06/12/2021 13:52 GMT+7

Thủ tướng Campuchia muốn thống tướng Myanmar dự họp với ASEAN

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - "Đã là một thành viên của gia đình ASEAN thì phải có quyền tham dự các cuộc họp", Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói về khả năng lãnh đạo Myanmar trở lại các hội nghị ASEAN vào năm tới, năm Campuchia làm Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Thủ tướng Campuchia muốn thống tướng Myanmar dự họp với ASEAN - Ảnh 1.

Thủ tướng Hun Sen sắp gặp ngoại trưởng Myanmar do chính quyền quân sự chỉ định - Ảnh: REUTERS

"Theo Hiến chương ASEAN, không ai có quyền trục xuất thành viên khác", nhà lãnh đạo Campuchia nêu quan điểm khi dự khánh thành một tuyến đường tại tỉnh Prey Veng ngày 6-12.

Campuchia sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2022 và tổ chức các hội nghị cấp cao của khu vực. Việc Myanmar có trở lại các hội nghị do Campuchia làm chủ nhà hay không là một trong những vấn đề được giới quan sát chú ý.

Một hội nghị đặc biệt của các ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 10 đã quyết định không mời thống tướng Min Aung Hlaing, người lên nắm quyền ở Myanmar sau cuộc chính biến tháng 2-2021. Các ngoại trưởng ASEAN cũng nhất trí mời "đại diện phi chính trị" của Myanmar đến dự hội nghị.

Tuy nhiên, cuối cùng không có đại diện nào của Myanmar tại chuỗi hội nghị ASEAN thứ 38, 39 và gần đây nhất là hội nghị đặc biệt giữa ASEAN với Trung Quốc hôm 22-11.

Theo Thủ tướng Hun Sen, Myanmar là một thành viên của gia đình ASEAN nên nước này có quyền tham dự các cuộc họp của khối. Nhà lãnh đạo Campuchia cũng tuyên bố "nhiều khả năng" ông sẽ đến Naypyidaw để gặp tướng Min Aung Hlaing để "làm việc".

"Nếu tôi không làm việc với lãnh đạo, tôi có thể làm việc với ai đây?", ông Hun Sen lập luận và cho rằng để duy trì sự đoàn kết và thịnh vượng của ASEAN, "sự đồng thuận là ưu tiên hàng đầu".

Hồi tuần trước, ông Hun Sen tuyên bố sẵn sàng sang Myanmar đối thoại mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. 

Theo Hãng thông tấn Campuchia (AKP), ông Wunna Maung Lwin - người được chính quyền Myanmar chỉ định làm ngoại trưởng - đã đến nước này và sẽ gặp Thủ tướng Hun Sen vào ngày mai 7-12.

Myanmar rơi vào bất ổn từ sau cuộc chính biến tháng 2. Việc các ngoại trưởng ASEAN nhất trí không mời tướng Min Aung Hlaing là động thái đáng chú ý, do 10 nước này duy trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ các nước thành viên.

ASEAN đã bổ nhiệm đặc phái viên của khối về Myanmar dựa trên sự thống nhất giữa Myanmar và các nước còn lại. 

Tuy nhiên cho đến nay đặc phái viên này vẫn chưa được đến Myanmar vì những tranh cãi xung quanh yêu cầu gặp các lãnh đạo dân sự bị quân đội Myanmar bắt giữ.

Mỹ và đồng minh kêu gọi cấm vận vũ khí Myanmar để chấm dứt bạo lực Mỹ và đồng minh kêu gọi cấm vận vũ khí Myanmar để chấm dứt bạo lực

TTO - Lo ngại về các "hành động hung tàn tương lai", Mỹ và 6 nước đồng minh thúc giục cộng đồng quốc tế ngừng cung cấp vũ khí cho quân đội Myanmar và thúc giục chính quyền hiện tại ở Naypyidaw chấm dứt mọi bạo lực trong nước.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên