Khoảng 13 g ngày 23-3, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến viếng và ghi sổ tang tưởng niệm cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tại nhà riêng của Đại sứ cộng hoà Singapore tại Việt Nam Ng Teck Hean - Ảnh: Nguyễn Khánh |
“Tôi rất xúc động được tin Ngài Lý Quang Diệu, người cha già của nhân dân Singapore, đã từ trần. Thay mặt chính phủ, nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi tới Chính phủ và nhân dân Singapore lời chia buồn sâu sắc nhất,” Thủ tướng Dũng viết trong sổ tang.
“Sự ra đi của Ngài Lý Quang Diệu là một mất mát vô cùng to lớn, không chỉ đối với Singapore mà với Cộng đồng ASEAN nói chung. Những cống hiến to lớn của Ngài Lý Quang Diệu cho Singapore cùng những tư tưởng của Ngài về xây dựng, phát triển quốc gia sẽ là nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ mai sau".
"Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Ngài Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam. Tôi mong chính phủ và nhân dân Singapore sớm vượt qua thời khắc đau thương này,” |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết |
Chia sẻ mất mát với Đại sứ Singapore Ng Teck Hean, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bày tỏ rằng sự ra đi của ông Lý Quang Diệu không chỉ là mất mát của Singapore mà còn là mất mát của Việt Nam.
“Tôi là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Kết nối Kinh tế Việt Nam - Singapore. Tôi xin chia sẻ với đất nước và nhân dân Singapore trước sự mất mát vô cùng to lớn này. Ngài Lý Quang Diệu còn là một người bạn rất lớn, rất chân tình của chính phủ và nhân dân Việt Nam trong những năm qua. Sự ra đi của ông cũng là mất mát của Việt Nam,” Bộ trưởng Bùi Quang Vinh xúc động nói với Đại sứ Singapore Ng Teck Hean.
Trước đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh viết trong sổ tang: “Vô cùng thương tiếc cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người sáng lập và phát triển đất nước Singapore, đồng thời là người bạn lớn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam”.
Đại sứ các nước Indonesia, Brunei, Palestine, Venezuela… và những công dân Singapore đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam cũng đã đến viếng và ghi sổ tang tưởng niệm ông Lý Quang Diệu.
Lễ viếng và ghi sổ tang được tổ chức tại nhà riêng Đại sứ Singapore Ng Teck Hean ở số 2A Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội và sẽ kéo dài đến Thứ sáu ngày 27-3.
Việt Nam điện chia buồn Được tin Ngài Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew), nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore từ trần, ngày 23-3-2015, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chia buồn tới Ngài Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong), Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân (PAP) Singapore. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn tới Ngài Tony Tan Keng Yam, Tổng thống Singapore. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn tới Ngài Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn tới Ngài K. Shanmugam, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore. |
Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh tới viếng và ghi sổ tang tưởng niệm cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tại nhà riêng của Đại sứ cộng hoà Singapore tại Việt Nam Ng Teck Hean - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Lời điếu của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Một vị khách nước ngoài bùi ngùi khi nhìn vào di ảnh cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Bình Dương tưởng nhớ cố Thủ tướng Lý Quang Diệu
Ngày 23-3, UBND tỉnh Bình Dương đã gặp gỡ một số cơ quan báo chí để bày tỏ sự tưởng nhớ trước thông tin cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu qua đời. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là người có sự quan tâm đặc biệt tới sự hình thành các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tiên tại Bình Dương. Tới nay, hệ thống các khu công nghiệp VSIP đã phát triển tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, là thành quả tiêu biểu trong mối quan hệ hợp tác giữa Singapore và Việt Nam. Theo ông Trần Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - từ năm 1995, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã trực tiếp đến tận tơi khảo sát địa điểm dự kiến xây dựng khu công nghiệp VSIP đầu tiên tại thị xã Thuận An, Bình Dương. Năm 1997, khi văn phòng của KCN VSIP đầu tiên còn chưa xây xong, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tới từng khu nhà xưởng để thăm và lắng nghe kế hoạch phát triển của KCN. Sau này, khi làm Bộ trưởng cố vấn cao cấp của Singapore, ông Lý Quang Diệu tiếp tục hai lần tới thăm các KCN VSIP tại Bình Dương vào các năm 2007, 2009. Tới nay, sau gần 20 năm phát triển, hệ thống các KCN VSIP đã hình thành tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước: VSIP 1, VSIP 2 Bình Dương; VSIP Bắc Ninh, VSIP Hải Phòng, VSIP Quảng Ngãi. Và dự kiến sắp tới là VSIP Nghệ An. Trong đó, VSIP 1 với tổng diện tích 500 ha tới nay đã cho thuê được 100%, tổng vốn đầu tư lên tới 2,7 tỉ USD. VSIP 2 (cả hai giai đoạn) có tổng diện tích hơn 2.000 ha, đã thu hút hơn 2,5 tỉ USD… Các KCN VSIP được đánh giá là các khu công nghiệp sạch, được đầu tư bài bản và có hiệu quả rất tốt, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận