Ông Đoàn Hồng Vũ - giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An trả lời chất vấn - Ảnh: DOÃN HÒA
Nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến chính sách dân tộc, chính sách người có công được dư luận quan tâm đưa ra "mổ xẻ" sôi nổi tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An.
Ông Đoàn Hồng Vũ cho biết, hiện nay, Nghệ An là một trong những tỉnh đang quản lý chi trả trợ cấp thường xuyên và một lần cho người có công với cách mạng lớn thứ ba trong cả nước (sau TP Hà Nội và Thanh Hóa).
Tính đến ngày 30-11, toàn tỉnh đang chi trả thường xuyên cho hơn 75.000 đối tượng, với số tiền chi trả hơn 122 tỉ đồng/tháng.
Tuy nhiên, việc thực hiện một số chính sách còn sai sót, gây bức xúc trong nhân dân; công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng, cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công còn chậm. Đặc biệt, vừa qua thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kết luận trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 569 hồ sơ người hưởng chế độ thương binh sai và bị đình chỉ trợ cấp.
Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Vũ xin được nhận trách nhiệm của ngành được giao tham mưu, quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng đã để xảy ra những sai sót trên.
Theo ông Vũ, thời gian trước do trình độ hiểu biết của một bộ phận người dân còn thấp và sự tinh vi của một số đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của chính sách để khai man, giả mạo hồ sơ để trục lợi chính sách của Nhà nước. Không loại trừ trường hợp thương binh thật nhưng mất hồ sơ gốc, phải nhờ đường dây "chạy" hồ sơ.
"Các trường hợp bị cắt trợ cấp là hồ sơ giả mạo, giấy cấp giấy chứng nhận bị thương không có hồ sơ lưu gốc ở đơn vị quân đội. Chúng tôi chỉ là đơn vị tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan quân đội chuyển qua. Hồ sơ họ làm rất tinh vi, người trần mắt thịt không phát hiện được hồ sơ giả mà phải nhờ kết quả giám định", ông Vũ nói.
Ông Vũ cho hay, trong số 569 trường hợp bị cắt trợ cấp và phải thu hồi gần 118 tỉ đồng mà các đối tượng này đã được hưởng thì đến nay cơ quan chức năng đã phục hồi cho một trường hợp do người này bổ sung được hồ sơ hợp lệ. Ở các địa phương cũng thành lập các tổ công tác để tiếp nhận khiếu nại, hồ sơ bổ sung (nếu có) để giải quyết "với tinh thần làm hết trách nhiệm, người thật việc thật".
"Với những người đã qua đời, qua thống kê của chúng tôi có 66 người thì được miễn, không phải thu hồi tiền theo nghị quyết 119 của Chính phủ. Với những trường hợp còn lại, chúng tôi sẽ phân loại từng đối tượng, cương quyết thu hồi số tiền đã hưởng sai, nộp vào ngân sách Nhà nước. Riêng từ năm 2014 đến nay, có 64 trường hợp bị đình chỉ trợ cấp đã được phục hồi quyền lợi và danh dự", ông Vũ khẳng định.
Theo thống kê, hiện nay Nghệ An còn 28 trường hợp đề nghị nhưng chưa được xác nhận liệt sĩ, 813 trường hợp TNXP đề nghị được xác nhận là thương binh; gần 300 trường hợp người hoạt động kháng chiến đề nghị được hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học.
Toàn tỉnh Nghệ An cũng có hơn 700 trường hợp được nhân dân và cơ quan đơn vị liên quan qua các thời kỳ đưa vào danh sách tại các nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở các xã, phường, thị trấn nhưng chưa tra cứu được hồ sơ để đề nghị giải quyết chế độ cho thân nhân và cấp bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận