Nguy cơ khi có lượng mưa lớn sẽ xảy ra sạt lở lớn hơn
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5-8, phóng viên đã nêu lại việc xảy ra tình trạng sạt lở đất và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Từ đó, đề nghị lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã có đánh giá thế nào về thực trạng này, giải pháp ra sao, đặc biệt trong mùa mưa bão sắp tới?
Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Công Thành - thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho hay tình hình sạt lở đất đá ở Tây Nguyên gây ra nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.
Điển hình là sạt lở đất ở đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng, các điểm sạt lở ở khu vực như Đắk Nông…
Theo ông Thành, sườn núi sườn đồi tự nhiên sự phong hóa đất đá xảy ra từ từ, trượt lở từ từ một cách tự nhiên.
Khi ta có không gian để phát triển, thay đổi nhu cầu sử dụng như chuyển đất đồi làm khu trồng cây, san mặt đất sẽ làm cấu trúc đất đá thay đổi, dẫn tới nguy cơ khi có lượng mưa lớn thì sẽ xảy ra sạt lở lớn hơn.
Dấu hiệu cảnh báo như vết nứt xuất hiện, cây cối trên sườn đồi, núi nghiêng theo một hướng, tiếng nổ trong lòng đất… Khi phát hiện những dấu hiệu này người dân và chính quyền địa phương cần tiếp tục theo dõi, nếu có nguy cơ lớn thì phải di dời.
Hiện nay các cơ quan tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai đã có những bản đồ cảnh báo điểm sạt lở, tập huấn ứng phó với trường hợp sạt lở xảy ra, có những cảnh báo kịp thời cho người dân.
Thời gian tới, ông Thành cho biết sẽ có lực lượng phòng thủ dân sự ở địa phương được tổ chức, đào tạo bài bản chuyên nghiệp, đặc biệt khi có Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội thông qua.
Lực lượng này sẽ phối hợp cùng nhân dân, cơ quan trên địa bàn theo dõi, giám sát những dấu hiệu để ứng phó.
Ông Thành thông tin Thủ tướng Chính phủ đã có công điện để chỉ đạo các tỉnh theo dõi, giám sát và hành động quyết liệt hơn, cảnh báo người dân với những hiện tượng nguy hiểm. Ông đề nghị báo chí thông tin kịp thời nhằm cảnh báo cho người dân.
Thu phí trên cao tốc Nhà nước đầu tư, dân vẫn có quyền chọn đi đường khác
Trả lời câu hỏi về đề xuất thu phí trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng tiền ngân sách, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho hay trên thế giới nói chung và các nước đang phát triển nói riêng, để đầu tư cho hạ tầng cần huy động rất nhiều phương thức.
Trong đó có phương thức Nhà nước đầu tư xây cao tốc rồi thu phí để hoàn vốn.
Nêu tính toán sơ bộ đến năm 2025, nhu cầu đầu tư hạ tầng khoảng hơn 900.000 tỉ đồng.
"Thực hiện nghị quyết của Chính phủ, chúng tôi đã xây dựng đề án, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ có đưa vào nội dung Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc mới, song song đó có các tuyến đường quốc lộ, người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn đi cao tốc hoặc quốc lộ", ông Huy nêu.
Với thắc mắc "thu phí như thế nào", ông Huy cho biết Bộ Giao thông vận tải sẽ tính toán lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc, ví dụ đi nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn…
Từ các chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành, khai thác, lợi ích mang lại ấy, cơ quan quản lý sẽ tính toán mức thu phí đảm bảo chi trả của người dân.
"Mục đích của nguồn thu này là để nộp ngân sách, phục vụ đầu tư hạ tầng và các nhiệm vụ chi khác của trung ương", ông Huy cho biết và nói thêm các tuyến cao tốc đang đầu tư cũng được thực hiện theo chủ trương này.
Với câu hỏi về mức thu, ông Huy nói với mỗi dự án đều có đánh giá tác động, đánh giá lợi ích mang lại và khả năng chi trả của người dân, trên cơ sở đó mức phí phải xây dựng một cách khoa học và có lấy ý kiến các cơ quan liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận