24/10/2024 17:02 GMT+7

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức: Bỏ giấy chuyển tuyến triệt tiêu y tế cơ sở, vỡ trận tuyến trên

Bỏ giấy chuyển tuyến lên bệnh viện cấp chuyên sâu có thể triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở, và làm vỡ trận bệnh viện tuyến trên.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức: Bỏ giấy chuyển tuyến triệt tiêu y tế cơ sở, vỡ trận tuyến trên - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức, thứ trưởng Bộ Y tế - Ảnh: TIẾN LONG

Chiều 24-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Dữ liệu.

Tại tổ đại biểu TP.HCM, đại biểu Nguyễn Tri Thức - thứ trưởng Bộ Y tế - phát biểu thảo luận ở vai trò vừa là thứ trưởng Bộ Y tế, vừa là người từng là giám đốc một bệnh viện trung ương lớn (Bệnh viện Chợ Rẫy).

Theo ông Thức, dự thảo có một số nội dung quy định nếu được áp dụng sẽ rất có lợi cho người dân. Trong đó có quy định xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh.

"Một em sinh viên người Thanh Hóa ra Hà Nội học đăng ký khám chữa bệnh tại Hà Nội, đến hè về Thanh Hóa nếu có đi khám, chữa bệnh lại coi là trái tuyến, điều này vô lý nên dự thảo lần này bỏ quy định này", ông Thức lý giải.

Trước đây quy định bảo hiểm y tế sẽ phân bổ mỗi năm một hạn mức tiền cố định cho từng bệnh viện tuyến dưới. Nếu chuyển bệnh nhân lên, bệnh viện tuyến trên sử dụng bao nhiêu thì bệnh viện tuyến dưới phải chịu khoản tiền đó trừ vào hạn mức. Do vậy bệnh viện tuyến dưới ngại không chuyển. Bây giờ quy định bỏ rồi, bệnh viện không còn ngại chuyển.
THỨ TRƯỞNG BỘ Y TẾ NGUYỄN TRI THỨC

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết có nhiều đại biểu, cử tri kiến nghị bỏ giấy chuyển tuyến giữa các cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên ý kiến cá nhân ông và nhiều giám đốc bệnh viện cho rằng nếu bỏ chỉ nên bỏ ở cấp ban đầu và cấp cơ bản. Từ hai cấp dưới lên cấp chuyên sâu nên có giấy chuyển tuyến.

Lý giải kỹ việc này, theo ông Thức, giấy chuyển tuyến có vai trò quan trọng và rất cần thiết trong ngành y. Giấy này có vai trò tóm tắt bệnh án, từ đó bác sĩ bệnh viện tuyến trên có thể đọc được các triệu chứng, biểu hiện ban đầu cũng như diễn tiến bệnh và quá trình điều trị ban đầu của bệnh nhân.

Việc này giúp cho việc chẩn đoán và điều trị sau này tốt hơn. Nếu không có tóm tắt bệnh án sẽ khó chẩn đoán và "có hại" cho bệnh nhân.

Điều quan trọng hơn nếu bỏ giấy chuyển tuyến chỉ cần 1-2 năm có thể triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở, và làm vỡ trận y tế tuyến chuyên sâu. Việc này sẽ đi ngược chủ trương củng cố hệ thống y tế cơ sở.

Nghiên cứu kinh nghiệm như ở Mỹ một bác sĩ chỉ khám cho 20 ca bệnh/ngày; một bác sĩ thực hiện các ca mổ đặc biệt chỉ mổ được 1 ca/ngày, mỗi ca kéo dài 6-8 tiếng, nếu mổ thêm ca thứ 2 nguy cơ tai biến với bệnh nhân sẽ rất cao. Do vậy phải khống chế lượng khám chữa bệnh của mỗi bác sĩ/ngày.

Tuy nhiên nếu bỏ phiếu chuyển tuyến, bệnh nhân bệnh nhẹ lẫn nặng sẽ ùn ùn lên tuyến chuyên sâu, bỏ tuyến cơ sở. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho các bác sĩ tuyến chuyên sâu, có nguy cơ vỡ trận.

Thủ tục chuyển tuyến cần đơn giản hơn

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức: Bỏ giấy chuyển tuyến triệt tiêu y tế cơ sở, vỡ trận tuyến trên - Ảnh 2.

Đại biểu Lê Thanh Phong (TP.HCM) - Ảnh: TIẾN LONG

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết hiện nay tình trạng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện lớn ở TP.HCM phải nằm bờ, ngủ bụi. Nguy cơ lây nhiễm, mất vệ sinh... Do vậy việc bỏ hay không bỏ giấy chuyển tuyến cần được xem xét kỹ lưỡng.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng nếu không giới hạn việc chuyển tuyến, người dân sẽ tập trung lên bệnh viện tuyến trên khám chữa bệnh. Tuy nhiên ông Ngân cũng đề nghị nhìn thẳng việc thủ tục hành chính chuyển tuyến hiện khó, gây bức xúc cho người dân.

Đại biểu đề nghị quy định giãn thời gian triển khai việc bỏ giấy chuyển tuyến để Chính phủ, Bộ Y tế có thời gian tập trung đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở sao cho tuyến dưới đủ nhân lực, cơ sở máy móc nhằm giảm áp lực lên tuyến trên.

Đại biểu Lê Thanh Phong (TP.HCM) cũng thẳng thắn nói thủ tục hành chính chuyển viện khó khăn, gây bức xúc cho người dân. Ông Phong đề nghị cải cách thủ tục hành chính trong bảo hiểm y tế, nhất là thủ tục chuyển tuyến.

"Người dân tự nguyện đóng tiền nhưng khi muốn chuyển tuyến lại khó khăn sẽ rất bức xúc. Tôi rất chia sẻ việc quản lý hành chính của ngành y tế nhưng phải có thay đổi", ông Phong nói.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức: Bỏ giấy chuyển tuyến làm triệt tiêu y tế cơ sở, vỡ trận tuyến trên - Ảnh 2.Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo

Một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... sẽ bỏ thủ tục chuyển tuyến, được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên