Sáng 4-1, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Việt Nam đã đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết những năm tới, Việt Nam xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế là ưu tiên. Muốn làm được thì phải có nhiều cách huy động nguồn vốn, trong đó cần phát huy vai trò của trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Việt Nam cũng xác định tăng trưởng GRDP các năm tới đây là từ 8% đến hai con số, như vậy tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải tăng từ 45 - 50% mỗi năm. Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 4 - 5 triệu tỉ đồng cho phát triển chung, nhất là để đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải đề ra những động lực tăng trưởng mới, trong đó có việc hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, cùng với việc khởi động và hoàn thành các dự án mang tính trọng điểm quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề: "Việt Nam đã đủ điều kiện thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế chưa?".
Trả lời câu hỏi này, ông khẳng định Việt Nam đã đủ điều kiện và đưa ra 5 yếu tố chứng minh.
Thứ nhất là quy mô kinh tế của Việt Nam đang xếp hạng thứ 33 - 34 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người trên 4.600 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, mục tiêu năm 2025, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng GRDP ít nhất 8% và những năm sau tăng trưởng lên hai con số.
Thứ hai là Việt Nam đang đột phá chiến lược và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hướng tới thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
Thứ ba là tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt hai con số, cao nhất trong khu vực. Vốn hóa thị trường cổ phiếu khoảng 7,2 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 70% tổng GDP năm 2023.
Thứ tư là Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, có độ mở sâu rộng.
Thứ năm là chính trị đất nước ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, môi trường hòa bình hợp tác và phát triển trên khu vực và thế giới, cuộc sống được thanh bình, an ninh, an toàn và an dân.
"Với 5 yếu tố này, tôi khẳng định Việt Nam đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Vấn đề chúng ta quyết tâm đến đâu và cách làm như thế nào", Thủ tướng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra là Việt Nam có địa chính trị thuận lợi, nằm trong khu vực năng động sáng tạo nhất thế giới và Đông Nam Á. Nếu có trung tâm tài chính sẽ kết nối được thị trường tài chính toàn cầu, thu hút được tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới để thúc đẩy nguồn lực hiện hữu.
Đồng thời tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam, tạo sự đột phá phát triển mới.
Thủ tướng nhấn mạnh việc thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là việc tất yếu, là yêu cầu khách quan trong sự phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn vươn mình của đất nước.
Công việc không của riêng ai
Về cách làm, trước mắt Thủ tướng cho rằng phải hoàn thiện thể chế, Chính phủ phải nhanh chóng trình Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách về trung tâm tài chính vào kỳ họp sắp tới.
Ông yêu cầu các bộ ngành, địa phương phối hợp khẩn trương với Chính phủ để thực hiện. Xác định đây là việc khó, phức tạp, chưa có tiền lệ nhưng phải làm, không làm không được, không làm thì đất nước không phát triển…
Bên cạnh đó, phải "Việt Nam hóa" những tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này, học tập kinh nghiệm nhưng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Phải có nguồn nhân lực, có hạ tầng, tổ chức công nghệ quản lý, có sự quyết tâm đồng lòng thống nhất.
"Tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, làm việc gì ra việc đó, dứt điểm việc đó", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM và Đà Nẵng nhanh chóng phê duyệt các cơ chế chính sách đặc thù để hình thành nhanh chóng trung tâm tài chính, xác định phương thức huy động nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực. Các bộ ngành phải sát cánh cùng TP.HCM và Đà Nẵng để thực hiện, nhất là trong việc xây dựng văn bản, quy định.
Ông cũng đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các chính sách, hỗ trợ cùng Việt Nam tìm kiếm các nguồn lực về con người, tài chính.
"Tất cả các chủ thể có liên quan đến nay tư tưởng đã thông, quyết tâm đã cao thì phải cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn. Tinh thần là phân công 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ sản phẩm.
Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, bạn bè quốc tế giúp đỡ cho nên chỉ có bàn làm không bàn lùi. Tinh thần không nói khó mà không làm", Thủ tướng nói.
Với tinh thần này, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương không coi đây là công việc của riêng hai thành phố mà là việc chung của đất nước, toàn hệ thống phải cùng làm, cùng phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận