Phóng to |
Khu đô thị mới Thủ Thiêm (nhìn từ Q.1, TP.HCM) vẫn chờ nhà đầu tư - Ảnh: Minh Đức |
Phóng to |
TP.HCM đang kêu gọi đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: Thuận Thắng |
Đến thời điểm hiện nay, việc giải phóng mặt bằng đã hoàn thành được 98,2% và TP đang đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với hi vọng thay đổi tình hình kêu gọi đầu tư vốn ì ạch thời gian qua.
Ngổn ngang hạ tầng
Trong bản quy hoạch công bố lần này, BQL cho biết một số công trình công cộng, dịch vụ... có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình đầu tư thực tế, chẳng hạn dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm có thể điều chỉnh sang khu dân cư thương mại hỗn hợp. Theo ông Trang Bảo Sơn - phó BQL dự án, việc điều chỉnh dự án nhằm gần hơn mục tiêu mà các nhà đầu tư hướng đến. “Nếu có nhà đầu tư thiện chí với chức năng ban đầu, TP vẫn sẽ ưu tiên” - ông Sơn cho biết.
Về hạ tầng kỹ thuật chính, ông Sơn thừa nhận việc thực hiện còn rất chậm do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp. Ngoài cầu Thủ Thiêm và hầm Thủ Thiêm, đến nay vẫn chưa có trục đường chính cũng như một số hạ tầng kết nối Thủ Thiêm với trung tâm TP hiện hữu. Sự ì ạch trong đầu tư cơ sở hạ tầng kéo theo việc thu hút đầu tư khó khăn.
Theo BQL, đến nay 70% dự án trong khu đô thị Thủ Thiêm đã có sự quan tâm của chủ đầu tư cũng như có chủ trương đầu tư. Trong đó có sáu dự án đã được công bố kêu gọi đầu tư, ngoài ra còn 17 dự án khác đang được triển khai thực hiện, hình thức đầu tư đa dạng từ xây dựng chuyển giao (BT), 100% vốn của nhà đầu tư, đầu tư công tư (PPP)...
Ông Sơn cho rằng dự án Thủ Thiêm không đơn thuần là một dự án phát triển bất động sản, mà là dự án xây dựng một khu đô thị mới qua sông Sài Gòn để kết nối với trung tâm TP tạo thành hệ thống, trung tâm TP hoàn chỉnh với 10 triệu dân đến năm 2020. Vì vậy có rất nhiều chức năng quan trọng của đô thị phải được thực hiện để đáp ứng nhu cầu hoạt động về kinh tế, xã hội, văn hóa... Tuy nhiên sau 17 năm, kỳ vọng một khu đô thị Thủ Thiêm hiện đại ngang tầm khu vực không như mong đợi.
Không thể “tay không bắt giặc”
Tại hội nghị, hầu hết câu hỏi của các nhà đầu tư đều xoáy vào giá đất và tiến độ thực hiện các công trình hạ tầng trọng điểm ở Thủ Thiêm. Nhiều nhà đầu tư cho rằng các dự án trong khu đô thị đòi hỏi vốn lớn, nhà đầu tư tự bỏ vốn thi công trước nhưng tiến độ chậm của hạ tầng kỹ thuật gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Ông Võ Sỹ Danh, đại diện Công ty Tiến Phước - một trong những nhà đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm, cũng chia sẻ hạ tầng kết nối các tuyến đường vòng cung và cầu nối từ đường Tôn Đức Thắng vào trung tâm là rất quan trọng do cầu và hầm Thủ Thiêm chưa phát huy hết tác dụng nhưng đến nay triển khai ì ạch, làm chậm tiến độ của nhà đầu tư khác.
Ngoài lý do thiếu trục đường chính, vấn đề giá đất cao khiến việc thu hút đầu tư không như mong đợi cũng được các nhà đầu tư đặt ra tại hội nghị. Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng giá đất còn quá cao so với các nước trong khu vực. TP cần linh hoạt hơn trong việc định giá đất cho nhà đầu tư mới có thể thu hút nhanh được. “Có thể chấp nhận giá thuê đất thấp nhưng sau đó tập trung thu các phí dịch vụ chứ như hiện nay các nhà đầu tư đều rất e ngại” - ông Châu đề nghị.
Theo các nhà đầu tư, cần có những cơ chế chính sách nhằm tạo thêm nguồn vốn cho Thủ Thiêm, chứ không thể “tay không bắt giặc” như hiện nay. Ông Vũ Thế Hoàng, đại diện Trung tâm xúc tiến thương mại Cầu Vồng Kiev tại Ukraine, nói dù muốn giới thiệu đến các nhà đầu tư ở Đông Âu nhưng lại khá mù mờ về thông tin quy hoạch, tiêu chuẩn của dự án cũng như yêu cầu với nhà đầu tư. “Nhà đầu tư rất quan tâm đến chính sách thu hút, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án thành phần thuộc khu đô thị nhưng đến nay không có nhiều thông tin” - ông Hoàng cho biết.
Theo ông Trang Bảo Sơn, TP đang xem xét đề xuất chính sách mới, trong đó có chính sách giá đất để kêu gọi đầu tư một cách hiệu quả. Thủ Thiêm rất cần những thương hiệu lớn, có uy tín để tạo nên sức hút đối với những nhà đầu tư lớn khác. Về giá đất cao, theo ông Sơn, nhà quản lý cũng phải tính toán trên đồng vốn bỏ ra. Chỉ tính riêng số tiền để giải phóng mặt bằng, tính đến cuối tháng 1-2013 TP.HCM đã phải chi hơn 16.600 tỉ đồng. Ngoài ra TP còn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho hạ tầng giao thông để nối bán đảo Thủ Thiêm với các quận 1, Bình Thạnh và xây dựng nhà tái định cư cho người dân bị giải tỏa.
Giải phóng mặt bằng quá chậm Khu đô thị mới Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ đông sông Sài Gòn, đối diện Q.1, với tổng diện tích 657ha, được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ năm 1996 với mục tiêu trở thành trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của TP.HCM với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của TP, khu vực và có vị trí quốc tế, trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí. Để chuẩn bị cho dự án lớn này, TP.HCM đã mất hơn 10 năm giải tỏa hơn 14.000 hộ với khoảng 60.000 dân thuộc năm phường của Q.2. Hiện còn 150 hồ sơ về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết, việc giải phóng mặt bằng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng của khu đô thị. Sau nhiều lần chỉnh sửa, đến nay về cơ bản khu đô thị mới Thủ Thiêm quy hoạch thành tám khu chức năng, mỗi khu có đặc điểm riêng về công năng sử dụng hỗn hợp, mật độ xây dựng riêng, các không gian công cộng và các công trình điểm nhấn, hướng đến những không gian mở, các tiện ích, công trình công cộng phục vụ cuộc sống cư dân và người lao động. Trong đó khu vực “lõi trung tâm” của Thủ Thiêm được bố cục thành hai khu chức năng với các công trình trọng điểm là quảng trường trung tâm, công viên bờ sông và cầu đi bộ, trung tâm hội nghị triển lãm và khu phức hợp khách sạn, khu phức hợp tháp quan sát... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận