Tọa đàm "Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc" do báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 14-11 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ông Lê Thanh Hòa, phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhận định như vậy tại tọa đàm "Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc" do báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 14-11.
Trung Quốc yêu cầu đánh giá rủi ro rất khắt khe
Theo ông Hòa, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, khả năng nhập khẩu nông sản nhiều nhưng thực tế chúng ta mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc nên dư địa thị trường còn lớn.
Hiện mới có sữa tươi của TH True Milk được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nhưng nước này cũng đang xem xét các doanh nghiệp khác, quá trình có thể mất thêm một thời gian nữa. Phía Trung Quốc yêu cầu đánh giá rủi ro rất khắt khe, chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu, từ giám sát mối nguy chế biến, đưa ra sản phẩm cuối cùng.
"Các quy trình đó Trung Quốc áp dụng như các nước phát triển Mỹ và EU. Các nhà máy phải bảo đảm các yêu cầu vệ sinh, quy trình tránh lây nhiễm chéo sản phẩm. Trung Quốc hiện không chỉ áp dụng với sản phẩm thực vật, mà các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi Trung Quốc đều giám sát thông qua các quy định rất chặt chẽ" - ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Hòa, phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhận định việc sữa tươi xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là bước ngoặt để đàm phán xuất khẩu nông sản - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu là điều tất yếu trong phát triển của một nền kinh tế mà do chúng ta chưa chủ động tìm hiểu sự thay đổi của họ, nên khi họ áp dụng thì cho rằng họ gây khó khăn cho chúng ta.
"Chúng ta đừng nhìn thị trường Trung Quốc bằng con mắt của người có 2.436 USD bình quân của Việt Nam. Qua nghiên cứu của chúng tôi, về cơ bản thấy rằng chỉ có những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về kinh tế, có khả năng phân tích thị trường thì mới tiếp cận và tiếp cận thành công với thị trường Trung Quốc. Còn chúng ta vẫn tự hào với phương thức sản xuất của hộ nông dân, hộ bán lẻ chắc chắn vào thị trường Trung Quốc rất khó" - ông Kiên nói.
Thu trái ngọt
Theo ông Hòa, việc Tập đoàn TH xuất khẩu sản phẩm sữa tươi vào Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa lớn lao hơn là việc đơn thuần xuất khẩu một sản phẩm sữa, bởi thực tế TH True Milk đã làm rất tốt vấn đề thị trường, vấn đề giám sát an toàn thực phẩm, đây cũng là thương hiệu rất nổi tiếng của Việt Nam.
"Một sản phẩm sữa đi vào con đường chính ngạch, xuất khẩu vào Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt trong việc chúng ta sẽ đàm phán tiếp, giải quyết các vấn đề về giám sát xuất khẩu, đã mở ra hướng đi xuất khẩu về các sản phẩm chăn nuôi sang Trung Quốc và các thị trường khác" - ông Hòa nói.
Lô sữa TH True Milk đầu tiên của Việt nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc - Ảnh: K.Lực
Chia sẻ thêm về hành trình chinh phục thị trường 1,4 tỉ dân của TH True Milk, bà Hoàng Thị Thanh Thủy, giám đốc kinh doanh quốc tế Tập đoàn TH, cho biết từ 2015, tập đoàn liên tục tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại đầu tư và tham gia các hội chợ quan trọng ở các thành phố lớn của Trung Quốc để nâng cao nhận diện thương hiệu.
Sau khi có cơ hội ngồi cùng phía Trung Quốc để lắng nghe các yêu cầu về sữa để có thể xuất khẩu và nghiên cứu kỹ hành vi tiêu dùng, thói quen tập quán của nước bản địa. Tập đoàn TH thành lập Công ty TH Quảng Châu và đăng ký bảo hộ thương hiệu TH tại Trung Quốc, xuất khẩu sữa dưới 80% sang thị trường này, phủ sóng loại sữa dưới 80% tại các siêu thị.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, giám đốc kinh doanh quốc tế Tập đoàn TH, chia sẻ về hành trình chinh phục thị trường 1,4 tỉ dân của TH True Milk - Ảnh: CHÍ TUỆ
Để đi đến ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển thị trường các sản phẩm nông sản, thực phẩm, sữa và các sản phẩm từ sữa hữu cơ với đơn vị sản xuất hàng hóa lớn nhất Trung Quốc thì Tập đoàn TH đã phải giải đáp rất kỹ càng khi đoàn Đoàn Hải quan Trung Quốc sang tìm hiểu về quy trình sản xuất và các điều kiện an toàn vệ sinh, số lượng đàn bò...
"Ngày 16-10-2019, sản phẩm sữa tươi của TH True Milk đã được phân phối chính ngạch tại Trung Quốc, được người Trung Quốc đón nhận và đánh giá sản phẩm sữa tươi TH tươi ngon. Đây là trái ngọt của sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Tập đoàn TH" - bà Thủy nói.
Bài học để doanh nghiệp xâm nhập thị trường Trung Quốc
Để thích ứng được với những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc, ông Kiên cho rằng, Tập đoàn TH là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xâm nhập vào thị trường Trung Quốc là nếu không nghiên cứu thị trường một cách bài bản, nếu không có khoa học công nghệ để áp dụng từ khâu đầu và chứng minh sản phẩm bảo đảm chất lượng trong chuỗi sản xuất thì tính cạnh tranh và khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật mà các nước đang xây dựng là rất khó.
Cánh tay tưới công nghệ cao trên cánh đồng cỏ của trang trại TH. Công nghệ cao được TH xác định là "chìa khóa vàng" cho nông nghiệp - Ảnh: T.H
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định việc đáp ứng tiêu chuẩn thị trường Trung Quốc nhưng không dễ. Như An Giang hiện nay xuất khẩu chính là lúa gạo và thủy sản là cá tra, chỉ có 2 doanh nghiệp được Trung Quốc đến khảo sát vùng nguyên liệu và nhà máy nhưng chỉ 1 doanh nghiệp có giấy báo đạt. Chúng ta thấy đạt được tiêu chuẩn doanh nghiệp của Trung Quốc rất khắt khe.
"Tôi khâm phục hành trình của Tập đoàn TH, sớm bắt nhịp để có sản phẩm xâm nhập ngay vào thị trường Trung Quốc nhờ vào sự chuẩn bị bài bản từ khâu đầu đến cuối. Phải khẳng định không nhiều doanh nghiệp làm được như vậy. TH True Milk ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất rất nhiều, nhưng tôi ngạc nhiên là khảo sát của Bộ Công thương cho thấy 61% doanh nghiệp không biết gì về công nghệ 4.0, 21% cho rằng mới bắt đầu áp dụng, thì thành quả, cách làm của TH True Milk là tấm gương cho doanh nghiệp khác đi theo" - bà Tuyết nói
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận