Tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhận định thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch là hoạt động mà TP rất quan tâm.
Bên cạnh phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường là mục tiêu song hành mà TP.HCM chú tâm thực hiện. TP luôn hướng tới một đô thị sạch, xanh, thân thiện môi trường với nhiều giải pháp đồng bộ, thường xuyên.
"Ô nhiễm chất thải nhựa, ô nhiễm chất thải nhựa đại dương được xem là vấn nạn toàn cầu, cần sự chung tay hành động của từng địa phương.
Hội thảo là dịp để chúng ta trao đổi, thảo luận về các sáng kiến, giải pháp và vai trò của chính quyền địa phương các cấp, doanh nghiệp, tổ chức liên quan trong kiểm soát chất thải. Đặc biệt là chất thải nhựa ra sông, kênh, rạch và đại dương", ông Cường nói.
Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Hồ Kiên Trung đánh giá việc quản lý không hiệu quả rác thải đổ ra sông, rạch, biển làm gia tăng sức ép lớn tới sức khỏe người dân và môi trường.
Ông Trung cung cấp hiện nay mỗi ngày cả nước phát sinh 68.000 tấn rác. Tuy nhiên thực tế chỉ thu gom xử lý được 88,34%. Phần còn lại bị thải ra gây ô nhiễm môi trường.
"Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách (biến chất thải thành tài nguyên, tái chế thu hồi năng lượng). Nhờ đó đã giảm chất thải chôn lấp từ 75% xuống còn 62% giai đoạn 2020 đến nay. Nhận thức người dân cộng đồng tăng cao, rác thải nhựa ra biển giảm. Chúng ta không còn trong số quốc gia phát thải nhựa nhiều nhất thế giới. Nhưng vẫn cần nỗ lực hơn nữa để môi trường tốt hơn", ông Trung phân tích.
Tại buổi hội thảo có một tham luận đáng chú ý về việc vớt rác kênh, rạch là cần thiết nhưng nếu ngăn chặn được từ đầu thì cấp bách hơn.
Ông Hoàng Thành Vĩnh - Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc - nhận định lượng nhựa tồn tại trong rác thu gom trên sông ở TP.HCM khá lớn. Trong đó bao bì nhựa chiếm tỉ lệ cao. Điều này có thể do tình trạng xả rác trực tiếp.
Ông Vĩnh cho rằng nếu can thiệp được từ đầu nguồn xả thải bằng các biện pháp như hạn chế sử dụng, thiết kế sinh thái, việc thu gom rác trên sông, rạch sẽ giảm được chi phí, công sức rất nhiều.
"TP.HCM cần tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng để giảm thiểu sử dụng nhựa, cũng như bỏ rác đúng nơi quy định, tập trung các khu vực ven sông, kênh, rạch. Thực hành các giải pháp giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần (tại các siêu thị, nhà hàng và các khu vực sinh thái cần bảo tồn, như Cần Giờ).
Thúc đẩy và tạo điều kiện sử dụng các vật liệu thay thế nhựa dùng một lần, có nguồn gốc sinh học và dễ phân hủy", ông Vĩnh góp ý.
Thu gom rác sông TP.HCM mới được 1 phần nhỏ
Ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết TP có 101 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy với tổng chiều dài lên tới khoảng 912,9km.
Tuy nhiên vẫn còn tình trạng rác thải, lục bình, rong cỏ xuất hiện nhiều trên các tuyến sông, kênh, rạch làm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó là cản trở lưu thông dòng chảy, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy, gây ô nhiễm môi trường.
Đến nay công tác thu gom rác trên sông, kênh, rạch chỉ mới thực hiện được một phần nhỏ so với tổng thể. Việc nghiên cứu ứng dụng các phương tiện thiết bị với công nghệ hiện đại để thực hiện công tác vớt, thu gom chất thải rắn trên các tuyến sông rạch là cấp thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận