06/11/2012 06:57 GMT+7

Thừa dân ngay vùng giãn dân

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Hà Nội đang có nhiều khu vực được gọi là “siêu phường” với dân số gấp 2-3 lần một phường bình thường. Thậm chí ở chính những khu vực vốn được xem là nơi phát triển khu đô thị để giãn dân cho nơi khác giờ cũng trở thành “tâm điểm” về tăng dân số cơ học.

KzyPRHnv.jpgPhóng to

Theo lãnh đạo P.Nhân Chính (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), việc nở rộ các nhà cao tầng khiến dân số tăng nhanh (ảnh chụp tại P.Nhân Chính)- Ảnh: Nguyễn Khánh

Sự tăng dân này khiến quy hoạch về trường học, y tế bị phá vỡ.

Tăng dân vì “đẻ” nhiều nhà cao tầng?

Ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), việc gia tăng dân số được ví như diều gặp gió. Ông Nguyễn Văn Thảo, tổ trưởng tổ 27, phường Trung Hòa, cho biết tại thời điểm năm 1997, phường Trung Hòa được thành lập chỉ có 46 tổ dân phố. Sau 15 năm, chỉ tính riêng số tổ dân phố đã tăng lên gần gấp đôi, với 81 tổ.

Ông Thảo cho hay những ngày đầu thành lập, các khu vực của phường Trung Hòa đều thưa vắng nên TP đã chủ trương phát triển các khu đô thị trên địa bàn phường để giãn dân cho các khu vực khác. Tuy nhiên, việc giãn dân thiếu tính toán khoa học dẫn tới thực tế các khu vực tiếp nhận dân giờ trở thành nơi có số lượng dân tăng cơ học cao khủng khiếp.

Vùng đông dân phải dừng nhà cao tầng

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính từ năm 2001 đến nay Hà Nội có 320 nhà chung cư xây mới có chiều cao 6-48 tầng đã đưa vào sử dụng. Ông Tô Anh Tuấn - phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội - khẳng định khi duyệt các dự án nhà cao tầng, việc tăng dân số với quy mô bao nhiêu người quyết định đều biết. Để kiểm soát được tăng dân thì ngay trong quy hoạch phải xác định được những khu vực hạn chế tăng dân. Tương tự, với những khu vực đông dân cần phải dừng việc xây dựng nhà cao tầng vì cho xây nhà cao tầng, cho xây nhà kinh doanh đương nhiên số dân khu vực sẽ tăng.

Theo lý giải của ông Thảo, việc tăng dân không kiểm soát đã trở thành hậu quả và gánh nặng cho hạ tầng y tế, giáo dục. “Việc tăng dân là do chính sách còn kẽ hở và do chính chủ trương không hợp lý tạo ra. Ví như Luật cư trú quy định một trong những điều kiện để nhập khẩu Hà Nội là trường hợp có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Quy định dễ như thế nên khi cần các cá nhân có thể thỏa thuận với nhau, trong khi cái cần quy định là diện tích nhà còn đủ chỗ ở để cho nhập thêm khẩu bên ngoài vào hay không thì không có quy định” - ông Thảo phân tích.

Chưa hết, với số dân của phường lên tới 33.000 dân như hiện nay, theo ông Thảo, việc tăng dân còn bắt nguồn từ việc bùng phát nhà cao tầng. “Những năm đầu phường chưa có dự án nhà cao tầng nào thì số dân vẫn thế. Từ năm 2003, khi các dự án nhà cao tầng nở rộ, nhà người dân mua hợp pháp thì họ được quyền nhập khẩu. Phát triển nhà cao tầng thiếu tính toán đã trở thành chìa khóa hợp pháp hóa việc tăng dân, đó là lỗi của chính sách” - ông Thảo khẳng định.

Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - chủ tịch UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), chỉ sau 15 năm thành lập phường, từ con số khiêm tốn 9.300 dân đến nay số dân đã tăng tới 39.000 người. “Tăng dân như vậy là quá nhanh. Ngày xưa chỉ là làng, bây giờ dân tăng nhanh như vậy là do có quá nhiều nhà cao tầng, nhà tái định cư” - bà Hà nói.

“Vỡ” hết quy hoạch

Theo quy hoạch về phát triển giáo dục của Hà Nội, bình quân một phường có số dân 10.000 người phải có một trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập. Tuy nhiên xét theo tiêu chuẩn này, rất nhiều “siêu phường” của Hà Nội với số dân lên tới 30.000-40.000 người đang thiếu trường công lập. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, cùng với việc tăng dân, các quy hoạch về điện, đường, trường, trạm cũng phải đi kèm.

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội về quản lý chung cư trên địa bàn TP, ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, cho rằng vấn đề kiểm soát dân số đang bị lãng quên. Theo ông Hải, việc tăng dân số cơ học đã làm vỡ mọi quy hoạch.

“Trong quá trình xây dựng quy hoạch, việc xác định quy mô dân số là công việc đầu tiên. Ví như khi lập quy hoạch cho quận Đống Đa, nếu xác định quy mô dân số là 100.000 dân thì các quy hoạch ngành về giáo dục, y tế cũng tương ứng với số dân này. Nếu số dân tăng gấp mấy lần thì các quy hoạch ngành đã lập sẽ bị phá vỡ” - ông Hải khẳng định.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên