14/04/2022 15:25 GMT+7

Thủ tướng: Thi đua, khen thưởng phải thực sự thiết thực, xuất phát từ nhân dân

TTXVN
TTXVN

TTO - Sáng 14-4, tại trụ sở Chính phủ, Hội đồng Thi đua - khen thưởng trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính - chủ tịch hội đồng.

Thủ tướng: Thi đua, khen thưởng phải thực sự thiết thực, xuất phát từ nhân dân - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng Thi đua - khen thưởng trung ương - Ảnh: TTXVN

Tại phiên họp, các thành viên hội đồng đã phát biểu, thảo luận đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021, những điểm nhấn quan trọng, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm và các nhiệm vụ, giải pháp cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2022. Thảo luận, xem xét, đề xuất khen thưởng bậc cao theo quy định của pháp luật.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2021, cùng với thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, giải quyết các vấn đề tồn đọng nhiều năm, chúng ta phải thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đột xuất như tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19 với chủng Delta lây lan mạnh...

Trong bối cảnh đó, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế phục hồi tích cực; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục được quan tâm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân được bảo đảm; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng. 

Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội. Trong thành công chung của cả nước có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19"; phát động các chương trình "Sóng và máy tính cho em", "Chiến dịch ngoại giao vắc xin"... 

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ phát động các phong trào thi đua trọng tâm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) theo nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua đã phát động trước đây.

Thủ tướng khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các phong trào thi đua đã được hưởng ứng trong toàn dân. Qua đó phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng, phát triển đất nước. Công tác thi đua, khen thưởng được tổ chức thực hiện hiệu quả, sát với thực tế, đúng quy định. 

Đặc biệt, công tác thi đua, khen thưởng đã chú trọng việc khen thưởng đột xuất, hướng mạnh về cơ sở và trực tiếp đối với những cá nhân, đơn vị có các thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn bộc lộ một số hạn chế, như: nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng có nơi có lúc chưa đầy đủ, dẫn đến hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua, công tác khen thưởng của một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự sâu sát; công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số nơi còn hạn chế; công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, nhân rộng phong trào chưa được quan tâm; các hoạt động cụm, khối thi đua chưa đồng đều, đa dạng, chưa được duy trì thường xuyên...

Về nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng cho rằng mặc dù thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, song khó khăn thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Do đó, công tác thi đua, khen thưởng phải tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; bám sát thực tiễn để tổ chức thực hiện phù hợp; nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua - khen thưởng các cấp, phát huy hơn nữa trách nhiệm, vai trò của cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thường trong tham mưu thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; tiếp tục rà soát, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những điển hình tiên tiến để nhân rộng, cũng như phát hiện những bất cập cần điều chỉnh trong công tác thi đua, khen thưởng.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục kiện toàn bộ máy thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đổi mới phương pháp làm việc; đào tạo đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng đủ năng lực, phẩm chất; tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, thực hiện các phong trào có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; tổ chức tổng kết, hệ thống lại, đánh giá sâu sắc toàn diện các phong trào thi đua để có thêm kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới thiết thực, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình, phù hợp với nhiệm vụ cụ thể theo từng thời gian, thời điểm để thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ngày càng thực chất, hiệu quả, tránh bệnh hình thức.

Thi đua, khen thưởng phải thực sự thiết thực, hiệu quả, xuất phát từ nhân dân, bắt đầu từ nhân dân; nhân dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của phong trào thi đua; mọi cơ chế, chính sách phải hướng tới nhân dân và vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Về những nhiệm vụ cụ thể, người đứng đầu Chính phủ lưu ý công tác thi đua, khen thưởng tập trung thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cấp ủy các cấp. 

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. 

Đặc biệt, tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" và các phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng phát động gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Thủ tướng lưu ý trong nhiệm kỳ này, các phong trào thi đua cần góp phần thúc đẩy việc xóa 100.000 căn nhà dột nát tại 74 huyện nghèo trong cả nước bằng nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa, trong đó ưu tiên cho người có công, gia đình chính sách, vùng chiến khu cách mạng, những khu vực khó khăn…

Thủ tướng nhấn mạnh công tác thi đua, khen thưởng phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, kịp thời; bảo đảm đúng người, đúng đối tượng; chống tiêu cực.

Sửa Luật thi đua khen thưởng theo hướng giảm báo cáo thành tích lê thê Sửa Luật thi đua khen thưởng theo hướng giảm báo cáo thành tích lê thê

TTO - Theo trưởng Ban Thi đua khen thưởng trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Luật thi đua khen thưởng tới đây sẽ được sửa đổi theo hướng giảm các thủ tục rườm rà, báo cáo thành tích dài lê thê.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên