03/12/2018 22:17 GMT+7

Lạ kỳ khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Thủ tướng bị cách chức không chịu bị mất chức, thủ tướng được bổ nhiệm không được quốc hội thông qua và bị tòa treo quyền. Sri Lanka đang rơi vào tình thế khủng hoảng lạ kỳ.

Lạ kỳ khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka - Ảnh 1.

Cảnh hỗn loạn trong một phiên họp Quốc hội Sri Lanka ngày 16-11 - Ảnh: REUTERS

Trong một động thái mới nhất làm leo thang cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka, ngày 3-12, tòa phúc thẩm nước này đã ra phán quyết treo quyền thủ tướng của ông Mahinda Rajapakse, đồng thời ngừng hoạt động của chính phủ dưới quyền ông.

Theo hãng tin AFP, tòa cho biết nếu ông Rajapakse tiếp tục lãnh đạo chính phủ, thiệt hại đối với đất nước 21 triệu dân chủ yếu theo đạo Phật "sẽ là không thể sửa chữa được".

Trước đó, ông Rajapakse - tổng thống thứ sáu của Sri Lanka từ tháng 11-2005 đến tháng 1-2015, đã được Tổng thống Maithripala Sirisena bổ nhiệm làm thủ tướng sau khi bất ngờ cách chức thủ tướng của ông Ranil Wickremesinghe ngày 26-10.

Lạ kỳ khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka - Ảnh 2.

Thủ tướng được bổ nhiệm Mahinda Rajapakse vẫy chào người ủng hộ khi đến phiên họp quốc hội ở thủ đô Colombo, ngày 29-11 - Ảnh: REUTERS

Quyết định cách chức được đưa ra sau những bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo này về chính sách kinh tế và cách thức vận hành bộ máy chính phủ.

Trong cuộc họp nội các hồi giữa tháng 10, Tổng thống Sirisena và ông Wickremesinghe đã mâu thuẫn về kế hoạch của chính phủ liên quan tới việc cho nước Ấn Độ láng giềng thuê một cảng biển.

Điều đáng nói là ông Wickremesinghe - người bị cách chức lại từng giúp Tổng thống Sirisena giành chiến thắng trước ứng cử viên đối thủ là Tổng thống Rajapakse trong cuộc bầu cử hồi tháng 1-2015. Và rồi chính ông Rajapakse lại được bổ nhiệm vào vị trí thủ tướng.

Dù không vượt qua được hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, ông Rajapakse vẫn không chịu từ chức. Do vậy đa số nghị sĩ đã đề nghị tòa can thiệp.

Phát biểu với báo giới, luật sư và cũng là nghị sĩ M.A. Sumanthiran cho biết: "Lập luận của 122 nghị sĩ lập hồ sơ kiện là ông Rajapakse không có quyền hợp pháp sau hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm".

Ông Rajapakse và các bộ trưởng trong nội các của ông sẽ phải trình diện trước tòa ngày 12-12 tới.

Lạ kỳ khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka - Ảnh 3.

Tổng thống Maithripala Sirisena nói chuyện với các nhà báo nước ngoài tại nhà ông ở thủ đô Colombo, ngày 25-11 - Ảnh: REUTERS

Phán quyết trên của tòa án đã một lần nữa giáng vào vị thế của ông Rajapakse sau khi Quốc hội đã cắt mọi khoản chi cho văn phòng của ông và tất cả các bộ trong nội các.

Hôm 30-11, Quốc hội Sri Lanka đã bỏ phiếu thông qua việc chặn chi tiêu của tất cả các bộ trong chính phủ với sự ủng hộ của 122 nghị sĩ trong quốc hội gồm 225 thành viên, theo đó đình chỉ chi ngân sách cho tất cả các bộ trưởng và nhân viên.

Tuy nhiên, nghị quyết cho phép ngân khố chi trả lương và lương hưu, cũng như duy trì các dịch vụ thiết yếu.

Đảng của Thủ tướng Wickremesinghe bị cách chức cho biết Quốc hội toàn quyền kiểm soát tài chính vì nội các do ông Rajapakse bổ nhiệm là vi hiến và do đó việc chính phủ này hoạt động là bất hợp pháp.

Nghị quyết trên được thông qua sau khi Liên minh Dân tộc Tamil (TNA), đảng của người thiểu số Tamil, đồng ý ủng hộ liên minh của ông Wickremesinghe. Đảng TNA đang giữ 14 ghế trong Quốc hội, và yêu cầu Tổng thống Sirisena khôi phục chính quyền của ông Wickremesinghe.

Thủ tướng bị cách chức, ông Ranil Wickremesinghe trong khi đó vẫn phản ứng rằng việc ông bị hạ bệ là "vi hiến" và ông không chịu rời khỏi nhà công vụ dành cho thủ tướng.

Lạ kỳ khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka - Ảnh 4.

Thủ tướng bị cách chức Ranil Wickremesinghe (trái) trong phiên họp Quốc hội ở thủ đô Colombo, ngày 29-11 - Ảnh: REUTERS

Ông Ranil Wickremesinghe còn yêu cầu tiến hành một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội để chứng minh ông vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ.

Tổng thống Sirisena ban đầu đã đồng ý triệu tập Quốc hội họp lại dự kiến vào ngày 14-11. Tuy nhiên, vào ngày 9-11, Tổng thống Sirisena lại tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 5-1-2019.

Tổng tống Sirisena đã biện luận cho quyết định của mình như sau: "Nếu tôi cho phép Quốc hội họp vào ngày 14-11, sẽ có bạo lực xảy ra tại Hạ viện và sau đó sẽ lan ra các thành phố và thị trấn của chúng ta. Tôi đã hành động để ngăn chặn rối loạn nội bộ".

Tòa án tối cao Sri Lanka sau đó đã đình chỉ sắc lệnh giải tán Quốc hội của tổng thống, đồng thời ra lệnh ngừng mọi công tác chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sớm.

Ông Rajapakse từng là tổng thống Sri Lanka và giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa chính phủ với lực lượng nổi dậy "Những con hổ giải phóng Tamil" năm 2009.

Ông được xem là người có nhiều công lao, tuy nhiên cũng đang phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng quyền lực và tội ác chiến tranh, điều mà ông luôn bác bỏ.

Chính phủ Sri Lanka hiện đứng trước nguy cơ không thể trình dự thảo ngân sách cho năm 2019 và bước vào năm mới mà không có sự ủng hộ của Quốc hội cho bất kỳ khoản chi tiêu nào.

Hãng xếp hạng tín dụng Moody's mới đây đã hạ bậc xếp hạng của Sri Lanka trong bối cảnh lo ngại quốc đảo này có thể vỡ nợ.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên