Ông Ranil Wickremesinghe và người ủng hộ hôm 16-12 - Ảnh: REUTERS
Quyết định tái bổ nhiệm ông Wickremesinghe được Tổng thống Sirisena đưa ra ngày 16-12, tức chưa đầy hai tháng từ lúc sa thải chính ông này và tạo ra bế tắc chính trị ở Sri Lanka.
Động thái trên hứa hẹn sẽ khiến khủng hoảng thuyên giảm, nhưng cũng có thể trở thành khởi đầu cho giai đoạn khó khăn giữa hai nhân vật này, vì họ đang có quan điểm đối nghịch nhau, theo AP.
Đảng Quốc gia Đoàn kết của ông Wickremesinghe đã thông báo trên Twitter rằng ông đã tuyên thệ nhậm chức trước Tổng thống Sirisena. Buổi tuyên thệ được cho đã diễn ra khá kín, với chỉ một vài nghị sĩ tham dự.
Ông Wickremesinghe trong khi đó tuyên bố trước người ủng hộ sau khi tuyên thệ: "Giờ tôi sẽ nhận nhiệm vụ thủ tướng. Thật không may, trong vài tuần qua, tiến trình của đất nước và những chương trình phát triển mà chúng tôi thực hiện đã bị khựng lại. Không chỉ vậy, đất nước còn thụt lùi. Hôm nay chúng tôi cam kết đầu tiên sẽ khiến mọi thứ bình thường trở lại và tiếp diễn chương trình phát triển".
Hồi 26-10, ông Sirisena đột ngột sa thải ông Wickremesinghe, sau đó bổ nhiệm cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa.
Khi đó Wickremesinghe tuyên bố việc loại bỏ ông là hành động phi pháp, còn ông Rajapaksa thì lại không được Quốc hội phê chuẩn vì thiếu hai phiếu thuận.
Rajapaksa dù vậy vẫn tiếp tục làm việc dưới sự bảo trợ của ông Sirisena, trong khi các đối thủ chính trị quyết định đưa vụ việc ra tòa án, dẫn tới việc ông Rajapaksa và nội các phải ngừng hoạt động.
Rajapaksa yêu cầu Tòa án Tối cao gỡ bỏ lệnh cấm nhưng đã bị từ chối, thậm chí còn kéo dài thời gian cấm ra tới giữa tháng 1 năm sau, và ông này đã từ chức vào hôm 15-12.
Thực tế kể từ lúc lệnh cấm hoạt động được đưa ra, Sri Lanka đã rơi vào tình trạng không chính phủ, đồng nghĩa không thể đụng tới ngân sách trong khi thời hạn quốc gia Nam Á phải trả 1 tỉ USD tiền nợ nước ngoài là tháng 1 tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận