Ngày 19-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các kiến nghị của tỉnh nhằm thúc đẩy Lai Châu phát triển nhanh, bền vững.
Cơ cấu kinh tế Lai Châu chuyển dịch tích cực
Theo Tỉnh ủy Lai Châu, thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức do tình hình chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 47,2 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó tỉ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 38,03%, dịch vụ chiếm 40,14%, nông nghiệp chiếm 15,16%.
Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, cây trồng có lợi thế và giá trị gia tăng cao.
Du lịch phát triển khá, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khách du lịch tăng bình quân 33%/năm.
Về công nghiệp, đáng chú ý là tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư dự án khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe với tổng công suất thiết kế khai thác 400.000 - 600.000 tấn/năm quặng đất hiếm nguyên khai...
Tỉnh Lai Châu đề xuất Thủ tướng, các bộ, ngành trung ương xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với việc cấp phép khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ chứa nước, thủy điện, quản lý, cấp phép khai thác nước nóng phục vụ phát triển du lịch và một số chính sách liên quan phát triển rừng.
Đặc biệt, tỉnh Lai Châu đề nghị đầu tư xây dựng một số dự án giao thông kết nối liên vùng như cao tốc Bảo Hà (Lào Cai) - Lai Châu, tuyến nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Đầu tư hầm đường bộ qua đèo Khau Co, cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ thành phố Lai Châu đến cửa khẩu Ma Lù Thàng và nghiên cứu xây dựng cảng hàng không Lai Châu.
Đánh giá kỹ khả năng xây sân bay Lai Châu nếu có hiệu quả
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lai Châu, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Bên cạnh những kết quả, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế, thách thức của Lai Châu, như quy mô kinh tế còn nhỏ, những nút thắt về hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực, thu ngân sách khó khăn.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh Lai Châu phải phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, biến tiềm lực thành nguồn lực và vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu của mình, không trông chờ, ỷ lại.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất hiếm. Quy hoạch, khai thác tiềm năng du lịch trên cao nguyên Sìn Hồ, tạo động lực phát triển mới cho huyện Sìn Hồ và cả tỉnh Lai Châu.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, triển khai, hoàn thành tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Lai Châu tới cửa khẩu Ma Lù Thàng ngắn nhất có thể và sớm nhất có thể, chuẩn bị xong thủ tục trong năm 2024.
Đồng thời nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng khả năng triển khai dự án cảng hàng không Lai Châu theo hướng hợp tác công - tư nếu có hiệu quả...
Thủ tướng cũng cho ý kiến về các đề xuất liên quan khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện nhỏ, điện gió trên bờ, điện sinh khối, các dự án hạ tầng phục vụ mục tiêu bố trí dân cư, bảo vệ biên giới.
Đề nghị Tập đoàn Điện lực phối hợp chặt chẽ với Lai Châu để khai thác tốt hơn các thủy điện trên địa bàn với tổng công suất khoảng 3.000 MW, qua đó bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và hỗ trợ Lai Châu phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương tích cực hỗ trợ Lai Châu, nhất là trong 3 vấn đề đó là chuyển đổi số, làm bằng được các công trình hạ tầng kết nối trong nội tỉnh, kết nối với vùng, với cả nước, quốc tế và hỗ trợ Lai Châu phát triển nguồn nhân lực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận