25/09/2020 08:45 GMT+7

Thúc đẩy nâng chất hàng hóa

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - "Liên kết vùng sẽ tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, đem lại những cơ hội hợp tác, tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa, nông sản Việt Nam, hạn chế được tình trạng xuất khẩu thô như thời gian qua", ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HC

Thúc đẩy nâng chất hàng hóa - Ảnh 1.

Thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đã tiếp cận được người tiêu dùng TP.HCM - Ảnh: N.BÌNH

Phát biểu tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016 - 2020, được tổ chức ở TP.HCM ngày 24-9, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thông qua kết nối, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa đã được hình thành, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa các địa phương và xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập - phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, sự hỗ trợ tích cực của TP.HCM thời gian qua đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa tại nhiều địa phương, tạo sự liên kết phát triển kinh tế trong toàn vùng.

Riêng với Bến Tre, nhờ sự hợp tác và kết nối này, tư duy sản xuất của doanh nghiệp và nông dân đã thay đổi rất rõ.

 "Thị trường ngày càng khó tính, người tiêu dùng không chỉ đòi hỏi bao bì đẹp mắt, thân thiện mà cũng cần những sản phẩm sạch, an toàn. Các vùng sản xuất nguyên liệu đến quy trình đều phải theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tiêu chí, an toàn để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn quốc tế", ông Lập nói.

Thông qua những chương trình kết nối, gặp gỡ các nhà thu mua..., không chỉ sản phẩm nông sản, đặc sản các địa phương, mà nhiều loại hàng hóa và sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có những điều chỉnh kịp thời để đủ tiêu chuẩn vào bán trong siêu thị, sau khi được tư vấn về bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói... 

Đặc biệt, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa đã được hình thành, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh thành, vùng miền.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, sau nhiều năm được triển khai, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa ngày càng mở rộng quy mô, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều. 

Hàng ngàn mặt hàng nông sản, thực phẩm của các địa phương đã được giới thiệu tại thị trường TP.HCM, được nhiều người tiêu dùng TP đón nhận.

Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2020 (diễn ra từ ngày 24 đến 27-9 tại nhà thi đấu Phú Thọ, Q.11, TP.HCM) cũng thu hút sự tham gia của 597 nhà cung ứng của 40 địa phương phía Nam. 

Ngoài các mặt hàng nông sản an toàn của các địa phương, còn có nhiều sản phẩm công nghiệp tiêu dùng thực phẩm chế biến, sản phẩm chủ lực của TP.HCM.

Các doanh nghiệp giới thiệu trực tiếp đến nhà phân phối, người tiêu dùng TP gần 2.000 mặt hàng, trưng bày tại 500 gian hàng. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trong buổi sáng 24-9, gần 600 hợp đồng, biên bản ghi nhớ giữa các nhà cung ứng và phân phối được ký kết, mở ra cơ hội cho sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đến gần người tiêu dùng TP.HCM hơn nữa.

Tăng cường hợp tác trong giai đoạn mới

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP, các chương trình hợp tác thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh thành Đông - Tây Nam Bộ thời gian qua đã phát huy hiệu quả, tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại giữa các bên.

Lũy kế đến nay có 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỉ đồng/năm. Kết nối cung cầu hàng hóa đã trở thành sự kiện quan trọng, giải pháp thiết thực để triển khai hiệu quả chương trình hợp tác, khẳng định thương hiệu, tạo được sức lan tỏa lớn đến các địa phương.

Trong lĩnh vực đầu tư, đã có 28 doanh nghiệp bình ổn thị trường TP đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh thành Đông - Tây Nam Bộ với tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỉ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản đạt 3.200 tỉ đồng/năm.

Những kết quả đạt được là động lực cho sự hợp tác và đòn bẩy mở ra một giai đoạn mới 2020 - 2025. Theo đó, các địa phương sẽ tập trung vào một số giải pháp như phối hợp xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông giữa các địa phương...

Gần 2.000 mặt hàng đặc sản, nông sản tiếp cận người tiêu dùng TP.HCM Gần 2.000 mặt hàng đặc sản, nông sản tiếp cận người tiêu dùng TP.HCM

TTO - Gần 2.000 mặt hàng của 597 nhà cung ứng đã quy tụ tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020 giữa TP.HCM và các địa phương. Sau 8 năm thực hiện, gần 3.190 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện 4.500 tỉ đồng/năm.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên