06/04/2025 15:56 GMT+7

Thu nhập bình quân người lao động cả nước là 8,3 triệu/tháng, có tăng chút ít

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), thu nhập bình quân của lao động quý 1 đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 720.000 sau 1 năm. Tuy nhiên cả nước chỉ có 28,8% lao động qua đào tạo, có bằng chứng chỉ.

lao động - Ảnh 1.

Cả nước chỉ có 28,8% lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Thu nhập bình quân lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng

Ngày 6-4, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) đã họp báo công bố về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước trong quý 1.

Riêng về tình hình lao động, việc làm, Cục Thống kê cho biết số lao động có việc làm trong quý 1 đạt 51,9 triệu người, tăng so với cùng kỳ năm trước tương ứng với 532,1 nghìn người. Nhìn chung lao động có việc làm có xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch COVID-19.

Đáng chú ý là cơ cấu lao động theo ngành có sự chuyển hướng tích cực, giảm tỉ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỉ trọng trong khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ.

Nói rõ hơn, ông Nguyễn Huy Minh - phó ban thống kê dân số và lao động, Cục Thống kê - cho biết hai khu vực sử dụng nhiều lao động nhất là công nghiệp - xây dựng và dịch vụ có số nhân công tăng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với mức tăng 267.700 người và 574.400 người.

Thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 131.000 đồng so với quý 4-2024, và tăng 720.000 đồng so với cùng kỳ năm 2024.

Chia theo giới thì thu nhập bình quân tháng của lao động nam 9,3 triệu đồng/tháng, lao động nữ 7,1 triệu đồng/tháng. Còn chia theo khu vực, thu nhập bình quân của lao động ở thành thị 10,1 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn 7,2 triệu đồng/tháng.

10 người lao động thì chỉ có 3 người được đào tạo, có chứng chỉ

Cũng theo ông Minh đánh giá, thị trường lao động vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, tuy nhiên chất lượng cung lao động còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

"Cả nước chỉ có 28,8% lao động qua đào tạo, có bằng chứng chỉ, thiếu cả về số lượng và trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó đòi hỏi chính sách đào tạo, phân luồng giáo dục để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực" - đại diện Cục Thống kê nhận định.

Bên cạnh đó, lao động có việc làm có xu hướng tăng, nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững. Cụ thể cả nước có tới 64,3% lao động có việc làm phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định với thu nhập thấp.

Quý 1 có 6.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Mặt khác, Cục Thống kê cho hay, trong quý 1 cả nước có tổng số 72,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, tổng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 78,8 nghìn doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng 61,4 nghìn doanh nghiệp.

Như vậy quý 1 có 6.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Do đó đòi hỏi cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính và chính sách hỗ trợ đột phá đối với doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, Cục Thống kê cũng cho rằng việc triển khai thực hiện nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy cũng như trong quý tới tiếp tục sáp nhập cấp tỉnh cũng như bỏ cấp huyện, khoảng vài trăm nghìn người khu vực công dịch chuyển sang khu vực tư đặt ra yêu cầu về chính sách hỗ trợ, đào tạo lại đối với lực lượng này để thích ứng sang môi trường mới.

Cả nước chỉ có 28,8% lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ - Ảnh 2.Lương lao động của Việt Nam chỉ 7 triệu, chất lượng nhân lực xếp thứ 116, trong khi Singapore thứ 19

TTO - Tỉ lệ lao động có chứng chỉ đào tạo cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia có thu nhập trung bình, trong khi thị trường đòi hỏi người lao động ngày càng phải có kỹ năng cao hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên