09/05/2019 12:42 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc vụ 'bức tử' rừng thông chiếm đất

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Khoan lỗ rồi đổ thuốc diệt cỏ vào thân cây, đẽo vỏ, chặt một gốc để cây chết dần... là những thủ đoạn của "lâm tặc" khiến thông rừng tại Lâm Đồng chết với số lượng lớn, trong đó có những cây thông từ 20 đến hơn 60 năm tuổi.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc vụ bức tử rừng thông chiếm đất - Ảnh 1.

Hơn 100 cây thông của rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai bị đầu độc khi giá đất ở khu vực này tăng đột biến - Ảnh: H.C.ĐÔNG

Khoảng 3.500 cây thông tại xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà) bị triệt hạ bằng cách khoan thân cây đổ thuốc diệt cỏ vừa bị phát hiện mới đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ "bức tử" rừng thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để lấy đất làm rẫy, sang nhượng đất hoặc khai thác gỗ thông trái phép. 

Tuy nhiên đến nay, các cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn.

Nhiều thủ đoạn "bức tử" rừng thông

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 7-5, sau khi khảo sát, khám nghiệm khu vực phá rừng thông tại tiểu khu 292 thuộc xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà), cơ quan chức năng xác định trên 3.500 cây thông rừng gần 20 năm tuổi đã bị các đối tượng "ken cây" bằng hình thức khoan vào gốc, hạ độc bằng thuốc trừ cỏ.

Hơn 10ha cây thông mọc san sát, thẳng tắp đã chết đứng. Cũng tại khu vực này, từ năm 2018 đến nay đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng với mục đích chiếm, giành đất. 

Tuy nhiên, đây không phải là địa chỉ duy nhất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mà rừng thông bị "bức tử" trong thời gian qua.

Dọc tuyến đường 723 (nối Đà Lạt và Nha Trang), tuyến đường liên thôn nối huyện Bảo Lâm - huyện Di Linh có những trảng rừng thông lớn, nhưng chỉ cần quan sát kỹ sẽ thấy trong những trảng thông xanh mướt có nhiều cây héo úa, chết khô. 

Có nhiều chỗ, cây chết nối hàng dài. Đấy thường là điểm tiếp giáp giữa rừng và vườn dân.

Tại Đà Lạt, xen giữa rừng thông xanh là những cây thông chết khô. Cứ cách vài chục mét lại có một cây chết do bị người dân "bức tử". 

Dưới tán rừng thông, cây trồng của người dân đã lấn tới chân những cây thông chết. Nhiều cây thông mọc cạnh nhà dân ngay trong nội thành cũng bị chết tương tự.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc vụ bức tử rừng thông chiếm đất - Ảnh 2.

Một cán bộ kiểm lâm cho biết với lỗ khoan bằng đầu viết rồi bơm thuốc diệt cỏ sau 20 ngày có thể giết chết cây thông 60 năm tuổi - Ảnh: M.VINH

Trong một lần đi kiểm tra rừng cùng lực lượng kiểm lâm, chúng tôi đã chứng kiến những cây thông cổ thụ bị "hạ sát" tại một điểm tiếp giáp vườn dân. 

Khi kiểm tra thân cây thông to bằng hai vòng tay của người lớn, ước khoảng 60 năm tuổi, lực lượng kiểm lâm phát hiện một lỗ nhỏ tương đương đầu ngón tay. Mùi thuốc diệt cỏ bốc ra từ lỗ nhỏ vẫn còn nồng.

Theo ông Đồng Văn Lâm - hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), những cây thông đang có dấu hiệu chết dần đã bị khoan lỗ đổ thuốc diệt cỏ hơn 1 tuần và chỉ khoảng 3 tuần sau, cây sẽ chết hoàn toàn.

Ông Võ Thanh Sơn - hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP Đà Lạt, từng bắt nhiều vụ "bức tử" thông rừng - cũng cho biết các "lâm tặc" có nhiều thủ đoạn tinh vi để phá rừng thông. 

Chẳng hạn, các "lâm tặc" thường dùng khoan di động, loại gắn pin, để không phát ra tiếng động khi khoan thân cây. 

Sau khi khoan lỗ và đổ thuốc xong, "lâm tặc" lột một vỏ thông khác và dùng keo dán lên trên. Vừa giấu vết khoan, vừa hạn chế phát tán mùi thuốc diệt cỏ.

"Nhiều khi phát hiện người đầu độc thông rừng từ xa, lực lượng chức năng đến nơi, tang vật vẫn còn nhưng người vi phạm đã bỏ chạy. Khi lực lượng bảo vệ rừng đi tuần qua nơi khác, họ liền quay trở lại tiếp tục đầu độc cây..." - ông Sơn cho biết.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc vụ bức tử rừng thông chiếm đất - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Sơn (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng)

Rừng mất chỗ nào sẽ trồng lại chỗ ấy, không có chuyện hợp thức hóa, chuyển đổi đất bị mất rừng thành đất có mục đích sử dụng khác.

Ông Nguyễn Văn Sơn (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng)

"Rừng mất chỗ nào trồng lại nơi ấy"

Trong báo cáo được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) công bố vào năm 2018, tính từ năm 2013 đến thời điểm được công bố, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã mất khoảng 90.000ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng thông. Tốc độ mất rừng diễn ra nhanh nhất trong các năm từ 2013 - 2016.

Cũng theo báo cáo, độ che phủ của rừng tại Lâm Đồng vào năm 2010 là 61,2% (có khoảng 602.000ha rừng) nhưng đến năm 2018 chỉ còn 54%. 

Trong khi đó, theo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, chỉ trong 2 năm 2017 và 2018, địa phương đã ghi nhận được hơn 1.600 vụ phá rừng, trong đó chiếm hơn 50% vụ việc không tìm được người vi phạm, chưa kể những vụ "bức tử" rừng thông khác không bị phát hiện.

Ông Nguyễn Khang Thiên - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng - thừa nhận tình hình phá rừng trên địa bàn đang diễn ra phức tạp. 

Nhu cầu đất nông nghiệp cho sản xuất tăng cao, trong khi quỹ đất để cấp cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất có giới hạn nên một số người dân đã đi phá rừng để lén làm rẫy.

Ngoài ra, giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương cũng tăng nên một số người ra sức đi phá rừng thông, sau đó viết giấy tay sang nhượng lại. 

Đa số các vụ đầu độc thông rừng đều xảy ra ở khu vực giáp ranh giữa vườn dân và rừng hoặc đó là khu vực người dân đang cố lấn đất rừng để trồng hoa màu, cà phê...

"Những vùng rừng giáp ranh khu dân cư hoặc khu nông nghiệp thường xuyên bị phá. Việc phá rừng diễn ra âm thầm, không có tiếng động, cây không chết ngay mà phải mất vài ba tuần mới bắt đầu có hiện tượng nên nhân viên quản lý rừng khó phát hiện. 

Đến khi phát hiện thì không còn cứu được cây cũng như không có bằng chứng để xử lý nghi phạm" - ông Thiên nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng - cho biết đa số các vụ phá rừng thông đều là nông dân, thậm chí chính quyền địa phương biết chắc chắn là nông dân trong vùng vì những dấu vết để lại nhưng không bắt quả tang để xử phạt. 

Ngoài mục đích lấy đất trồng cây nông nghiệp, nhiều người dân còn phá rừng thông để chuyển nhượng đất trái phép.

Cũng theo ông Sơn, từng có chuyện nông dân lén phá rừng và chở cây cà phê nhiều năm tuổi đến trồng nhằm tạo tranh chấp, nhưng quan điểm của địa phương này là giải tỏa vùng lấn chiếm và trồng lại rừng. 

"Rừng mất chỗ nào sẽ trồng lại chỗ ấy, không có chuyện hợp thức hóa, chuyển đổi đất bị mất rừng thành đất có mục đích sử dụng khác" - ông Sơn khẳng định.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về việc yêu cầu kiểm tra, xử lý và báo cáo thông tin vụ việc hàng nghìn cây thông bị đầu độc chết trong 10 ngày trên địa bàn huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. 

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an khẩn trương xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-5-2019.

Chưa đủ sức răn đe

rungthongbipha (16) 7(read-only)

Rừng thông tại xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) bị phá chỉ cách UBND xã mấy trăm mét nhưng không hề bị phát hiện cho đến khi người dân phản ánh vào tháng 10-2018 - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo phòng thanh tra pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng), ken cây - đầu độc thông rừng bị xếp vào hành vi phá rừng và khung hình phạt rộng, tùy theo mức độ vi phạm và loại rừng bị phá như rừng sản xuất, rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng.

Người vi phạm có thể bị phạt đến 50 triệu đồng tùy vào diện tích, số lượng cây bị phá.

Nếu có hành vi phá rừng vượt ngưỡng 5.000m2 (rừng sản xuất), 3.000m2 (rừng phòng hộ), 1.000m2 (rừng đặc dụng), người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo cơ quan này, các biện pháp này chưa đủ sức răn đe, chưa kể nhiều thủ phạm các vụ vi phạm chưa bị phát hiện và xử lý nghiêm nên tình trạng "bức tử" rừng thông vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng ngày càng tăng với thủ đoạn tinh vi hơn.

Lập chuyên án điều tra vụ phá hơn 10ha rừng thông

lthien_hadocthongrung 3(read-only)

Hàng ngàn cây thông 20 năm tuổi bị khoan lỗ đổ chất độc vào thân khiến cây chết dần tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: LÂM THIÊN

Liên quan đến vụ hơn 3.500 cây thông trưởng thành tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bị hạ độc, ông Trần Đức Tài - chủ tịch UBND huyện Lâm Hà - thừa nhận đây là vụ phá rừng rất nghiêm trọng và có quy mô lớn nhất từ trước tới giờ trên địa bàn huyện.

Theo ông Tài, UBND huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng lập chuyên án điều tra để đưa vụ việc ra ánh sáng trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, huyện sẽ yêu cầu đơn vị chủ rừng - Công ty nguyên liệu giấy Lâm Hà phải trồng lại toàn bộ rừng mới trên diện tích vừa bị phá.

Trong khi đó, ông Trần Quang Sáng - trưởng Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà - cho biết đơn vị rất lấy làm tiếc vì xảy ra vụ việc trên.

Sau vụ phá rừng thông bị phát hiện, đơn vị này cũng đã có báo cáo huyện và xin chủ trương múc mương bao lô toàn bộ diện tích rừng và đất rừng hơn 55ha nhằm cải tạo đất rừng.

Ngoài ra, đơn vị này còn đề nghị huyện Lâm Hà được tận thu lâm sản trên 10ha rừng vừa bị triệt hạ để có nguồn kinh phí trồng mới lại rừng.

LÂM THIÊN

Không tin nổi khi rừng thông cổ thụ bị đốn ngay trước trạm kiểm lâm Không tin nổi khi rừng thông cổ thụ bị đốn ngay trước trạm kiểm lâm

TTO - Chiều 18-10, ông Lê Văn Hà, hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông), xác nhận đang hoàn tất hồ sơ để chuyển cơ quan công an xử lý vụ phá hàng trăm cây thông ngay trước trạm kiểm lâm.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên