18/05/2023 09:33 GMT+7

Thu phí để lấy cao tốc nuôi cao tốc

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi các bộ liên quan xin ý kiến về phương án thu phí thí điểm các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách để hoàn trả vào ngân sách theo chủ trương đã được Quốc hội đề ra.

Thu phí để lấy cao tốc nuôi cao tốc - Ảnh 1.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là một trong chín tuyến đường cao tốc được Bộ Giao thông vận tải đề xuất thí điểm thu phí - Ảnh: ĐỨC TRONG

Theo phương án của Bộ Giao thông vận tải, trước mắt sẽ báo cáo Quốc hội cho thu phí thí điểm với 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025.

Thu phí 9 tuyến cao tốc trong 5 năm

Theo phương án của Bộ Giao thông vận tải, sẽ thực hiện thu phí thí điểm với 9 tuyến cao tốc, dự án do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025 bao gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương (dừng thu phí 1-1-2019 đến nay).

Thời gian thu phí thí điểm tối đa là 5 năm.

Theo Bộ Giao thông vận tải, do hiện nay pháp luật nước ta chỉ quy định thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh (dự án BOT) chứ chưa có quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và quản lý theo cơ chế giá hay phí.

Do vậy, khi chưa hoàn thiện pháp luật, Bộ Giao thông vận tải đề xuất thí điểm thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí. Tuy nhiên, trong công văn gửi các bộ, Bộ Giao thông vận tải chưa đưa ra mức phí cụ thể với các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Vì sao phải thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách? Đó là vấn đề mà dư luận đặt ra trong những ngày qua.

Giải thích về điều này, Bộ Giao thông vận tải cho rằng từ năm 2017 khi ban hành nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư các dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, Quốc hội đã nêu rõ dự án sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước.

Bộ Giao thông vận tải lý giải thêm: để thực hiện mục tiêu 5.000km đường cao tốc theo nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỉ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước chiếm 239.500 tỉ đồng (bình quân 24.000 tỉ đồng/năm).

Do đó, tạo nguồn cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết để bảo trì đường và hoàn trả ngân sách. Dự kiến đến năm 2025, có 1.624km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoàn thành đưa vào khai thác.

Do đó tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 là 9.067 tỉ đồng, bình quân 1.813 tỉ đồng/năm.

Về thực tiễn quốc tế, Bộ Giao thông vận tải cho biết một số nước có hệ thống đường cao tốc phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… khi đầu tư phát triển đường cao tốc từ nguồn lực công đã tổ chức thu phí qua trạm để vận hành, bảo trì, hoàn vốn và đầu tư phát triển mở rộng mạng lưới đường cao tốc. Do đó Bộ Giao thông vận tải khẳng định việc thu phí trên là cần thiết.

Thu phí để lấy cao tốc nuôi cao tốc - Ảnh 3.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km qua tỉnh Bình Thuận, với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách sắp hoàn thành đưa vào khai thác từ ngày 19-5. Giai đoạn đầu cao tốc này chưa thu phí xe cộ qua lại - Ảnh: ĐỨC TRONG

Đường chất lượng hơn nên phải trả phí

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, chuyên gia vận tải - kinh tế, cho rằng hiện nay ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng giao thông rất hạn chế. Nếu thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ có lợi thế rất lớn khi có nguồn tiền bảo dưỡng đường và tái đầu tư các tuyến đường khác, nhất là đường phục vụ an sinh, quốc phòng.

Dần dần sẽ nâng cao được chất lượng hạ tầng giao thông chung của cả nước, đóng góp về nhiều mặt. "Xét mức độ nào đó, thu phí đường do Nhà nước đầu tư cũng đảm bảo công bằng chung khi đường làm bằng ngân sách thì mọi người đều đóng góp nhưng không phải ai cũng được sử dụng đường.

Nếu có nguồn thu từ đường cao tốc làm bằng ngân sách để nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông ở những vùng miền khác là rất tốt" - ông Thái nói.

Còn theo PGS.TS Trần Chủng - chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), việc thu phí đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách các quốc gia khác cũng từng làm.

Bởi ông Chủng cho rằng đường cao tốc có tiêu chuẩn thiết kế và khai thác với tốc độ cao nên chi phí khai thác, bảo trì, bảo dưỡng lớn và đây là công việc quan trọng để đường cao tốc luôn đạt chuẩn cao tốc.

"Như đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương dừng thu phí nên không có tiền bảo trì đường, hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS) hỏng cũng không có tiền sửa chữa, nâng cấp" - ông Chủng dẫn chứng và nói thêm:

Đường cao tốc cung cấp dịch vụ vượt trội cho phép xe chạy tốc độ cao liên tục, tiết kiệm được thời gian và an toàn so với quốc lộ đi chung giữa ô tô, xe máy nên trả tiền sử dụng đường cao tốc do Nhà nước làm cũng hợp lý.

Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra lý giải: đường cao tốc là đường dành riêng cho xe cơ giới, chất lượng cao, tốc độ lưu thông lớn. Do đó so sánh với việc đi trên quốc lộ, người sử dụng đường cao tốc sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí vận hành phương tiện.

Và qua phân tích trên ba tuyến đường cao tốc đang thu phí là Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bộ Giao thông vận tải đưa ra kết quả, xe đi cao tốc sẽ tiết kiệm hơn so với đi trên quốc lộ (được quy thành tiền) là khoảng 5.265 đồng/km.

Thu phí để lấy cao tốc nuôi cao tốc - Ảnh 5.

Đồ họa: TUẤN ANH

Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM):

Thu phí vì nguồn đầu tư công hạn hẹp

Về nguyên tắc, tiền ngân sách đầu tư hạ tầng không nên thu phí. Chỉ khi nào tư nhân đầu tư, chẳng hạn như theo hình thức BOT mới thu phí để hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nguồn lực đầu tư công hạn hẹp trong khi đang cần thêm vốn để sớm hoàn thiện mạng lưới cao tốc.

Do đó, đề xuất của Bộ Giao thông vận tải thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư để tái đầu tư các tuyến cao tốc là hợp lý. Khi có tiền đầu tư hoàn thiện mạng lưới cao tốc sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải, tiết kiệm nguyên liệu, góp phần phát triển kinh tế.

ĐỨC PHÚ

Cần tính toán mức phí phù hợp

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 17-5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết việc đầu tư cao tốc bằng nguồn đầu tư công, ngân sách bỏ ra rất nhiều tiền. Ngay cả việc duy tu bảo dưỡng cao tốc cũng cần phải dùng tiền ngân sách.

Tiền này cũng là của dân. Nên việc xem xét thí điểm thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư từ người tham gia giao thông trên đường này là hợp lý.

"Trong bối cảnh đất nước đang cần nguồn vốn rất lớn để phát triển hạ tầng giao thông, thêm nhiều cao tốc nữa thì việc thu phí hợp lý là cần thiết.

Nguồn thu được nhằm để duy trì ổn định chất lượng đường cao tốc đó và cũng có thể dành ra một phần đóng góp vào ngân sách nhà nước để đầu tư mở rộng thêm những cao tốc khác nữa" - ông Chi chia sẻ.

Về mức thu phí, nêu quan điểm cá nhân, ông Chi cho rằng phải tính toán thận trọng tất cả các khía cạnh, trong đó có khả năng chi trả của người tham gia giao thông trên đường cao tốc.

Nếu thu ngang với mức thu của cao tốc BOT thì không ổn khi BOT là thu hoàn vốn cho nhà đầu tư. Nhưng mức thu phí tượng trưng thì cũng không nên. Do đó cần tính toán mức thu phí phù hợp, hài hòa giữa các bên Nhà nước và người dân.

L.THANH

Thu phí để lấy cao tốc nuôi cao tốc - Ảnh 8.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện đã bị quá tải, giao thông khá lộn xộn và thường xuyên xuất hiện tình trạng xe chạy vào làn dừng khẩn cấp - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương như "đường làng" vì dừng thu phí

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2010 với 4 làn xe và 2 làn khẩn cấp.

Từ năm 2019, khi hết hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí với Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Cục Quản lý đường bộ 4 (nay là Khu Quản lý đường bộ 4) quản lý tuyến cao tốc này.

Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần báo cáo Thủ tướng về đề án quản lý, khai thác đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Trong đó, có đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục tổ chức thu phí để có thêm nguồn thu nộp ngân sách nhà nước. Do chưa có cơ sở pháp lý nên việc tái thu phí trở lại vẫn chưa thể triển khai.

Theo thống kê từ đơn vị quản lý, từ lúc tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dừng thu phí đến nay, lưu lượng xe trên tuyến đường này tăng trên 35%. Trước thời điểm dừng thu phí, lưu lượng trung bình là 38.500 ô tô/ngày đêm, hiện nay khoảng 52.000 xe/ngày đêm. Ngày lễ Tết, lượng xe còn tăng đột biến.

Qua theo dõi, khoảng 7 - 8 năm đầu tiên cao tốc trên đưa vào khai thác, cơ bản đáp ứng năng lực thông hành xe và điều kiện an toàn giao thông. Tuy nhiên sau khi dừng thu phí, lượng xe tăng cao.

Các loại xe tải chạy dàn ngang dưới tốc độ tối thiểu, nhất là ở làn sát dải phân cách gây cản trở lưu thông trên tuyến, nhiều thời điểm ùn ứ, các xe chạy hết vào làn dừng khẩn cấp…

Chuyên gia giao thông Nguyễn Ân nói việc chậm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương trở lại đã gây tác hại nhiều mặt. Cao tốc hiện có tốc độ chỉ còn khoảng 60-70km/h, va chạm, tai nạn xảy ra thường xuyên.

Người ta còn ví von cao tốc như đường làng. Theo ông Ân, không thể chậm hơn nữa vì càng chậm cao tốc càng xuống cấp, trật tự giao thông lộn xộn, lãng phí ngân sách rất lớn. Với mức phí như trước đây thì mỗi năm có thể thu cả ngàn tỉ đồng.

Đây là nguồn vốn lớn để đầu tư, mở rộng cao tốc và chi nâng cấp, sửa đường. Mà muốn làm được, chuyện thu phí lại phải được gỡ vướng để sớm triển khai.

ĐỨC PHÚ

Ông Lê Duy Hiệp (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam):

Cần có lộ trình

Đề xuất thu phí đường cao tốc xây dựng bằng ngân sách sẽ có nhiều ý kiến lo ngại phí chồng phí. Trong khi các khoản phí thu trực tiếp hay gián tiếp (xăng dầu...) phí đường bộ, doanh nghiệp và người dân đều chi trả khoản này quen thuộc.

Do vậy, với đề xuất mới thu phí bằng ngân sách sẽ có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics Việt Nam, doanh nghiệp đã cố gắng để kéo giảm chi phí. Trường hợp đề xuất trên thực hiện sẽ đẩy sức ép tăng giá hàng hóa.

Dù vậy, tôi vẫn cho rằng quan điểm ủng hộ nghiên cứu đề xuất thu phí đường cao tốc bằng ngân sách, song cần có lộ trình và cơ sở hợp lý để hài hòa lợi ích của xã hội.

Chẳng hạn như Singapore, các khoản thu phí liên quan đến đường bộ dành phần lớn đầu tư cao tốc, từ đó người dân cảm nhận được việc sử dụng đường hiện đại, tiện nghi sẽ hài lòng với khoản phí đã nộp.

Ông Nguyễn Kim Thanh (giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, quận 12, TP.HCM):

Cần làm rõ mức phí và minh bạch sử dụng

Cộng đồng doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa rất quan tâm vấn đề thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Hiện các khoản thuế, phí như phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu, lệ phí trước bạ... đã tính và thu theo phương tiện. Do đó, việc thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư liệu có phí chồng phí?

Thu phí ở các dự án đường cao tốc xây dựng bằng nguồn ngân sách sẽ khiến doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực vận tải, gặp nhiều khó khăn.

Cước vận tải tăng sẽ áp lực lên người dân và cả nền kinh tế. Nhất là trong bối cảnh đại dịch vừa qua và giá xăng dầu diễn biến thất thường. Trường hợp thu phí thì cũng cần làm rõ mức phí và minh bạch sử dụng.

CÔNG TRUNG

Đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tưĐề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư

Để hoàn vốn các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án thu phí thí điểm 5 năm với các tuyến cao tốc đã và sắp hoàn thành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên