Sau khi cổng Nghi môn cũ được hạ giải từ năm 2019, đến nay nguyên mẫu cổng cũ vẫn chưa được hoàn thiện - Ảnh: TIẾN THẮNG
Sau sự việc di tích quốc gia đình Tự Đông thuộc phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương bị xâm hại bởi "bích họa" được vẽ lên bức tường phía sau hậu cung và một phần tường bao đình Tự Đông, trên mạng xã hội thời gian gần đây tiếp tục lan truyền thông tin cùng hình ảnh cho rằng cổng Nghi môn tại di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền An Liệt ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, Hải Dương bị phá bỏ hoàn toàn, thay thế bằng cổng mới sơ sài về nghệ thuật kiến trúc, không đúng nguyên mẫu.
Sau khi hình ảnh trước và sau trùng tu cổng đền An Liệt được lan truyền trên mạng, nhiều người cho rằng địa phương đã phá bỏ một công trình di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã Thanh Hải và nhiều người dân địa phương khẳng định cổng đền An Liệt không có độ tuổi lớn cùng với di tích, bởi trước kia, khu vực di tích vốn là đầm bãi, không có cổng. Sau này, cổng đền được người dân địa phương góp công sức xây dựng thêm.
Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Hải, cổng Nghi môn của đền An Liệt nhìn có nét cổ kính nhưng thực ra mới được bà con nhân dân địa phương đóng góp để xây dựng cách đây khoảng 30-40 năm.
"Cổng Nghi môn trước kia được xây bằng vôi vữa, thấp hơn nền đường và bị xuống cấp, gây nguy hiểm cho người qua lại. Mọi người trong xã mấy năm trước có nguyện vọng tháo dỡ để phục dựng lại cho khang trang, đẹp hơn, nhưng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc huy động kinh phí đang gặp khó khăn, tạm thời chưa có điều kiện làm lại như cũ", vị lãnh đạo xã Thanh Hải thông tin.
Lãnh đạo xã Thanh Hải cho biết cổng hiện nay chỉ là làm tạm, khi huy động đủ kinh phí sẽ xây dựng cổng theo đúng nguyên mẫu cũ - Ảnh: TIẾN THẮNG
Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hải Dương, trong hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo đền An Liệt đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thỏa thuận tại công văn 5568 ngày 10-12-2018 thì Nghi môn đền An Liệt được thiết kế có kiến trúc kiểu chồng diêm 8 mái, gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ, đao tàu giéo góc, các góc mái đắp đao, kìm nóc theo nguyên mẫu trụ cổng Nghi môn cũ.
Tuy nhiên Nghi môn hiện nay được thi công tu bổ, tôn tạo theo kiểu tứ trụ, không mái và cánh cửa bằng kim loại.
Nguyên nhân của sự việc trên được lãnh đạo UBND xã Thanh Hải giải thích là do thiếu nguồn kinh phí nên chưa hoàn thiện theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Trường Sơn - trưởng phòng quản lý văn hóa di sản (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hải Dương) - khẳng định Nghi môn đền An Liệt không cùng niên đại với di tích, nên mới được phép hạ giải để làm mới theo mẫu cũ.
Theo ông Sơn, khi đề xuất tôn tạo, tu bổ đền An Liệt, chính quyền xã có nêu phương án tự huy động vốn bằng nguồn xã hội hóa, nhưng có thể do mấy năm vừa rồi địa phương gặp khó khăn nên mới ảnh hưởng đến việc hoàn thiện công trình.
Trước tình hình trên, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Hải Dương đã đề nghị UBND huyện Thanh Hà phối hợp chỉ đạo UBND xã Thanh Hải (là chủ đầu tư) huy động mọi nguồn lực để sớm thi công hoàn thiện hạng mục Nghi môn theo đúng hồ sơ được duyệt.
Xã Thanh Hải có ba thôn là An Liệt, Tiền Vĩ, Thừa Liệt. Nơi đây thờ năm vị thành hoàng (gọi là Ngũ vị Đại vương), trước đây được thờ ở Miếu Cả thuộc thôn Tiền Vĩ.
Tương truyền, miếu được xây dựng từ thời Hậu Lê (1427-1789), nay di tích còn một chuôi vồ nhỏ. Từ thời ấy, nhân dân thôn An Liệt muốn thờ các vị thành hoàng ngay tại khu vực mình nên mới xây đền An Liệt.
Qua nhiều lần trùng tu, đền hiện nay mang kiến trúc thời Nguyễn và năm 1995, đền An Liệt đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận