Ông Kishida Fumio giơ lên một cuốn sổ ghi chép ông dùng để ghi lại những ý tưởng trong lúc phát biểu và đối thoại với người dân trong một sự kiện vận động tranh cử tại Tachikawa, Tokyo ngày 26-10-2021 - Ảnh: Bloomberg
Thói quen ghi chép này của ông Kishida bắt đầu từ năm 2009.
Ông Noriyuki Shikata, thư ký nội các phụ trách quan hệ công chúng của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản và từng phục vụ nhiều đời thủ tướng, tiết lộ với Tuổi Trẻ thêm nhiều câu chuyện thú vị về thái độ lắng nghe người dân và tầm nhìn phát triển đất nước trong thời đại mới của Thủ tướng Kishida Fumio.
Ông Noriyuki Shikata, thư ký nội các phụ trách quan hệ công chúng của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản
Thủ tướng lắng nghe dân
* Được biết Thủ tướng Kishida rất gần dân và ông có khoảng 30 cuốn sổ ghi chép những ý kiến đóng góp, trao đổi của người dân. Ông có thể nói thêm về những cuốn sổ đặc biệt này?
- Thủ tướng Kishida rất để tâm lắng nghe tiếng nói từ người dân. Kể từ khi trở thành thủ tướng, ông đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại nhóm nhỏ và thăm các cơ sở y tế, quán hàng ở Nhật và những nơi từng bị ảnh hưởng trong thảm họa kép động đất, sóng thần hồi tháng 3 năm 2011 để lắng nghe người dân.
Còn về câu chuyện "những cuốn sổ tay ghi chép của ông Kishida", Thủ tướng từng chia sẻ về chuyện này trong ấn bản tạp chí Bungei Shunju tháng 11 năm ngoái như thế này: "Tôi đã giữ những cuốn sổ này kể từ khi Đảng Dân chủ tự do mất quyền lực năm 2009, hơn 10 năm trước. Hiện tôi có khoảng 30 cuốn sổ.
Mọi người thường yêu cầu tôi ghi chép ngay tại chỗ, nhưng rất khó để vừa nói chuyện với mọi người vừa ghi chép. Vậy nên tôi chỉ lắng nghe lúc ấy rồi sau đó ghi lại những gì ấn tượng với tôi sau khi nói xong hoặc trước khi tôi đi ngủ. Đôi khi tôi cũng ghi vắn tắt lại các ý sau khi người đó rời đi".
* Thủ tướng Kishida đang thúc đẩy "hình thái mới của chủ nghĩa tư bản". Ông có thể chia sẻ thêm về việc này?
- Chúng tôi đang đối mặt với một số thách thức, trong đó có biến đổi khí hậu, chuyển đổi xã hội số, gia tăng khoảng cách thu nhập và tăng số người nghèo, thường xuyên thiếu nguồn đầu tư trung và dài hạn, bất bình đẳng giữa các khu vực nông thôn và thành thị, những thách thức với nền dân chủ do tầng lớp trung lưu thu hẹp, và những căng thẳng mới bất ngờ trong địa chính trị và địa kinh tế.
Trong bối cảnh đó, chính phủ của Thủ tướng Kishida sẽ nỗ lực chèo lái, đưa kinh tế và xã hội Nhật tới một thời đại mới trong khi vẫn bảo vệ các giá trị dân chủ phổ biến. Để đạt được điều này, chính phủ, ngành công nghiệp và các lãnh đạo nghiệp đoàn phải phối hợp với nhau để tạo ra xu hướng lịch sử với sự thay đổi mô hình chính trị ở cấp độ toàn cầu.
Nhật Bản quyết tâm dẫn dắt xu hướng toàn cầu đó với "hình thái mới của chủ nghĩa tư bản" và sẽ đưa ra những mẫu hình cụ thể về việc chủ nghĩa tư bản có thể "tiến hóa" như thế nào khi chúng tôi đảm nhiệm vị trí chủ tịch G7 năm tới.
Chính sách trung tâm trong nỗ lực này là tạo ra một "chu trình đạo đức" của tăng trưởng và phân phối. Ở đó, chúng tôi tập trung vào một chiến lược phân phối đảm bảo mọi thành tựu phát triển sẽ được dùng làm nhân tố xúc tác để đầu tư vào các nguồn lực con người và để tăng lương, tăng thu nhập.
Chính phủ của ông Kishida tin rằng việc theo đuổi tăng trưởng là vô cùng quan trọng, nhưng nếu không có sự phân phối hợp lý thì sẽ không có sự đầu tư cần thiết vào các nguồn lực con người để thúc đẩy những tăng trưởng tiếp theo.
Thủ tướng Kishida tham dự một lớp học mô phỏng bàn về chuyển đổi số trong tháng 11-2021 - Ảnh: Japan.kantei.go.jp
Mục tiêu "Cộng đồng châu Á không phát thải"
* Trong cuộc gặp thượng đỉnh năm ngoái, Thủ tướng Kishida đã hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị COP26 hồi cuối năm ngoái rằng Việt Nam đặt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2050. Vậy Chính phủ Nhật muốn đóng vai trò ra sao trong mục tiêu đạt trung hòa carbon ở châu Á?
- Vấn đề biến đổi khí hậu cho thấy rõ hơn những khía cạnh tiêu cực của chủ nghĩa tư bản. Những thất bại thị trường ("thất bại thị trường" là thuật ngữ kinh tế học miêu tả tình trạng thị trường không phân bổ thật hiệu quả các nguồn lực - PV) bắt nguồn từ việc quá chú trọng vào hiệu suất, thiếu bền vững và những bất bình đẳng môi trường giữa các nước giàu và nghèo. "Vấn đề ưu tiên" này có thể vượt qua bằng cách hiện thực hóa một "hình thái chủ nghĩa tư bản mới".
Một điểm quan trọng là Nhật Bản sẽ dùng công nghệ, hệ thống, kiến thức chuyên môn về hydro và amoniac để đóng góp vào quá trình phi carbon hóa của thế giới, nhất là ở châu Á, và để tiên phong trong các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như phát triển hạ tầng quốc tế cùng các nước châu Á khác.
Mục tiêu của chúng tôi là hợp tác với các nước đồng quan điểm ở châu Á để tạo nên một cộng đồng có thể được gọi là "Cộng đồng châu Á không phát thải".
Giống như Liên minh châu Âu từng khởi đầu từ một Cộng đồng than thép châu Âu trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, Nhật Bản hình dung về một "Cộng đồng châu Á không phát thải" tại châu Á, nơi những thách thức cả về địa chính trị và địa kinh tế đều đang tăng.
Cộng đồng này sẽ trở thành nền tảng để thúc đẩy những nỗ lực liên quan, như các đầu tư chung quốc tế vào sự phát triển các công nghệ không phát thải và cơ sở hạ tầng hydro, cấp vốn liên kết, tiêu chuẩn hóa các công nghệ liên quan và thành lập một thị trường giao dịch khí thải carbon châu Á.
* Còn về "Tầm nhìn về quốc gia thành phố vườn kỹ thuật số" mà Thủ tướng Kishida đang thúc đẩy có nội dung gì đáng chú ý, thưa ông?
- Nhật Bản sẽ thúc đẩy "Tầm nhìn về quốc gia thành phố vườn kỹ thuật số" như một trong những chiến lược cốt lõi để chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID-19 và để tái kích hoạt nền kinh tế.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra môi trường lý tưởng để tiến hành số hóa, khi nó khiến mọi người nhận ra các công nghệ số thuận tiện thế nào. Cùng với đó, nhiều người trong chúng ta đã nhận ra sức mạnh của công nghệ số là không thể tách rời trong việc giải quyết các vấn đề xã hội trong bối cảnh dân số giảm tại các vùng nông thôn và dân số già hóa - đó là những vấn đề Nhật Bản đang đối mặt.
Tận dụng cơ hội này, chúng tôi sẽ liên tục thúc đẩy tiến trình số hóa của nước Nhật. Mấu chốt của việc này là hạ tầng.
Chính quyền của ông Kishida sẽ xem xét, đánh giá 40.000 quy định quản lý và các hệ thống theo nguyên tắc định hướng mới của số hóa. Định hướng này cũng thiết lập các nguyên tắc về cách thức số hóa của xã hội Nhật.
Chúng tôi cho rằng việc tạo ra một thị trường mới bằng cách thiết lập những nguyên tắc mới với sự chú ý tới các công nghệ tiên phong như drone, xe tự lái, cũng như các tiến bộ gần đây trong các lĩnh vực y tế, giáo dục là điều quan trọng.
Ông Noriyuki Shikata (trái) ngồi cạnh Thủ tướng Kishida trên máy bay khi tháp tùng lãnh đạo Nhật tới dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại TP Glasgow, Vương quốc Anh tháng 11-2021 - Ảnh: NVCC
Hy vọng Việt - Nhật có những bước tiến dài
* Nhân dịp đầu năm mới, ông có chia sẻ gì về quan hệ Việt - Nhật?
- Khi Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật vào tháng 11-2021, tôi có nói khi trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ rằng "quan hệ Nhật - Việt đang ở mức tốt đẹp nhất", và rằng "chúng tôi hiểu tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai của Việt Nam".
Năm nay, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để vượt qua đại dịch COVID-19 và khôi phục nền kinh tế. Chúng ta sẽ cùng hướng về năm 2023, đó là dấu mốc với hai nước chúng ta vì là dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúng tôi hy vọng năm 2022 này sẽ là một năm phát triển tuyệt vời cho quan hệ song phương.
Cuối cùng, năm nay là năm con hổ, linh vật này có nghĩa "những xu hướng mới đang xuất hiện và sẽ mang lại sự phát triển lớn". Trong năm 2022, chúng tôi hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ sớm bị đẩy lùi đáng kể và quan hệ Nhật - Việt sẽ có thêm những bước tiến dài về phía trước.
Cầu chúc một năm thật hạnh phúc với tất cả mọi người!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận