26/07/2023 13:31 GMT+7

Thực hiện chương trình giáo dục mới còn hạn chế, sẽ thí điểm sách giáo khoa điện tử

Báo cáo của Chính phủ thực hiện nghị quyết 88/2014 về thực hiện chương trình mới, đổi mới sách giáo khoa cho biết còn có những hạn chế, thiếu sót.

Giáo viên tham gia tập huấn thực hiện chương trình mới - Ảnh: VĨNH HÀ

Giáo viên tham gia tập huấn thực hiện chương trình mới - Ảnh: VĨNH HÀ

Chất lượng giáo dục phổ thông có chuyển biến

Theo báo cáo của Chính phủ, cùng với việc thực hiện nghị quyết 88/QH13 về đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông, quy mô giáo dục, mạng lưới cơ sở giáo dục từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập. 

Điều kiện dạy học gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cải thiện cả về số và chất lượng.

Chất lượng giáo dục phổ thông có những chuyển biến, tiến dần tới mục tiêu công bằng xã hội, tăng khả năng tiếp cận giáo dục của các đối tượng học sinh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai ở lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 rộng khắp tại 63 tỉnh thành phố về cơ bản đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới. Cùng với đó, các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt triển khai thực hiện chương trình mới. 

Việc tổ chức quản lý giáo dục đã chuyển dần sang hướng quản trị nhà trường. Đội ngũ nhà giáo đã có sự thay đổi trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh.

Chưa tương xứng với yêu cầu

Tuy nhiên báo cáo trên cũng nêu còn các hạn chế. Trong đó đáng nói là việc thực hiện nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục, kiểm tra đánh giá chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Việc đổi mới quản lý giáo dục theo yêu cầu tăng cường giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục trung học còn hạn chế.

Về sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương, việc lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh, thông tin, nội dung khoa học ở một số bản mẫu sách giáo khoa chưa phù hợp với đối tượng học sinh, còn sai sót.

Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa còn một số hạn chế. Một số địa phương lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa còn thiếu sót, gửi hồ sơ phê duyệt tài liệu địa phương quá muộn gây khó khăn cho việc thực hiện.

Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp THCS và THPT, nhất là triển khai chương trình ở một số môn học mới. Số lượng giáo viên, cán bộ quản lý còn thừa, thiếu cục bộ, còn thiếu so với quy định. Đặc biệt là cấp tiểu học và môn âm nhạc, mỹ thuật ở cấp THPT. 

Chất lượng giáo viên không đồng đều, đặc biệt ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn khoảng cách quá lớn với vùng thuận lợi. Trong khi đó, việc tập huấn giáo viên để triển khai chương trình mới còn hạn chế do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương. Đặc biệt là thiếu ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Có những địa phương thực hiện dồn ghép cơ sở giáo dục theo cách cơ học. 

Cùng với đó, việc quy hoạch, dành quỹ đất đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học.

Việc thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường ở một số cơ sở còn chưa phù hợp dẫn tới thực hiện chương trình ở một số môn học, hoạt động giáo dục còn bất cập, chưa đảm bảo yêu cầu. Cụ thể như việc phân công giáo viên đảm nhiệm môn khoa học tự nhiên, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương ở nhiều nơi còn lúng túng.

Sẽ thí điểm xây dựng sách giáo khoa điện tử

Báo cáo phân tích nguyên nhân nhấn mạnh đến việc thay đổi nhận thức trong việc triển khai chương trình mới là một vấn đề lớn trong khi chưa có kinh nghiệm trong quá khứ. Trong khi việc tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế khó áp dụng được trong bối cảnh nước ta. 

Việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa có những khó khăn do lực lượng tham gia mỏng, thiếu các tổ chức có kinh nghiệm, năng lực.

Việc triển khai chương trình - sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu với tốc độ khá nhanh trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau, khả năng thu hút các nguồn lực xã hội hóa có sự chênh lệch giữa các địa phương.

Giải pháp đặt ra nhằm tiếp tục triển khai việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông là rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm hoàn thiện chương trình, nâng cao chất lượng sách giáo khoa. 

Hướng tới sẽ thực hiện thí điểm xây dựng sách giáo khoa điện tử, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông về quy mô mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và tài chính dành cho giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, bổ sung chính sách đặc thù cho giáo dục về kinh phí chi thường xuyên để đảm bảo điều kiện, nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện các chính sách trong học tập cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ cho học sinh khó khăn.

Chính phủ đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tăng cường giám sát việc thực hiện nghị quyết 88 của Quốc hội để các địa phương thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Gần hết học kỳ 1 vẫn chưa có tài liệu giáo dục địa phương!Chương trình giáo dục phổ thông mới: Gần hết học kỳ 1 vẫn chưa có tài liệu giáo dục địa phương!

TTO - 'Việc biên soạn, phê duyệt, in ấn tài liệu giáo dục địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Hiện vẫn còn một số tỉnh, thành chưa thực hiện được, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại các nhà trường'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên