09/06/2015 09:14 GMT+7

Thụ động, không chỉ từ sinh viên

CÔNG NHẬT - DIỆU NGUYỄN
CÔNG NHẬT - DIỆU NGUYỄN

TT - Theo ý kiến của nhiều giảng viên có thâm niên giảng dạy, quan sát nền giáo dục VN thì việc không quan tâm đến Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) không chỉ là vấn đề từ giới trẻ.

Cuộc thi Dynamic 2015, một trong những sân chơi học thuật hiếm hoi dành cho giới sinh viên có đề cập đến AEC - Ảnh: Quang Định
Cuộc thi Dynamic 2015, một trong những sân chơi học thuật hiếm hoi dành cho giới sinh viên có đề cập đến AEC - Ảnh: Quang Định

ThS Nguyễn Trần Phi Yến (khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Cần nỗ lực nhiều hơn nữa

Theo tôi quan sát, hiện giới trẻ trong nước có quan tâm đến việc trau dồi vốn ngoại ngữ nhưng số lượng các bạn chọn học ngôn ngữ các nước trong khối ASEAN rất hiếm. Các bạn có sự lo lắng và chuẩn bị cho nghề nghiệp của mình, nhưng nếu nói chuẩn bị kỹ lưỡng với AEC thì tôi e là không. Về tác phong thái độ và tìm hiểu kiến thức về kinh tế, chính trị, văn hóa, kinh doanh và con người ở các quốc gia trong khu vực ASEAN thì các bạn chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng.

Khi mỗi cá nhân làm việc hiệu quả thì tổng thể lực lượng lao động VN sẽ cải thiện theo. Tôi nghĩ giới trẻ cần tập thái độ tận tụy với công việc: khi ngôn ngữ và văn hóa là rào cản trong AEC thì kết quả công việc là điểm chung để kết nối tất cả mọi người lại với nhau, nó cũng là thước đo đánh giá năng lực của lao động.

ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (cố vấn chuyên môn hanhtrangsong.vn):

Họ có quan tâm đến kỹ năng mềm, nhưng...

Cuối năm 2014, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố kết quả khảo sát năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/5 và thậm chí 1/15 so với lao động một số nước trong AEC. Giả sử các nhân sự có năng lực làm việc gấp nhiều lần này vào VN, khả năng chống đỡ của lao động trẻ trong nước sẽ vô cùng yếu ớt. Tỉ lệ sinh viên thất nghiệp khi ra trường sẽ càng tăng cao, thậm chí nhiều lao động còn có thể bị đào thải khỏi môi trường làm việc hiện tại.

Khi giảng dạy kỹ năng mềm trong các trường đại học, tôi từng hỏi: "Bạn sinh viên nào biết sự kiện hội nhập AEC sẽ diễn ra vào ngày 31-12-2015? Sự kiện này có thể ảnh hưởng tới các bạn thế nào?" thì hầu như không có bất cứ cánh tay nào giơ lên. Do không biết thông tin (hoặc không quan tâm) nên việc chuẩn bị cho sự kiện này hầu như không có.

Các bạn cũng bắt đầu quan tâm đến việc học kỹ năng mềm, có chú ý tới ngoại ngữ, nhưng không phải để đón đầu sự kiện AEC mà chỉ là một sự quan tâm do yêu cầu bức thiết của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ mà các bạn đang sở hữu rất khiêm tốn so với yêu cầu xã hội hiện tại, huống hồ so với các lao động có chất lượng cao từ các nước phát triển hơn trong khu vực.

* Ông Bùi Quang Vĩnh (nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Úc):

Lỗi không chỉ từ họ

Chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giới trẻ được. Điều gì khiến một bộ phận các em trở nên thụ động, ỷ lại hoặc chạy theo những giá trị ảo?

Trong quá trình thu thập dữ liệu cho đề tài luận văn về các mối quan hệ trong trường ĐH, tôi nhận thấy một vấn đề lớn của công tác đào tạo hiện nay là quá nặng về lý thuyết và thiếu thực hành, đặc biệt rất ít trường chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho sinh viên. Cơ hội để sinh viên cọ xát thực tế, trải nghiệm công việc cũng không nhiều. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và các trường ĐH còn lỏng lẻo, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn không muốn hỗ trợ các trường trong việc nhận sinh viên thực tập, trong khi đúng ra đây là một nguồn lực bổ sung tiềm năng mà doanh nghiệp không phải trả lương...

Để chuẩn bị tốt cho việc hội nhập AEC, theo tôi, cần một loạt hành động từ các cơ quan quản lý nhà nước tới nhà trường và các tổ chức xã hội. Trước hết, tư duy về giáo dục ĐH của chúng ta cần thay đổi. Trường ĐH không phải cái ống hẹp mà đầu vào rất khó lọt, nhưng đã vào rồi thì thể nào cũng ra được dù chất lượng thế nào. Trường ĐH phải như cái phễu lọc, siết chặt đầu ra. Các tổ chức xã hội và các phương tiện truyền thông cần có những chiến dịch để thay đổi tư tưởng học lấy bằng cấp. Khi nào thế hệ trẻ thấm nhuần rằng học để tích lũy kỹ năng, kiến thức để vào đời thì sẽ có ý thức học cao hơn. Có như thế thì khi bước vào AEC họ mới không bỡ ngỡ và lo lắng nữa.

Thờ ơ với AEC có thể bỏ lỡ cơ hội

AEC được thành lập sẽ tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Việc phần đông giới trẻ vẫn tỏ ra thờ ơ, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kiến thức, kỹ năng khi AEC sắp đi vào hoạt động sẽ khiến các bạn bỏ lỡ cơ hội tiếp cận AEC. Ngoài ra, nguy cơ bị mất việc làm tốt khi phải cạnh tranh với lực lượng lao động có tay nghề ở các nước bạn là rất cao, khi mà lao động Việt Nam bị liệt vào nhóm có năng suất thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương.

Để đủ sức cạnh tranh khi hội nhập AEC, người trẻ VN cần trau dồi khả năng ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, học cách nói chuyện với đối tác, khách hàng, đặc biệt là người nước ngoài. Phần đông bạn trẻ Việt sau khi tốt nghiệp còn rụt rè, thiếu tự tin khi đi phỏng vấn tìm việc, bắt nhịp công việc chậm do không có phương pháp làm việc hợp lý. Để khắc phục điều này, bên cạnh sự nỗ lực của cá nhân người lao động, nhà trường, các trung tâm đào tạo cần chú ý bổ sung các khóa học, hội thảo về hướng nghiệp, phát triển tư duy, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. Ngoài ra, cần truyền thông mạnh mẽ hơn để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của thị trường lao động mới AEC.

NGUYỄN HỮU QUANG (giám đốc Công ty EXE)

CÔNG NHẬT - DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên