19/07/2021 18:41 GMT+7

TP.HCM ra văn bản khẩn: xây dựng phương án tổ chức điểm bán thực phẩm tại các chợ tạm ngưng

N.TRÍ - N.BÌNH - TIẾN LONG
N.TRÍ - N.BÌNH - TIẾN LONG

TTO - Ngày 19-7, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng ký gửi khẩn văn bản số 2382 về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn đến nhiều sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện.

TP.HCM ra văn bản khẩn: xây dựng phương án tổ chức điểm bán thực phẩm tại các chợ tạm ngưng - Ảnh 1.

Nhiều chợ truyền thống ngưng hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thực phẩm cho người dân TP.HCM - Ảnh: N.TRÍ

Theo văn bản này, thực hiện đề nghị của bộ trưởng Bộ Công thương tại cuộc họp trực tuyến ngày 18-7 với sở công thương các tỉnh, thành và đề nghị của bộ này về việc tiếp tục nghiên cứu, mở lại hoạt động của các chợ truyền thống, chợ đầu mối.

UBND TP yêu cầu Sở Công thương nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống; tổ chức các điểm bán thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động với hình thức phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Theo đó, sở này hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin, đầu mối cung ứng hàng hóa đến các địa phương, đơn vị quản lý chợ, tiểu thương có nhu cầu đặt hàng, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức hoạt động các chợ.

Phối hợp với UBND các quận, huyện và các công ty chợ đầu mối đẩy nhanh khai trương điểm điều tiết, trung chuyển; kết nối thương nhân và tiểu thương chợ truyền thống để kết nối giao dịch, cung ứng hàng.

UBND TP đề nghị Cục Quản lý thị trường thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình thị trường; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong mua bán, gian lận thương mại.

Với UBND các quận, huyện: rà soát, đánh giá hiện trạng hoạt động, thực hiện đầy đủ các phương án phòng, chống dịch COVID-19 của các chợ truyền thống đang hoạt động và nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức các điểm bán thực phẩm thiết yếu, hàng tươi sống tại các chợ tạm ngưng; trong đó chú trọng giải pháp phòng chống dịch. Phương án gửi về UBND TP trước ngày 23-7.

Đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình, rà soát tổng thể để có phương án điều tiết phù hợp đảm bảo thực hiệm giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn. Bên cạnh đó, tính toán phát phiếu vào chợ, bố trí vách ngăn, mua bán xen kẽ, hàng hóa được đóng gói sẵn... đồng thời khuyến khích bán hàng online, qua điện thoại.

Theo văn bản này, cần ưu tiên thực hiện tiêm chủng vắc xin cho tiểu thương, người làm việc tại các chợ; đồng thời phối hợp với cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên với tiểu thương, khách hàng...

Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến trưa 19-7, toàn TP có 40/234 chợ truyền thống tại 10 quận, huyện và TP Thủ Đức còn đang hoạt động. Theo đơn vị này, dự kiến trong tuần này có thêm nhiều chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động sẽ áp dụng mở bán thí điểm với mặt hàng tươi sống.

Nhiều ban quản lý chợ cho biết đang đẩy nhanh giải pháp phòng chống dịch và xây dựng mô hình mở bán thí điểm để trình UBND quận, huyện.

Tuy nhiên, để chợ truyền thống được mở bán hiệu quả, tăng phạm vi hoạt động trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chợ cần sự hỗ trợ trong công tác kiểm soát dịch bệnh, tổ chức hoạt động từ các ban ngành, đoàn thể.

Miền Tây ngày đầu giãn cách: Chợ vẫn mở, người mua thưa thớt Miền Tây ngày đầu giãn cách: Chợ vẫn mở, người mua thưa thớt

TTO - Ghi nhận ngày đầu giãn cách theo chỉ thị 16 tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ cho thấy chợ truyền thống tại trung tâm một số tỉnh vẫn mở, nhưng thưa thớt người đi mua hàng. Hàng hóa từ đất liền ra đảo vẫn đảm bảo.

N.TRÍ - N.BÌNH - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chợ