​“Cộng đồng kinh tế ASEAN là phép thử cho sự hợp tác” 

THANH TUẤN 19/11/2014 17:11 GMT+7

TTCT - Thúc đẩy thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 là nội dung trọng tâm của Hội nghị cấp cao ASEAN trong hai ngày 12 và 13-11 tại Nay Pyi Taw (Myanmar).

Ông Arjun Goswami - Ảnh: Thanh Tuấn
Ông Arjun Goswami - Ảnh: Thanh Tuấn

Những lo ngại về khả năng thực hiện AEC là nội dung mà TTCT đặt ra trong cuộc trao đổi với ông Arjun Goswami - giám đốc phòng hội nhập kinh tế khu vực của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

* Theo báo cáo của ADB, AEC sẽ không thể hoàn tất trong năm 2015 như dự định. Một chủ tịch tập đoàn lớn ở Philippines thậm chí còn nói “AEC sẽ không diễn ra trong đời này” của ông ấy. Ông nghĩ sao? 

- (Cười) Tôi luôn tin rằng AEC là một tiến trình và cái mốc 2015 không phải là điểm đến cuối cùng. AEC đặc biệt quan trọng và ảnh hưởng cho cả khu vực rộng lớn chứ không phải chỉ là ASEAN. Các nước đang gặp những vấn đề cải cách cấu trúc khó khăn hơn nên tiến trình chậm hơn là dễ hiểu.

Thực tế hơn, tôi nghĩ rằng có thể một số điểm của AEC sẽ không đạt được trong năm tới. 

“Khả năng của ASEAN có thể kéo các nguồn lực bên ngoài, thu hút FDI thông qua các cơ chế ASEAN+3, ASEAN+6, ASEAN+8... là rất quan trọng. Các nước đơn lẻ sẽ không thể có sức hút này. Vai trò nữa của ASEAN là điều phối về chính sách để đảm bảo từng nước không có các chính sách trái ngược nhau”
- Arjun Goswami-

* Như vậy có nghĩa là về cơ bản, sẽ chỉ có một lễ ra mắt AEC vào năm tới? 

- Điều đó phụ thuộc vào nước chủ tịch Malaysia năm tới. Nhưng tôi nghĩ là họ sẽ đưa ra một chương trình hậu 2015 sau lễ công bố dựa vào những gì đạt được ở thời điểm đó. AEC là phép thử cho việc hợp tác sâu hơn của ASEAN.

Tổng thư ký ASEAN hiện tại là người Việt. Việt Nam giờ có tiếng nói ngày càng quan trọng hơn đối với các vấn đề của ASEAN. Việt Nam có thể là động lực thật sự cho AEC hội nhập sâu hơn nữa. 

Kết hợp cung cầu lao động

* Ông có thể nói rõ hơn về khó khăn của các nước trong đàm phán?

- ASEAN đã giảm thuế rất tốt, nhưng hàng rào thuế quan thì cần phối hợp giữa các cửa khẩu để đảm bảo thông quan một cửa, làm sao để chuyển từ thông quan một cửa quốc gia sang thông quan một cửa ASEAN, làm thế nào để có cơ chế thương mại được chấp nhận giữa các nước. 

Về lĩnh vực hạ tầng và kết nối, đã có một số tiến bộ qua các dự án. Chúng ta đã có Tiểu vùng sông Mekong (GMS), Khu vực tăng trưởng Brunei - Indonesia - Malaysia - Philippines (BIMP-EAGA), tam giác tăng trưởng Indonesia - Malaysia - Thái Lan... nhưng vẫn còn nhu cầu đầu tư để phát triển hạ tầng kết nối về đường bộ, đường sắt...

Nếu hệ thống hạ tầng kết nối của nguồn cung không được đáp ứng thì sẽ không thể nào hội nhập AEC thành hệ thống sản xuất thống nhất hoàn toàn được. 

Lĩnh vực thứ ba phức tạp hơn là khả năng di chuyển của lao động giữa các nước, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Chúng ta đã có nền tảng là thỏa thuận thừa nhận về nghề trong tám lĩnh vực, nhưng cần phải làm thế nào để kết nối giữa cầu với cung nhân lực.

Cùng với đó là tăng cường khả năng giám sát của hệ thống tài chính giữa các nước, phát triển hơn thị trường trái phiếu nhằm có thể tìm nguồn tài chính cho phát triển hệ thống hạ tầng, để đa dạng hóa thị trường tài chính. Cuối cùng, điều mấu chốt của AEC chính là con người. Người dân phải có được lợi ích từ việc hội nhập này. 

Về thị trường lao động, tôi thấy sẽ rất khó để người từ Malaysia hay Philippines đến Singapore làm việc chẳng hạn. Như vậy, việc lao động có thể di chuyển tự do là điều không dễ.

- Điểm đặc trưng của người dân ASEAN chính là sự kiên cường, đức tính chăm chỉ và thái độ hướng ngoại. Họ sẵn sàng đi đến các nước khác (để làm việc). Ví dụ Philippines có rất nhiều người dân ra nước ngoài làm việc.

Nếu có cơ hội đạt thỏa thuận giữa các nước ASEAN về chấp nhận lao động xuyên biên giới, tôi nghĩ các nước sẽ làm điều đó ngay. 

Ở một góc độ khác, AEC càng mạnh, hệ thống sản xuất của AEC càng phát triển thì nhu cầu lao động càng lớn hơn. Vì vậy, mỗi nước có thể phát triển nền tảng dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình.

Vào AEC, họ có thể phát triển tốt hơn nguồn nhân lực của mình đồng thời tiếp nhận thêm nhân lực từ các nước khác. Chúng ta không nên để xảy ra tình trạng một nước nào đó không tiếp nhận lao động từ các nước ASEAN khác chỉ vì họ không chịu tiến hành các cải cách hệ thống. 

* Các nghiên cứu chỉ ra rằng trong quá trình hội nhập, tỉ lệ thất nghiệp thực tế thường là tăng, như trường hợp EU. Ông nghĩ sao về điều này?

- Chúng ta cần biết rằng hội nhập EU được thúc đẩy bằng động cơ chính trị, sử dụng đồng tiền chung euro..., trong khi của ASEAN dựa vào lợi ích kinh tế thật sự hơn. Liệu có tác động khác nhau đối với từng nước về tình hình lao động sau AEC?

Chúng tôi đã làm nghiên cứu với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) gần đây và kết luận rằng sẽ có những cách để tận dụng tốt hơn AEC, nhưng không phải là sẽ không có tổn thất.

Một số nước sẽ gặt hái nhiều thuận lợi hơn các nước khác, nhưng mọi nước đều có thể cố gắng để kiếm thêm lợi ích từ quá trình này. Nhưng anh phải làm một số việc như đào tạo nhân lực, cải cách...

Khoảng cách phát triển giữa các nước còn là lợi thế

Cho tới nay, các báo cáo nói ASEAN đã đạt được khoảng 70% đề mục cho việc hình thành AEC vào cuối năm 2015, nhưng 30% còn lại đều là những vấn đề rất gai góc như hải quan, giao thương dịch vụ và gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan. Việc gỡ bỏ hàng rào phi thuế quan đặc biệt khó với các nước gia nhập sau này vì còn rất nhiều thủ tục quan liêu và khó giải quyết ngay được.

Khi nói về hệ thống sản xuất thống nhất của ASEAN, chúng ta thấy các nền kinh tế ở đây có kết cấu khá giống nhau và đều hướng về xuất khẩu. Chúng ta không có sự bổ trợ để hội nhập kinh tế hiệu quả hơn, hay là tăng giao thương nội khối...

- Gần đây tôi đến Thái Lan thì thấy nước này và Campuchia đang xây dựng hệ thống cung cấp chung giữa hai nước. Tôi nghĩ dần dần chúng ta sẽ thấy hệ thống này giữa Thái Lan và Myanmar. Việc xây dựng các hệ thống nhỏ như thế sẽ bổ trợ cho AEC khi thành lập.

Trên bề mặt, nền kinh tế các nước là khá tương đồng. Nhưng nếu nhìn kỹ thì các nước có thu nhập trung bình vẫn có cách để hợp tác với các nước thu nhập thấp. Đôi khi mọi người thường nghĩ tiêu cực về sự khác biệt giữa các nước ASEAN mà quên rằng bản thân khoảng cách phát triển giữa các nước cũng chính là lợi thế để tận dụng trong AEC. 

* Theo tôi biết, thương mại nội khối của ASEAN hiện mới chỉ chiếm khoảng 11% tổng giá trị và thực tế đã giảm trong 15-20 năm vừa qua.

- Nếu anh nhìn vào tốc độ tăng trưởng của thương mại ở ASEAN sẽ thấy nhu cầu thương mại nội khối là đáng kể. Điều quan trọng là không phải chỉ nhìn từng quốc gia riêng lẻ đang làm thế nào, hãy nghĩ về ASEAN như một thị trường sản xuất tổng thể, một thị trường lớn như vậy sẽ thu hút rất tốt đầu tư FDI từ ngoại khối. 

Rất nhiều FDI từ Nhật đổ vào các nước thành viên mới của ASEAN thực tế có liên quan tới việc phát triển hệ thống sản xuất tổng thể vùng. AEC thành công hay không không phụ thuộc vào chuyện thương mại giữa Việt Nam - Campuchia.

AEC sẽ thành công nếu giúp tổng khối thương mại tăng lên. Và tôi tin điều này sẽ xảy ra vì khi anh tối ưu hóa các yếu tố của hệ thống sản xuất - cung cấp, anh sẽ thu hút được nhiều đầu tư vào khối hơn, sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch từ các nước ASEAN+3 (Nhật, Hàn, Trung) sang ASEAN. 

Vì vậy, kể cả khi thương mại nội khối giờ có ở mức rất thấp thì thứ nhất, tỉ lệ ở đây vẫn cao hơn nhiều so với các khối khác ở châu Á và thứ hai, AEC sẽ là cầu nối cho ASEAN tới các khu vực khác và phần còn lại của thị trường thế giới. 

* Nếu đó là tiến trình thì ngay lúc này, ASEAN có thể tập trung những kết nối gì cho AEC?

- Nếu phát triển hệ thống đường bộ và đường sắt để có thể hỗ trợ cho dòng chảy hàng hóa thì thương mại sẽ ngày càng tốt hơn. Kế đó, thúc đẩy thương mại nội khối rất cần phát triển hơn nữa vận tải đường biển. Kết hợp, tối ưu hóa được cả đường biển, đường bộ, đường sắt chúng ta sẽ có một mạng lưới hoàn chỉnh (cho sản xuất, hàng hóa). 

Ngoài hạ tầng cho giao thông, việc đẩy nhanh thủ tục giao thương, đơn giản hóa việc di chuyển đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ nếu tôi lái xe tải từ Lào tới Thái rồi tới Campuchia, liệu tôi có được lái cùng một loại xe hay không, hay là tôi phải dừng ở biên giới rồi chuyển đổi xe (giấy phép, xe tay lái thuận - nghịch...)?

Chúng ta cần có cơ chế để thừa nhận xe và giấy phép từ các nước để xe tải có thể đi lại dễ dàng giữa các nước. Có thể áp dụng hạn ngạch cho một số lượng xe nhất định có giấy phép chạy xuyên biên giới như vậy. 

Nhưng kể cả khi có hệ thống giao thông hoàn hảo như vậy, để giấc mơ ASEAN mang lại lợi ích thật sự cho người dân thì điều mấu chốt vẫn là tạo ra việc làm và thúc đẩy đầu tư. Hệ thống giao thông hoàn hảo giữa các nước sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu dọc tuyến đường đó chẳng có hoạt động thương mại hay sản xuất gì. 

Và còn rất nhiều cơ sở hạ tầng khác cần phải phát triển bên cạnh hệ thống kết nối. Cần những tuyến đường nông thôn kết nối với các tuyến đường giao thông chính kia, cần hệ thống vệ sinh đô thị tốt hơn... để bổ trợ cho hệ thống kia. Vì vậy, kết nối là rất quan trọng, nhưng chỉ kết nối không thôi là chưa đủ. 

* Với Việt Nam, lĩnh vực nào sẽ có nguy cơ khi vào AEC?

- Khó để nói cụ thể, nhưng tôi nghĩ rằng quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần được đẩy nhanh hơn nữa. Quá trình chuyển dịch cơ cấu cũng đang diễn ra, giảm tỉ lệ nông nghiệp thì ngay lĩnh vực nông nghiệp cũng cần phải mang tính cạnh tranh hơn.

Gạo và các nông sản khác của Việt Nam nếu muốn chiếm được nhiều thị phần hơn ở AEC, ngoài cải thiện sản xuất cũng cần phải cải thiện các chính sách hỗ trợ thương mại. 

* Còn điểm quan trọng nào về AEC mà chúng ta nên đề cập? 

- Có hai thái cực khi tiếp cận AEC. Một nhóm thì nói AEC sẽ chẳng thể nào xảy ra, nhóm còn lại thì nói mọi thứ đang rất tốt. Tôi không tin cả hai thái cực này. Tôi vẫn nghĩ AEC sẽ diễn ra nhưng như tôi nói, đó là một tiến trình và sẽ mang lại những hiệu quả thật sự. 

Mọi người thường nói, trong ASEAN+3 các nước Đông Nam Á thường chỉ là những người xin xỏ. Nhưng hãy nhìn vào Quỹ phát triển hạ tầng (AIF) mà họ đã lập ra từ 500 triệu USD tiền riêng và tự điều hành. Đó là bước tiến lớn.

ASEAN cũng khác biệt so với mô hình của EU. ASEAN tiến hành trên cơ sở tự nguyện, còn EU tiến hành theo cách áp đặt từ trên xuống, các nước sẽ phải tuân thủ theo. Hai cơ chế hoàn toàn khác nhau. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận