàng hóa tại TP.HCM không chỉ là đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân TP mà còn giúp tiêu thụ nông sản cho nông dân cả vùng phía Nam.

Thực phẩm cho dân đô thị: 5 việc cần làm - Ảnh 1.

Nhân viên Viettel Post đóng rau, củ theo bọc 5kg để chuyển đến các điểm bán - Ảnh: T.H.Đ.

Tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT ngày 19-7, lãnh đạo ngành nông nghiệp và công thương 19 tỉnh thành phía Nam đề nghị các bộ ngành và TP.HCM sớm mở các điểm tập kết hàng hóa từ các tỉnh, kết nối các chuỗi tiêu thụ và giảm kiểm tra vận chuyển để nhanh chóng đưa hàng hóa, nông sản tiêu thụ. Bộ NN&PTNT cũng đưa ra 5 việc cần làm.

Mở điểm tiếp nhận hàng hóa tại Củ Chi

Theo ông Đinh Minh Hiệp - giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, 80-90% nhu cầu nông sản, thực phẩm của người dân TP từ các tỉnh. Khi các chợ đầu mối trên địa bàn đóng cửa, nguồn nông sản, thực phẩm cung ứng thiếu hụt nghiêm trọng.

Cụ thể, các siêu thị chỉ cung ứng được 1/3 nhu cầu nông sản, thực phẩm của người dân; 2/3 lượng nông sản, thực phẩm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân qua chuỗi các chợ đầu mối, chợ truyền thống.

Vì thế giá lương thực, thực phẩm trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7-2021 trên địa bàn TP.HCM đều tăng so với các tháng trước đó. Ngược lại, do không bán được nên giá nông sản ở nhiều tỉnh giảm sâu khiến nông dân nhiều nơi thua lỗ.

Bộ NN&PTNT đề nghị TP.HCM thiết lập khu vực trung chuyển hàng hóa tiếp nhận hàng từ các địa phương vào TP. Trước mắt thí điểm bố trí 1 vùng đệm với diện tích khoảng 1ha trên địa bàn huyện Củ Chi, giáp ranh huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), từ đó nhân rộng ra các khu vực Thủ Đức và Bình Chánh để tiếp nhận nguồn hàng từ các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ.

Hàng hóa từ các khu vực trung chuyển sẽ được đưa vào TP qua hệ thống các điểm tập kết hàng hóa tạm thời ở các quận huyện. TP.HCM rà soát, tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại địa điểm nêu trên. Các đơn vị quản lý chợ đầu mối tổ chức, thông tin và triển khai đăng ký, tạo điều kiện cho thương nhân chủ động giao dịch, mua bán.

Bộ NN&PTNT đưa 5 giải pháp

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng cần có 5 việc làm tiêu thụ nông sản và cung ứng cho người dân đô thị, như sau:

1. Các tỉnh thành phía Nam cần theo dõi dự báo tình hình nguồn cung từ nay đến cuối năm, thực hiện 2 nhiệm vụ là đảm bảo cung ứng cho địa bàn và tiếp tục hỗ trợ TP.HCM.

2. Các tỉnh cần báo cáo tổ công tác tình hình cơ sở sản xuất giết mổ cung cấp thịt tươi sống ra thị trường. Nếu 1 cơ sở chế biến giết mổ có nhân viên dính COVID-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng.

3. Không chỉ hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm mà còn phải hỗ trợ các vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, thực phẩm như vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, con giống... để đảm bảo sản xuất và nguồn cung sau dịch bệnh.

4. Các tỉnh phối hợp với Bộ Công thương và TP.HCM để thực hiện các chuỗi cung ứng nông sản. Thời gian giãn cách vừa qua cho thấy các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đã tăng 3-4 lần sản lượng thì những đơn vị riêng lẻ phải ngừng kinh doanh, sản xuất vì không tìm được nơi tiêu thụ khi các chợ đầu mối và chợ lẻ TP.HCM đóng cửa.

5. Nhiều địa phương đang thiếu nhân lực sản xuất nông nghiệp, công nhân cho nhà máy chế biến vì dịch bệnh cần phải tháo gỡ sớm.

TP.HCM ra văn bản khẩn: xây dựng phương án tổ chức điểm bán thực phẩm tại các chợ tạm ngưng TP.HCM ra văn bản khẩn: xây dựng phương án tổ chức điểm bán thực phẩm tại các chợ tạm ngưng

TTO - Ngày 19-7, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng ký gửi khẩn văn bản số 2382 về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn đến nhiều sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên