Xử lý ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi tại Hưng Yên - Ảnh: Cục Thú y cung cấp
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.
Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn nhập lậu.
Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và các địa phương theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng để có giải pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam.
Đồng thời phối hợp các cơ quan liên quan, địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại các hộ, cơ sở chăn nuôi, điểm, cơ sở giết mổ lợn hoặc trong quá trình vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi, dăm bông, xúc xích…
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới, đến nay đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi và đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
Tại Trung Quốc, từ ngày 3-8-2018 đến ngày 17-2-2019, đã có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Đông, gần biên giới với Việt Nam) và đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2 hộ chăn nuôi ở 2 xã của tỉnh Hưng Yên và 6 hộ chăn nuôi tại 1 xã của tỉnh Thái Bình.
Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới rất cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận