Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí cho đường tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là 1 trong 3 trạm đặt ngoài phạm vi dự án - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã lắng nghe Bộ Giao thông vận tải báo cáo việc rà soát các dự án BOT và một số phương án, biện pháp triển khai chủ trương này trong thời gian tới. Đồng thời nghe các ý kiến từ bộ ngành, địa phương liên quan đến BOT đường bộ.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định việc xã hội hóa nguồn lực trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, nhất là trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp là điều cần thiết, là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Thời gian qua chủ trương trên cơ bản được triển khai tốt, những mặt được là cơ bản. Các dự án BOT đã được kiểm tra, kiểm toán để loại bỏ những chi phí bất hợp lý trong quá trình xây dựng.
Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới cần tập trung khắc phục các tồn tại, yếu kém, bất cập bao gồm thời gian thu, mức thu, miễn giảm giá cho người dân khu vực và nhất là loại bỏ chi phí bất hợp lý của các trạm BOT.
Thủ tướng đánh giá cao con số giảm 20% tổng mức đầu tư được duyệt đối với các dự án BOT sau khi thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần công khai, minh bạch trong triển khai dự án BOT.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 82 của Thủ tướng về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm BOT. Trong đó, xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội, gây ùn tắc giao thông.
Đồng thời cần làm tốt công tác truyền thông để người dân thấu hiểu và ủng hộ việc thực hiện chủ trương xã hội hóa này.
Thủ tướng nhất trí với lộ trình chuyển sang thu phí tự động không dừng như báo cáo của Bộ GTVT và đề nghị sớm công bố cho người dân, doanh nghiệp biết, giám sát.
Với thu phí tự động, Thủ tướng yêu cầu đấu thầu công khai để chọn đơn vị cung cấp công nghệ; công khai, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình lưu thông; bảo mật thông tin của người sử dụng phương tiện…
Được biết từ năm 2016 đến nay Bộ GTVT đã chủ động dừng 13 dự án BOT gồm 11 dự án đường bộ và 2 dự án đường thủy do không phù hợp với định hướng đầu tư theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Từ tháng 4-2014, Bộ GTVT đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các dự án BOT trước khi quyết toán để quản lý chặt chẽ chi phí. Đến nay, đã có 108 kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán.
Trên cơ sở rà soát các kết quả thanh tra, kiểm toán, Bộ GTVT đã quyết toán một phần hoặc toàn bộ chi phí 54 dự án BOT, BT với giá trị quyết toán giảm khoảng 20% so với tổng mức đầu tư được duyệt.
Theo Bộ GTVT, hiện nay có 88 trạm BOT trên các quốc lộ, trong đó bộ quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), UBND các tỉnh quản lý 15 trạm (11 trạm đang thu, 4 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư).
Về khoảng cách: có 58 trạm có khoảng cách liền kề trên 70km, 10 trạm có khoảng cách 60-70km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60km.
Về vị trí trạm: có 56 trạm đặt trên các tuyến quốc lộ hoàn vốn cho dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ, xây dựng các cầu mới.
Có 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án (Tào Xuyên, Cầu Rác, Bắc Thăng Long - Nội Bài), các trạm này do lịch sử để lại khi tận dụng các trạm thu nộp ngân sách nhà nước chuyển sang thu hoàn vốn các dự án BOT.
Có 6 trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh: Nam Cầu Giẽ, Bến Thủy, Quán Hàu, Trảng Bom, tuyến tránh TP Sóc Trăng, Cai Lậy.
Có 6 trạm thu cả trên quốc lộ và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành thuộc 4 dự án: quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, quốc lộ 3 - Thái Nguyên - Chợ Mới, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Có 2 trạm La Sơn - Túy Loan (đặt trên dự án La Sơn - Túy Loan), trạm Nam Hải Vân thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng hầm đèo Cả (hạng mục hầm Hải Vân).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận