Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm từ một người dân ở thành phố Sydney (Úc) vào ngày 28-7 - Ảnh: AFP
11h trưa 28-7 (giờ địa phương), tức hai ngày trước khi hết thời hạn phong tỏa thành phố Sydney (30-7), tôi chăm chú theo dõi trực tiếp buổi họp báo của bà Gladys Berejiklian, thủ hiến bang New South Wales (NSW), trên truyền hình.
1. Như thường lệ, bà Berejiklian thông báo số liệu chi tiết về dịch COVID-19 trong 24 giờ qua: 177 người mắc COVID-19 trong ngày 27-7 (tăng so với 172 ca ngày 26-7), 165 người phải nhập viện, 56 người được đưa vào phòng ICU, 22 người đang được thở máy và một cụ bà 90 tuổi vừa qua đời tối qua vì không tiêm vắc xin.
Bước sang tuần phong tỏa thứ 5 kể từ ngày 26-6, Sydney vẫn chưa thể khống chế dịch bệnh do biến thể Delta quá nhanh, quá nguy hiểm. Ca nhiễm vẫn không ngừng tăng trong cộng đồng.
Cho nên, việc bà Berejiklian thông báo gia hạn phong tỏa thêm 4 tuần (đến ngày 28-8) không khiến người dân cảm thấy quá sốc. Đây sẽ là lệnh phong tỏa dài nhất, kéo dài ít nhất 9 tuần, đối với Sydney kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Úc năm ngoái.
Gia hạn lệnh phong tỏa đồng nghĩa với sự mệt mỏi về tinh thần và thể xác tăng cao. Nhưng tôi đặt niềm tin vào chính quyền, đồng thời tự an ủi bản thân và các con rằng ở nhà vẫn sẽ yên tâm hơn đi ra ngoài đường vào giai đoạn này.
Riêng chồng tôi vẫn được phép đi làm vì làm việc trong ngành thiết yếu. Nhưng anh ấy phải tuân thủ "ngoáy mũi" để xét nghiệm COVID-19 mỗi 3 ngày một lần. Ai chẳng may dương tính với virus, buộc phải nghỉ làm.
2. "Tôi cũng buồn và mệt mỏi như tất cả các bạn khi chúng ta không thể hạ thấp số ca nhiễm như mong muốn vào thời điểm này, nhưng đây là thực tế", bà thủ hiến Berejiklian nói trong buổi họp báo hôm 28-7.
Có lẽ để chia sẻ với sự mệt mỏi của người dân, bà Berejiklian đã thông báo những thông tin tích cực liên quan đến trợ cấp và vắc xin.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 28-7, tất cả ai trên 18 tuổi trong vùng tây nam Sydney có thể đi đến thẳng những nơi tiêm chủng được chính phủ cho phép để tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mà không phải lấy hẹn trước.
Chính quyền cũng chia sẻ với nỗi lo tài chính của người dân bằng cách tăng trợ cấp. Theo đó, trong 4 tuần tới, các cá nhân bị ngưng việc sẽ được tăng trợ cấp. Ai làm việc trên 20 tiếng/tuần sẽ được tăng mức trợ cấp từ 600$/tuần lên
Ai làm việc dưới 20 tiếng/tuần sẽ nhận 475$/tuần, thay vì
Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng được chính phủ tăng mức hỗ trợ. Tùy mức độ thiệt hại, doanh nghiệp có thể được trợ cấp lên đến 100.000$/tuần.
Cũng tại họp báo hôm 28-7, bà Berejiklian thông báo các doanh nghiệp xây dựng được phép hoạt động trong giai đoạn phong tỏa vì đây là lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế. Dù vậy, nhiều chuyên gia lo ngại, cứ phong tỏa kéo dài và liên tục như vậy, Úc nhiều khả năng phải trải qua lần suy thoái kinh tế thứ 2.
Chia sẻ với sự mệt mỏi của người dân, bà thủ hiến bang NSW cũng khuyên người dân đi tập thể dục ngoài công viên để giảm stress. Người dân được phép ra ngoài công viên tập thể dục trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
3. Lệnh phong tỏa khiến khu Fairfield, nơi tập trung nhiều người Việt sinh sống ở Sydney, vắng tanh; không còn cảnh đi bộ tấp nập, la cà quán xá như trước. Nhưng quang cảnh này đã phản ánh thực tế rằng cộng đồng người Việt nói riêng và người châu Á nói chung rất có ý thức phòng dịch và tuân thủ quy định của chính quyền.
Hầu hết người Việt đều tuân thủ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và khai báo y tế khi đi chợ, siêu thị, mua thức ăn. Trong thời gian phong tỏa, các dịch vụ thiết yếu vẫn được chính quyền đáp ứng: siêu thị, chợ, quán ăn và nhà hàng bán mang về. Tuy nhiên, cư dân khi đi ra ngoài "bị bắt buộc" phải quét mã QR để khai báo y tế, thay vì "được khuyến khích" như trước đây.
Trong một bức tranh tương phản, ở Sydney vẫn còn nhiều người ích kỷ, chỉ biết đến bản thân. Cuối tuần qua, khoảng 3.500 người không mang khẩu trang tụ tập biểu tình đòi dỡ bỏ phong tỏa, tẩy chay vắc xin, khẳng định virus corona không có thật, thậm chí xô xát với cảnh sát. Nhiều người quá khích đã bị bắt và phạt tiền. Họ tất nhiên bị lên án mạnh mẽ vì có khả năng làm lây lan dịch bệnh, gây bất ổn xã hội vốn đã quá căng thẳng do dịch bệnh.
Tôi không rõ khi nào lệnh phong tỏa sẽ chấm dứt, vì biến chủng Delta vẫn còn là ẩn số. Xem truyền hình và báo chí, có chuyên gia dự đoán cuối tháng 9 Sydney có thể kiểm soát được dịch, nhưng cũng có người bi quan hơn khi dự đoán dịch bệnh có thể kéo dài đến tháng 12.
Hầu hết người dân thành phố Sydney đang ngộp thở và bí bách vì bị "bó chân, bó gối" trong nhà do lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt khác. Nhưng tôi nghĩ nước Úc và Sydney không còn lựa chọn nào khác bởi không thể sống chung với virus khi tỉ lệ tiêm chủng còn khá thấp - hơn 22% dân số được tiêm đủ vắc xin tính đến 28-7.
Ước mong lớn nhất của gia đình tôi bây giờ là Sydney và nước Úc sớm trở lại trạng thái bình thường mới, để tôi có thu nhập, bọn trẻ được đến trường, cả gia đình tôi sớm về Việt Nam thăm người thân như kế hoạch.
Đòi hỏi tự do, thoải mái trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này rõ ràng là một "sự ích kỷ" (selfish) và "tự chuốc lấy thất bại" (self-defeating), đúng như lời Thủ tướng Úc Scott Morrison bức xúc gọi 3.500 người biểu tình ở Sydney cuối tuần qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận