Chiều 12-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính (trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước) chủ trì họp phiên thứ hai để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến 4 cấp, từ đầu cầu trụ sở Chính phủ trực tuyến tới hơn 8.600 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các quận, huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.
Đã hoàn thành, bàn giao và đang xây dựng gần 85.000 căn nhà
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ ngay sau phiên họp thứ nhất, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Toàn bộ 58 tỉnh, thành phố có nhà tạm, nhà dột nát đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo không thành lập do không còn nhà tạm, nhà dột nát). Ngoài ra, 50 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai phong trào trên địa bàn.
Kết quả thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã hoàn thành 19/26 nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Thủ tướng. Quỹ "Vì người nghèo" đã tiếp nhận trên 72,4 tỉ đồng; các địa phương đã vận động được hơn 2.300 tỉ đồng.
Theo báo cáo cập nhật của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước đã hoàn thành, bàn giao và đang xây dựng 84.888 căn hộ. Hiện còn khoảng 230.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cần phải tập trung xây dựng, sửa chữa để hoàn thành từ nay đến cuối năm 2025.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra.
Đồng thời, Thủ tướng trân trọng cảm ơn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã thực sự chung tay, hưởng ứng tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của chương trình.
Thủ tướng nêu kết quả đạt được là nhờ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, càng trong khó khăn, thử thách càng phát huy mạnh mẽ. Cùng với đó là chủ trương đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
"Làm việc với tất cả tấm lòng, trái tim, khối óc của mình với những người khó khăn"
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Thủ tướng phê bình: Bộ Xây dựng chưa ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát, đôn đốc thống kê người có công đang khó khăn về nhà ở.
Bộ Tài chính chưa ban hành hướng dẫn phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm 5% chi ngân sách thường xuyên năm 2024 và phân bổ vốn sự nghiệp năm 2025 cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Ngoài ra, 9 địa phương chưa quyết liệt, trách nhiệm chưa cao, chưa ban hành kế hoạch hành động là: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lai Châu, Hưng Yên, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận, Đắk Lắk, Hậu Giang; chưa nghiêm túc báo cáo, thống kê theo quy định.
Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 700 căn trên cả nước; mỗi địa phương phải hoàn thành 12 căn/ngày.
Thủ tướng nhấn mạnh các cấp cần phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần: Ai có gì giúp nấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, ai có của giúp của, ai có tiền giúp tiền, ai có công giúp công.
Đồng thời cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, đề cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Các địa phương phát huy tinh thần tự lực, không trông chờ, ỷ lại, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Về quan điểm, định hướng, Thủ tướng nêu rõ việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát để các địa phương có cơ sở thực hiện. Đồng thời, phải báo cáo trước ngày 20-1 về số liệu người có khó khăn về nhà ở tại thời điểm đó; các trường hợp đặc biệt phát sinh sau đó thì tiếp tục thống kê theo tiêu chí, hướng dẫn.
Bộ LĐ-TB&XH theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch; tự động cập nhật hằng ngày từ cấp xã, đếm ngược số ngày còn lại và số căn nhà tạm, nhà dột nát còn lại phải hoàn thành.
Bộ này cũng được giao kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền khen thưởng những cách làm hay, gương điển hình và xem xét xử lý, kỷ luật những trường hợp chậm tiến độ, không tích cực, thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương chưa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phê bình, kỷ luật và ban hành ngay trước ngày 15-1.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng phân bổ nguồn vốn sự nghiệp năm 2025 để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo, hoàn thành trước ngày 20-1.
Đồng thời, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024; báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-1; miễn thuế thu nhập với việc tham gia các chương trình an sinh xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang, là trách nhiệm cao cả của cán bộ, đảng viên, là tình cảm tương thân, tương ái xuất phát từ trái tim.
"Nặng nề mấy cũng phải làm, khó khăn, thách thức mấy cũng phải vượt qua, phức tạp mấy cũng phải xử lý, vướng mắc mấy cũng phải tháo gỡ, làm việc với tất cả tấm lòng, trái tim, khối óc của mình với những người khó khăn", theo người đứng đầu Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận