Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu đi thăm châu Âu - Ảnh: VGP
Đúng 0h15 ngày 9-12, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường tới Châu Âu. Dự kiến đến 13h giờ Việt Nam (7h sáng giờ địa phương), chuyên cơ sẽ đến Luxembourg, là nước đầu tiên trong lịch trình công tác đến ngày 15-12.
Chuyến công tác của Thủ tướng diễn ra theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, để tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU và thăm chính thức Đại công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ.
Đây là năm thứ hai ASEAN và EU nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Hiện hai bên đang phối hợp thực hiện Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - EU giai đoạn 2023-2027. Sự kiện kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa ASEAN - EU là lần đầu tiên hai khối cùng phối hợp tổ chức tại EU với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các nước thành viên.
ASEAN và EU thiết lập quan hệ đối thoại từ năm 1977, ký Hiệp định Hợp tác ASEAN - EEC vào năm 1980. Sau 45 năm, quan hệ ASEAN - EU đã phát triển năng động, mở rộng bao trùm các lĩnh vực như chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển.
Về kinh tế, EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của ASEAN. Năm 2021, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của ASEAN, với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 268,9 tỉ USD. EU cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 (sau Mỹ) của ASEAN với tổng vốn đầu tư đạt 26,5 tỉ USD. ASEAN là đối tác thương mại ngoài châu Âu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của EU.
Trong đại dịch, EU cam kết triển khai gói "Team Europe" trị giá 800 triệu euro để hỗ trợ ASEAN ứng phó COVID-19 và giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch; bổ sung thêm "Chương trình hỗ trợ Đông Nam Á sẵn sàng ứng phó đại dịch" trị giá 20 triệu euro nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực y tế và điều phối ứng phó dịch bệnh...
Không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa toàn khối với EU, chuyến công tác của Thủ tướng tới châu Âu cũng góp phần tăng cường, củng cố quan hệ giữa Việt Nam với Luxembourg, Hà Lan và Bỉ trong bối cảnh năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và ba nước.
Trong quan hệ với Việt Nam, Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 trong EU, khi thương mại hai chiều đã tăng mạnh lên đến 53,8% so với năm 2020, đạt 4,29 tỉ USD và 10 tháng đầu năm đạt trên 4 tỉ USD. Hiện nước này cũng có 82 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỉ USD, đứng thứ 23/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, Luxembourg là nhà đầu tư lớn thứ 3 của EU tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 2,6 tỉ USD, là một trong những nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Quan hệ Việt Nam - Hà Lan cũng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là về đầu tư, thương mại, nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam.
Trao đổi thương mại song phương năm 2021 đạt 8,37 tỉ USD, tăng gần 10% so với năm 2020; 9 tháng của năm 2022 đạt 8,2 tỉ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Về đầu tư, Hà Lan có 380 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đạt 13,5 tỉ USD.
Tham gia đoàn công tác của Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Khánh Toàn; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn; Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận