Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - Ảnh: frontpagemag.com |
Phe đối lập đã đưa đoạn băng này ra trong một phiên họp quốc hội ngày 24-2. Đoạn băng dường như là hàng loạt các cuộc trò chuyện giữa Thủ tướng Erdogan và con trai ông, Bilal. Hai người trong đoạn băng thảo luận về việc làm sao cất giấu những khoản tiền khổng lồ.
Đoạn hội thoại trong băng ghi âm được cho là diễn ra sau cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn có liên quan tới các con trai của ba thành viên nội các. Ông Bilal bị thẩm vấn nhưng không bị giam giữ trong cuộc điều tra.
“Đây không phải là một cuộc tấn công vào Recep Tayyip Erdogan, lãnh đạo của Đảng AK (AKP), mà là cuộc tấn công vào nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan nổi giận ngày 25-2 trong một bài phát biểu hằng tuần trước các nghị sĩ quốc hội là đảng viên của Đảng cầm quyền AKP (Đảng Công lý và phát triển)”.
Ông Erdogan nói đoạn băng ghi âm là “các thông tin bị bóp méo vô đạo đức”. “Họ đang nghe lén những cuộc điện thoại của chính quyền, họ tệ hại đến thế đó”. Ông lên án hàng loạt các nhóm đang vận động hành lang để lật đổ chính quyền.
Ông Erdogan đã cam kết sẽ điều tra tham nhũng trong nội bộ chính quyền nhưng cũng lên án những tin tức nói ông và gia đình dính líu tới các vụ bê bối. Ngày 25-2, sau khi tin tức về đoạn ghi âm xuất hiện, những người biểu tình lại tràn xuống đường phố ở Istanbul. Cảnh sát đã dùng hơi cay và súng để giải tán đám đông.
Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo đảng đối lập Cộng hòa Nhân dân (CHP), đã công bố đoạn băng ghi âm trong một bài phát biểu trước các nghị sĩ CHP. “Hoặc là ông ta (Erdogan) lên máy bay cút ra nước ngoài, hoặc là phải từ chức”, Kilicdaroglu nói.
Hầu hết các kênh truyền hình lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt ngang chương trình để phát trực tiếp bài phát biểu của Kilicdaroglu khi ông bắt đầu công bố đoạn băng. Những đoạn ghi âm các cuộc hội thoại gây tranh cãi đã xuất hiện trên Internet gần như mỗi tuần ở Thổ Nhĩ Kỳ, từ khi cảnh sát bắt giữ các con trai của ba thành viên nội các và hàng chục doanh nhân cũng như các quan chức có liên hệ với chính phủ của Erdogan vào ngày 17-12-2013.
Chính quyền lên án các cuộc điều tra này, nói đó là một âm mưu đảo chính trá hình.
Hàng nghìn cảnh sát đã bị cách chức sau khi cuộc điều tra tham nhũng bắt đầu. Các công tố viên tiến hành cuộc điều tra cũng bị cho thôi việc. Trong khi đó, chính quyền thông qua một đạo luật gây tranh cãi cho phép họ kiểm soát trực tiếp nhánh tư pháp. Chính phủ cũng đang vận động thông qua một dự luật cho phép nhà chức trách đóng cửa các trang mạng mà không cần trát tòa.
Tình hình bất ổn đã kéo dài ở Thổ Nhĩ Kỳ suốt hai tháng qua khi các phe phái tranh giành quyền lực quyết liệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận